Tôi đến Điện Biên vào một chiều tháng 3, thời tiết khá nóng bức. Đi dạo một vòng qua vài đường phố, sau khi ghé thăm tượng đài chiến thắng, tôi hỏi đường đi về Mường Thanh, được chỉ dẫn tôi tìm ra đường Thanh Luông, dọc theo hai bên đường Thanh Luông chính là cánh đồng Mường Thanh vang danh sử sách.
Bát ngát Mường Thanh

Vào thời điểm này cả cánh đồng phủ một màu xanh bát ngát của lúa non đang thì con gái, hương lúa thơm ngát, ngào ngạt hòa quyện trong gió, xa xa những cánh cò trắng đang đậu hoặc bay lượn lả lướt trên cánh đồng. Từ Thanh Luông có thể nhìn thấy tượng đài chiến thắng xa xa nằm trên ngọn đồi D1 ngay trung tâm thành phố Điện Biên.

 Cánh đồng Mường Thanh

Cánh đồng Mường Thanh cũng là cánh đồng lớn nhất ở Tây Bắc, khi nghĩ đến Tây Bắc hẳn ai cũng nghĩ đến ruộng bậc thang bởi địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi. Nhưng cánh đồng Mường Thanh lại bằng phẳng nằm giữa lòng chảo Điện Biên và rộng lớn với diện tích hơn 140km2, chiều dài hơn 20km, chiều rộng trung bình 6km. Đây chính là kho lúa gạo của Điện Biên với chất lượng gạo thơm ngon nổi tiếng. Từ đặc sản gạo Điên Biên, đã có rất nhiều món ngon được chế biến như xôi nếp nương, bánh dày.

 Cánh đồng Mường Thanh nhìn từ trên cao

Ở vùng đất giáp biên giới này, đất đai cũng khá khô cằn sỏi đá nhưng không vì thế mà lại thiếu các loài cây hoa trái. Tôi ghé thăm các gia đình ở đây thấy trong vườn nhà ai cũng có khá nhiều các loại cây trái, như mận đào nhãn sum suê um tùm, các cây bưởi đang mùa bung hoa nở nhụy để chuẩn bị cho ra những trái bưởi ngon khi mùa hè về, những luống rau cải trồng quanh năm tươi tốt. Vào tháng 3, cũng là mùa mận đào kết trái sau 2 tháng Tết nở hoa, trong các vườn nhà bà con ở Mường Thanh, mận đào trĩu cành chờ chín.

Đào trong vườn ở Mường Thanh

Gắn liền với với những thăng trầm của lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần không nhỏ trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, và từ đó chúng ta được biết đến Mường Thanh qua các vần thơ của cố thi sĩ Tố Hữu:

"Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng..."

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giữ lại không gian xanh bát ngát này cho chúng ta. Ngày nay cánh đồng Mường Thanh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp đơn sơ và thanh bình yên ả.

Bản Luông và đặc sản của người Thái

Khi hoàng hôn gần buông xuống, tôi theo chân người quen đi vào chợ bản Luông. Đây là bản của người Thái sống xen kẽ với người Kinh. Chợ xem như là trung tâm của bản, họp tự do hàng ngày và hàng hóa được bày bán hai bên ven đường, buổi chiều nóng là thế, đến tối trời bắt đầu lạnh lạnh.

Đang rảo bước trong chợ bỗng một mùi thơm như cá nướng cùng vị nồng nồng, cay cay hằng hắc rất lạ bay đến. Tò mò dến xem và hỏi thăm người quen thì biết đó là món “Pa Pỉnh Tộp” của người Thái. Để chế biến được món “Pa Pỉnh Tộp”, người ta dùng cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… vào tẩm ướp cho ngấm đều.
Sau đó, người ta gập đôi lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đã hồng. Món ăn này nhất thiết không được thiếu “mắc khén”, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá. Miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo ngọt của cá, vị cay của các loại gia vị nơi đầu lưỡi khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.
 Món Pa Pỉnh Tộp nổi tiếng trong chợ Bản Luông, một món ăn đặc sản của người Thái

Dĩ nhiên là tối hôm đó tôi được đãi món “Pa Pỉnh Tộp” cùng “Mắc khén” với rượu ngô nồng. Ngoài ra một đặc sản khác là món “Măng đắng” cũng được chủ nhà chiêu đãi, măng đắng là sản vật rừng ở Điện Biên được đồng bào người Thái thường đi rừng hái về. Mới lúc chiều khi chủ nhà mang măng đắng ra vòi nước để lột vỏ ngoài và rửa để luộc thì tôi chưa hình dung được mùi vị thế nào, đến khi được thưởng thức, lột bỏ lớp vỏ ngoài đến khi chỉ còn ruột măng trắng nõn, chấm cùng với mắc khén và ăn, tôi cảm mới cảm nhận được mùi thơm ngọt như bắp ngô non và vị đắng nhẹ ở ngay đầu lưỡi nhưng rất dễ chịu và dễ ăn.

 Măng đắng – sản vật rừng ở Điện Biên
Tối hôm đó, sau một ngày rong ruổi và trong men rượu say nồng tôi ngủ thiếp đi trong hơi lạnh của đất trời Điện Biên, ngoài cánh đồng Mường Thanh gió thổi ngọn lúa rì rào, trong vườn nhà tiếng lá xào xạc và văng vẳng bên tai tiếng vo ve như của hàng đàn muỗi đói kiếm ăn đêm.
Mường Phăng trắng rừng hoa ban nở
Đến Điện Biên mà không chiêm ngưỡng hoa Ban quả là một thiếu sót vô cùng lớn. Tuy nhiên theo lời người dân ở đây thì được biết bây giờ ở đường phố Điện Biên không còn nhiều hoa ban như ngày xưa nữa.
Nhưng may mắn cho tôi vào ngày hôm sau khi lặn lội vào Mường Phăng để thăm cậu em làm thầy giáo tận trong bản xa thì gặp được nhiều cánh rừng có rất nhiều hoa ban đang nở. Đến một đoạn đường đèo có lẽ nhiều hoa ban nhất tôi dừng lại để chụp ảnh thì gặp được một đôi bạn trẻ cũng đang say mê tạo dáng chụp ảnh cùng hoa ban. Được biết tôi từ xa tới chàng trai nhiệt tình giới thiệu đây là điểm ở Điện Biên còn được nhiều hoa nhất.
Hoa ban nở trắng rừng Mường Phăng

Xong tôi lại vội lên đường, vào tới bản trời cũng đã xế trưa. Tôi tranh thủ vào thăm hầm chỉ huy của tướng Giáp. Trong bữa cơm trưa thân mật cùng với vợ chồng cậu em tôi lại được thưởng thức các đặc sản của núi rừng Tây Bắc: nếp nương, măng đắng, gà đồi và lợn bản.

Cảm nhận cuộc hành trình của mình luôn tuyệt vời và thú vị với những trải nghiệm thật khó quên với phong cảnh đẹp của núi rừng, sự đón tiếp nồng nhiệt của mọi người và thưởng thức các món ngon và lạ.

Ngô Xuân Bằng – Trưởng Phòng ERP, Công ty TP Ân Nam