Làm đẹp và bệnh "nghiện" dao kéo

Với những lời tư vấn "tài tình" của các chuyên gia thẩm mỹ, nhiều người ngỡ rằng mình sẽ nhanh chóng trở thành mỹ nhân, vội vã chỉnh sửa, để rồi lại rơi vào vòng xoáy khác, chỉnh lại những gì đã sửa!

15.6233

"Không ai nói xấu mặt hàng mà mình đang bán, kể cả bác sĩ (BS) làm đẹp. Khi quyết định đặt túi ngực, tôi chỉ nghĩ đến điều BS nói và răm rắp tuân theo. Thế nhưng, sau khi nâng cấp vòng 1, tôi rơi vào tình huống khóc dở mếu dở. Sự không cân xứng của "núi đôi" là điều không thể chấp nhận, nhất là sau khi đã trải qua biết bao đau đớn, lo lắng. Dù không học nhiều, nhưng tôi cũng thừa biết, hậu quả này là do tay nghề BS. Bởi hai miếng túi ngực do chồng tôi mua tại Mỹ, chúng bằng nhau như trẻ sinh đôi. Giờ muốn phẫu thuật đặt lại túi ngực cho cân đối, tôi phải chờ sáu tháng", chị Hằng, cư ngụ tại Q.3, TP.HCM tâm sự.

Thông thường, sau khi đặt túi ngực, các chị còn phải đi xoa bóp để túi ngực và cơ trở thành "bạn láng giềng" thân thiết. Cô kỹ thuật viên ở một trung tâm xoa bóp thuộc địa bàn Q.3, TP.HCM nhận xét: "Gần đây, không ít khách đến chỉ yêu cầu xoa bóp vòng 1. Có điều "sự cố" do đặt túi ngực nhiều lắm. Có người đầu ngực bên cao bên thấp, có người bên to, bên nhỏ. Cũng có chị than bị đau lưng!".
 
 
Phần lớn người đi làm đẹp nghĩ đơn giản: chỉ cần rạch da vùng nách, đưa túi vào là xong. Nó sẽ nằm im tại chỗ và phát huy công dụng phóng to của mình. Thực chất không phải như thế. TS-BS Đỗ Quang Hùng - Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến vật làm đẹp trở thành "tội phạm" gây xấu như: BS không được đào tạo đúng chuyên khoa; nơi thực hiện phẫu thuật không đạt, thiết bị gây mê hồi sức không tốt, gây ra sốc, choáng, suy hô hấp; chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng kém, gây dễ vỡ hoặc xơ hóa chức năng xung quanh. Đặt túi ngực to quá sẽ làm vóc dáng mất cân đối, đau lưng... Như vậy, đặt cỡ bao nhiêu? "Trung bình hiện nay đặt cỡ 220 đến 300cc là vừa. Chỉ có phụ nữ cao và có bề ngang vai to 38-40cm thì đặt cỡ 320 - 350cc" - BS Hùng cho biết. 

Sự cố không chỉ ở vòng 1 mà còn ở các... nơi khác. BS Nguyễn Vĩnh Phước, BV Thống Nhất, TP.HCM cho biết: "Khoa Tai mũi họng – Mắt chúng tôi đã điều trị không ít trường hợp dị ứng mũi do bơm silicon lỏng, viêm giác mạc do lấy mỡ mi dưới làm lộn cả bờ mi ra ngoài". Tại BV Mắt TP.HCM còn chỉnh sửa những ca cắt mí quá to, trông mất tự nhiên.

Một "sự cố" nữa xảy ra ở mắt, nhưng do nâng cung mày tạo ra. Chị Tín, Việt kiều Úc, cứ khoảng  một - hai năm là về Việt Nam nâng cung mày cho trẻ, nhưng đến lần thứ ba thì mắt bị nhướng. Theo BS khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy thì tai biến do nâng cung mày không đúng kỹ thuật là: treo không đều, treo cao, để lại sẹo... Các tai biến  này nhiều khi khó chỉnh sửa để đạt kết quả tốt. Điều cần biết thêm là "tuổi thọ” của cung mày phụ thuộc vào tốc độ lão hóa da và kỹ thuật nâng cung mày, trung bình sau 5 đến 10 năm  mới phải làm lại. Còn biến chứng nguy hiểm - tuy hiếm gặp -  của căng da mặt là chảy máu sau khi phẫu thuật, cần được BS theo dõi sát trong 12 giờ đầu sau mổ để phát hiện sớm và điều trị.

Ở nhiều nước, cơ quan quản lý hành nghề y khuyến cáo không nên thực hiện các phẫu thuật lớn, đồng thời trên một bệnh nhân. Riêng trong phẫu thuật hút mỡ bụng, đùi, eo - dù là một phẫu thuật rất an toàn, nhưng vẫn phải giới hạn số lượng mỡ hút ra. Tại Singapore, chỉ một số nhỏ phẫu thuật viên được phép thực hiện phẫu thuật hút trên 2.000ml và phải thực hiện trong bệnh viện lớn. Lấy mỡ nhiều, khoảng trên ba - bốn lít thì có nguy cơ gặp những biến chứng như rối loạn điện giải, tim mạch... (tỷ lệ khoảng 1/20.000 ca). 

TS-BS Lê Hành – Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy khuyên: Phẫu thuật thẩm mỹ cũng có nguy cơ gặp những tai biến như trong mọi phẫu thuật khác: tai biến do gây mê, hô hấp, phản ứng thuốc... Vì vậy, cần được thực hiện trong những cơ sở đầy đủ trang thiết bị, đạt chuẩn ngoại khoa. Những tai biến nặng nề xảy ra thường do có những bệnh tiềm tàng trong cơ thể (tiểu đường, cao huyết áp, suy giảm miễn dịch, máu loãng...). Do đó, cần kiểm tra sức khỏe tổng quát kỹ trước khi đi làm đẹp.

BS Lê Hành còn cho biết thêm, cần tuân thủ quy trình chăm sóc, theo dõi hậu phẫu, tái khám đúng kỳ. Những kiểu chăm sóc tùy tiện, thường dẫn đến kết quả không vừa ý. Ví dụ như massage tích cực trên một khuôn ngực đã được đặt túi gel, vỏ bao nhám, hoặc túi giọt nước là không cần thiết, thậm chí còn gây hại, tạo bao xơ co thắt nhiều hơn.

Chúng ta cần cân nhắc kỹ cái được và cái mất trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, đừng trở thành người nghiện dao kéo bất đắc dĩ do phải sửa đi sửa lại nhiều lần.
 
Theo Phụ nữ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]