Không phải cây bị sâu bệnh là đốn hạ ngay!

Dân trí “Cây xanh cũng như con người, có lúc khỏe, lúc yếu. Nếu cây nào bị bệnh thì phải tìm cách chữa trị sớm, nếu quá nặng thì mới tính đến chuyện phải chặt bỏ; tránh đốn hạ 1 cách tùy tiện…” – Giáo sư Trần Văn Mão, đã 51 năm nghiên cứu về bệnh cây chia sẻ...

0


Giáo sư Trần Văn Mão trao đổi với PV Dân trí

Bắt bệnh cây xanh Hà Nội

Trao đổi với PV Dân trí, Giáo sư Trần Văn Mão (76 tuổi) – nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý Bảo vệ Tài nguyên rừng và Môi trường (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam), hiện nay là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông lâm Thực phẩm (ĐH Thành Tây) và Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển Lâm nghiệp bền vững, người đã có 51 năm (1964 – 2015) nghiên cứu về các bệnh của cây xanh – cho biết: Đối với cây xanh có khoảng 600 loại bệnh khác nhau ở khắp các loài cây. Các loại bệnh này nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì hoàn toàn có thể chữa khỏi.

“Điểm mặt” các loại bệnh thường gặp ở 1 số cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội, như cây xà cừ, sao đen, lát hoa…Giáo sư Mão chia sẻ: “Đối với xà cừ thường bị bệnh u bướu thân, sâu đục thân, lá hay có sâu túi, nấm và thối gốc, rễ không phát triển do chật không gian ăn. Cây Lát hoa thường có bệnh loét thân, sâu đục thân, gốc hay bị mối mọt. Cây Sao đen có các bệnh như thủng lá, khô ngọn do sâu đục ngọn làm cho phân cành sớm. Ngoài ra những cây này nó cũng có những loại bệnh chung như thối rễ, đục thân, sâu ăn lá và nấm mốc. Tuy nhiên các loại bệnh này đều chữa trị được”.


Xén tóc chính là "thủ phạm" gây lên bệnh đục thân cây xanh


Chúng làm thân cây mục ruỗng dần...


Sâu non được sinh ra và trưởng thành ngay trong thân cây

Cũng theo Giáo sư Mão, “thủ phạm” của bệnh đục thân cây chính là loài Xén tóc. Khi Xén tóc đục vào lớp vỏ của thân cây và đẻ trứng tại đó, một thời gian trứng nở thành sâu con, sâu con tiếp tục ăn vào lớp gỗ bên trong cây. Cứ thế chúng cắt đứt lớp vỏ của cây, do vậy nước không thể đưa lên trên ngọn của cây được, nếu không chữa trị cây xe dần chết khô.

“Nguyên tắc sinh trưởng của cây là giữa lớp vỏ và lớp gỗ bên trong có 1 lớp giữa để vận chuyển nước lên trên ngọn cây. Vì vậy lá cây mới tươi tốt được, có tươi tốt như vậy cây nó mới quang hợp và truyền chất dinh dưỡng xuống nuôi thân cây. Nhưng khi bị Xén tóc cắt mất lớp giữa kia đi, nước không lên được, dần dần cây sẽ chết khô. Ngoài ra, trong quá trình bị sâu đục thân, những con sâu này nó cũng mang nấm bệnh vào thân cây” – Giáo sư Mão nói.

Bệnh thối rễ của cây xanh đô thị là do thiếu ô xy vì đất quá chặt, hơn nữa hay bị ngập úng vào mùa mưa. Do đó, bộ rễ tổn thương không phát triển được, cây dễ bị gẫy đổ khi thời tiết không thuận lợi.

“Bốc thuốc” chữa bệnh cho cây

Giáo sư Trần Văn Mão cho biết, ông rất lo lắng cho không gian xanh của Thủ đô hiện tại và tương lai, bởi hiện nay Hà Nội đang rất “thờ ơ” với cây xanh, điều này minh chứng rất rõ trong đề án “khai tử” 6.700 cây xanh vừa qua. Mới đây, Giáo sư Mão có dịp xuống trung tâm Hà Nội, đi qua nhiều tuyến phố và ghé thăm Công viên Bách Thảo; ông đã phát hiện nhiều cây xanh đang mắc bệnh, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ có nhiều cây bị hỏng.

“Cây xanh cũng như con người, có lúc khỏe, lúc yếu. Nếu cây nào bị bệnh thì phải tìm cách chữa trị sớm, trường hợp quá nặng mới phải tính đến chuyện chặt bỏ.Chứ không phải cứ sâu bệnh là đốn hạ ngay được!” – Giáo sư Mão cho biết.

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khá nhiều cây xà cừ cổ thụ có niên đại hàng chục năm, thậm chí lên tới cả trăm nay. Tuy nhiên, đề án “khai tử” 6.700 cây xanh của Hà Nội, thì những cây xà cừ này rất khó thoát “án tử hình”.

Giáo sư Mão chia sẻ, những cây xà cừ cổ thụ của Hà Nội cần được bảo vệ, nó ví như những “bậc cao niên” rất cần phải trân trọng.

“Tôi có dịp được thăm khu mộ của Khổng Từ ở tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc, có cây thông đã 500 tuổi, người ta phải quấn tôn quanh thân cây để giữ cây không bị lâm bệnh. Họ quý cây xanh đến như vậy. Vừa rồi, tôi thấy Hà Nội ồ ạt chặt khá nhiều cây xanh cổ thụ, nhất là những cây xà cừ có niên đại vài chục năm tuổi. Họ đưa ra lý do là cây xà cừ rễ ăn nông, nguy cơ gẫy đổ rất cao khi gặp thời tiết không thuận lợi. Lý do này cũng đúng, nhưng không phải cứ đưa lý do ra mà chặt không thương tiếc, phải tìm cách cứu lấy nó chứ. Có chặt thì chặt những cây thực sự hỏng, những cây ảnh hưởng đến giao thông thôi” – Giáo sư Mão chia sẻ.

Cây xà cừ và 1 số cây xanh khác trên phố thường bị bệnh thối rễ, thiếu ô xy. Tuy nhiên, theo Giáo sư Mão thì vẫn có cách khắc phục: Đối với rễ bị thối là do ngập úng và thiếu chất dinh dưỡng, cần khẩn trương tìm cách tháo nước đi, bón phân để củng cố chất dinh dưỡng, từ đó rễ sẽ hồi sinh và phát triển trở lại. Khi bộ rễ thiếu ô xy cần đào lên xới lại đất cho có không khí là sẽ khắc phục được vấn đề này.

Giáo sư Trần Văn Mão cho rằng, nếu Hà Nội quan tâm và chăm sóc cây xanh đúng cách, thì ông tin rằng hàng năm rất ít cây xanh bị đốn hạ.

Nguyễn Dương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]