Hậu quả của một nền kinh tế yếu kém tạo ra không chỉ là những nỗi ám ảnh không tên, mà hiện thực hóa từng ngày trên từng số phận cụ thể và những con số cụ thể. Doanh nghiệp nợ nần và giải thể chưa có tín hiệu ngừng, cán cân thu chi ngân sách đang lệch về phía âm, tiếp theo là hàng chục triệu người làm công ăn lương có nguy cơ tiếp tục đối mặt với những khó khăn do đồng lương vốn quá ít ỏi để duy trì một cuộc sống tối thiểu theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế kỹ tính từng dự kiến một kịch bản, nếu như tăng lương đúng lộ trình thì chưa hẳn người lao động đã có thêm được đồng nào vào túi, bởi vì lạm phát có thể cướp đi phần tăng thêm.

Nhưng đến nay thì niềm lạc quan dù rất do dự đó đã bị lung lay, bởi vì khả năng không tăng lương theo lộ trình có thể xảy ra, và lẽ dĩ nhiên cũng không ai dám chắc ngăn chặn được lạm phát. Vậy thì đồng lương hiện có mà người lao động nhận được sẽ bị vơi đi một phần. Đã không được thêm lại còn mất đi, khốn khó chồng thêm trên vai người lao động là điều thấy trước.

Chắc chắn những người có trách nhiệm đã rất trăn trở trước khi trình đề xuất này. Các bài toán khác nhau được đưa ra để giải, nhưng chưa tìm ra được nghiệm. Rất chia sẻ về những nỗi lo toan đó, nhưng cũng xin mạnh dạn đặt ngay yêu sách cần phải thực hiện lộ trình tăng lương. Đây không chỉ là việc hoàn thành lời hứa với nhân dân mà vì miếng cơm manh áo của người lao động trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn hiện nay.

Lấy tiền đâu ra quả thực là câu hỏi khó. Nhưng nếu bình tĩnh quan sát thì cũng có thể phát hiện nhiều chỗ có thể kiếm được. Những dự án công chưa cần thiết nên dừng lại, cơ quan  nhà nước đừng xây thêm trụ sở mới, giảm đi những hội nghị, tham quan trong ngoài nước, quan chức nhịn sắm ôtô và những tiệc tùng liên hoan, những phái đoàn công du tạm sử dụng máy bay thương mại giá rẻ, ngồi ghế “bình dân” thay vì ghế “VIP”. Số tiền tiết kiệm từ việc chi tiêu đó sẽ không ít.