Khi người Việt không hôi của trở thành chuyện lạ

15.5869

Khi hàng hóa, tiền bạc bị rơi xuống đường, nếu tài xế không bị người dân lao vào hôi của thì quả là điều bất thường.

Từ nhiều tháng nay, “hôi của” đang là một từ khóa hot trên mạng. Liên tục các vụ việc hôi của được biết đến, cả xã hội cùng bức xúc và lên án hành động này. Và do đó, những hành động nhặt được của rơi mà đem trả người mất, hay nói không với hôi của trở thành những điểm sáng của xã hội. Từ một việc làm hết sức bình thường và mang tính quy luật, "nói không với hôi của" lại trở thành bất thường.

Gần đây nhất là vụ việc người dân bảo vệ hiện trường vụ đổ che chở xoài ở Quảng Nam. Thấy xe tải bị lật khiến hàng chục tấn hoa quả đổ xuống đường, người dân Quảng Nam đã tới giúp tài xế thu gom toàn bộ hàng hóa, không hề có chuyện hôi của. Toàn bộ sự việc chỉ có vậy, một câu chuyện rất đơn giản tưởng rằng có thể gặp ở bất cứ đâu thì ở nước ta đang trở thành truyện "cổ tích" và được cả xã hội nâng niu, thán phục.

Người dân Quảng Nam chung tay giúp tài xế xe tải thu gom lại số hoa quả bị lật.

Nguyên nhân là bởi dấu ấn của những vụ hôi của kinh hoàng gần đây vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Chiếc xe tải chở bia Tiger gặp nạn tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai, cả nghìn thùng bia đổ ra đường và lương tâm con người đã trôi theo xe bia, đây là một vụ ăn cướp đúng hơn là một vụ hôi của. Ăn cướp công khai, ăn cướp tập thể, ăn cướp mà không biết mình đang là kẻ cướp. Họ tự biện minh cho mình rằng họ chỉ nhặt của rơi.

Giữa tháng 10/2013, một người đàn ông bị cướp tại TP HCM, 50 triệu đồng mệnh giá 500 nghìn  đồng của ông bị giằng co rơi ra đường. Ông đã chống lại được 4 tên cướp để không bị mất tiền, nhưng ông không thể chống lại một đám đông xông vào cướp tiền của ông rơi trên đường. Ông bất lực nhìn tiền của mình bị cướp, mà những kẻ cướp đó nhân danh là người lương thiện chỉ tình cờ nhặt được của rơi.

Đặt cạnh những vụ ăn cướp nói trên, đương nhiên việc làm của người dân Bình Thuận se trở nên ý nghĩa và “lạ”. Trong một xã hội đang đảo lộn mà lệch chuẩn thì ngay cả những việc làm bình thường nhất, đơn giản nhất cũng có thể trở thành chuyện lạ.

Cái ác, cái xấu cứ dần dần xâm chiếm lấy xã hội cho đến khi lòng tốt, tình người không còn chỗ đứng. Con người vốn tự an ủi mình bằng câu “nhân chi sơ, tính bản thiện” để đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng trong xã hội hiện nay, một bộ phận không nhỏ “nhân chi sơ, tính bản tham” hoặc là “bản tư hữu” thì đúng hơn. Thấy cái gì tốt, đẹp là muốn giữ lại làm của riêng, điều này làm cho người Việt bị kỳ thị ở không ít quốc gia.

Chúng ta, ai cũng thuộc nằm lòng bài học “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” trên ghế nhà trường. Ở nhà thì được ông bà, cha mẹ dạy cho bài đồng dao Bà Còng đi chợ trời mưa với câu “tiền bà trong túi rơi ra, tép tôm nhặt được trả bà mua rau”. Suy cho cùng đó cũng chỉ là bài học về việc con người không nên và không được có lòng tham với những thứ không thuộc về mình.

Thật đáng xấu hổ khi lời thầy cô, ông bà hay cha mẹ cũng chỉ là ký ức về tuổi thơ mà thôi.  Bản năng là hành vi cốt lõi, là giá trị căn bản của con người. Khi có cơ hội thì nó sẽ bộc phát ra, vượt ra ngoài những giá trị về truyền thống hay đạo đức, đừng để “hôi của” trở thành bản năng của người Việt.

> Xem thêm:

Nguyễn Hoàng

Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]