Hysteria không phải là bệnh 'thiếu hơi trai'

"Em ơi, cần anh không?" - một anh xe ôm ngồi chờ khách trên đường Lý Thường Kiệt, TP HCM, buông lời châm chọc khi nữ sinh tên Vân, trọ gần đấy, đi qua. Theo lời đồn của người trong khu vực, Vân bị chứng bệnh thiếu hơi đàn ông.

31.2037

Vân vốn hiền lành khép kín. Một hôm đang ngồi chơi với bạn, cô đột nhiên run rẩy, ôm bụng giãy giụa, nói năng lộn xộn. Chủ nhà vội nhờ cậu sinh viên phòng kế bên dìu Vân đi bệnh viện. Lạ thay, cậu trai vừa chạm vào người, Vân lập tức tỉnh. Việc "chạm người" đó còn lặp lại thêm vài lần.

Mọi người kháo nhau: "Nhỏ đó không có bồ, chắc thiếu hơi đàn ông". Dù biết mình không phải như thế nhưng Vân cũng không thể nào thanh minh.

Hysteria và nỗi oan của phụ nữ

Chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy cho biết, bệnh của Vân chính là chứng hysteria. Theo bảng phân loại quốc tế, đây là bệnh rối loạn phân ly. Biểu hiện thường gặp nhất là khóc cười, sợ hãi, la hét, ngất xỉu mà không có nguyên nhân rõ ràng. Người bệnh cũng bị rối loạn cảm giác, co giật, đau bụng, đau ngực, câm hoặc điếc đột ngột. Điều kỳ lạ là họ vẫn quan sát được những chuyện diễn ra chung quanh.

Người thần kinh yếu, từng bị tổn thương tâm lý hoặc được nuông chiều từ nhỏ rất dễ mắc chứng bệnh này. Họ có xu hướng trầm trọng hóa những vấn đề mình gặp.

Đặc biệt, phụ nữ dễ mắc bệnh hơn đàn ông. Với những biến đổi của cơ thể khi trưởng thành, các cô gái thường rơi vào trạng thái căng thẳng, tạo điều kiện cho hysteria bùng phát. Sự căng thẳng thường mất khi kết hôn, vì thế nhiều người lầm tưởng bệnh xuất hiện là do thiếu hơi.

Hysteria có thể tạo ra hiệu ứng lây lan. Gần đây nhất là hiện tượng học sinh ngất hàng loạt tại các trường ở Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chỉ cần đàn ông chạm vào là khỏi?

Hysteria được đề cập rất sớm trong lịch sử con người, cách đây hơn 2.000 năm với quan niệm bệnh hình thành do sự rối loạn của tử cung phụ nữ. Từ xưa, những phụ nữ mắc chứng bệnh này đã phải mang tiếng xấu.

Đến nay, quan niệm cổ hủ, lệch lạc về bệnh này vẫn còn tồn tại ở rất nhiều người. Chính những suy nghĩ và cái nhìn thiếu thiện cảm đã tạo thêm sự căng thẳng cho người bệnh, vì thế chứng hysteria có nguy cơ tái phát.

Gặp người đang bị hysteria, bạn không cần quá lo lắng, tránh tụ tập xung quanh người bệnh. Nên để họ nghỉ ngơi một thời gian ngắn hoặc đưa vào cơ sở y tế điều trị nếu bị những cơn kích động mạnh. Phương pháp khắc phục rất đơn giản, chỉ cần bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý tác động đến bệnh nhân hoặc dùng các biện pháp đặc biệt như thôi miên.

Hysteria là tâm bệnh nên không chữa trị như các bệnh thực thể khác. Tốt nhất là những người trẻ cần được hỗ trợ để có tâm lý vững chắc, biết cách chia sẻ, giải quyết khi gặp bế tắc, khó khăn. 

(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]