Làm sao để có những tấm ảnh đẹp dịp Tết?

Ngày Tết, vạn vật đều thay đổi theo hương sắc mùa xuân. Đây cũng là lúc thích hợp nhất để bạn ghi lại những giây phút và cảnh sắc vui tươi của con người và đất trời. Một số chú ý sau sẽ giúp bạn có được những bức ảnh đẹp trong ngày xuân...

0
  • 1

    Nên chọn những ngày đầu khai mạc

    Nếu có ý định đi chụp ảnh ở những hội chợ hoa, bạn nên chuẩn bị, sắp xếp kỹ lưỡng trước khi chụp ảnh cho cả gia đình để có được những tấm ảnh đẹp. Thời điểm lý tưởng để đi chụp ảnh là những ngày đầu khai mạc. Lúc này, các loại hoa, hiện vật trưng bày còn rất tươi, rất đẹp chưa bị “xuống cấp” sự “nồng nhiệt” quá mức của khách tham quan.

    Bạn sẽ dễ chọn lựa được vị trí đẹp để chụp ảnh, tránh được cảnh chen lấn và bị “vướng” người qua lại trong ảnh vì lượng khách tham quan không nhiều bằng thời điểm vào Tết

  • 2

    Chụp với ánh sáng tự nhiên lúc ban ngày

    Chỉ có ánh sáng tự nhiên lúc ban ngày mới giúp bạn cảm nhận được hết hương sắc của các loài hoa trong vườn hoa ngày Xuân, màu sắc của ảnh chụp mới tươi tắn, rực rỡ, đúng sắc độ của thiên nhiên. Vì thế, hãy chụp khi trời còn sáng và nhớ chụp ở ngoài trời.

    Khoảng thời gian từ 7 giờ đến 10 giờ sáng là lý tưởng nhất, ánh mặt trời chiếu chếch rất đẹp, thời tiết còn dịu mát, mọi người khi được chụp ảnh luôn tự nhiên, tươi tỉnh và thoải mái. Quá thời gian này, thời tiết sẽ rất nóng bức với nắng gắt, ánh nắng rất chói chang và chiếu từ trên đỉnh đầu xuống thường gây ra bóng che lấp khuôn mặt, màu sắc của ảnh chụp cũng không được đẹp vì độ tương phản cao, chưa kể người được chụp sẽ bị hốc hác, nhăn mặt, mắt nheo lại vì chói.

  • 3

    Tránh hiện tượng ảnh bị “ám sắc”

    Ánh sáng luôn thay đổi theo thời khắc trong ngày, không chỉ đổi hướng mà còn thay đổi cả màu sắc nữa. Ánh sáng mặt trời có màu trắng vào buổi sáng, ngả dần sang màu khi về chiều, cuối cùng chuyển sang cam lúc hoàng hôn. Nếu chụp ảnh vào buổi chiều trở đi, ảnh chụp sẽ bị ám sắc vàng của ánh sáng mặt trời.

    Ngoài ra, khi chụp ảnh chân dung hoặc bán thân dưới ánh nắng, nếu người được chụp cầm ô che nắng hoặc mặc áo có màu sắc rực rỡ và chói quá, hoặc khi họ cúi mặt gần sát những đóa hoa thì màu sắc của chiếc ô, chiếc áo, của những bông hoa cũng sẽ làm cho khuôn mặt của họ bị “ám sắc” (màu sắc bị sai lệch đi: đỏ hơn, vàng hơn bởi màu của chiếc ô, chiếc áo, của những đóa hoa). Để tránh trường hợp này, bạn hãy bấm chụp lúc trời dịu nắng, cường độ chiếu sáng vừa phải (mây che mặt trời) hoặc tốt hơn cả cho chủ đề đứng trong bóng râm.

  • 4

    Chú ý hậu cảnh


    Rất nhiều người khi quan sát trong khung ngắm để lấy bố cục, họ chỉ chú ý vào đối tượng được chụp nhưng chẳng để ý quan sát hậu cảnh ở phía sau chủ thể. Khi xem lại ảnh chụp mới phát hiện những lỗi “vặt vãnh”, khó chấp nhận được ở phía sau chủ thể.

    Chẳng hạn như người bán hàng rong, thùng rác công cộng, tấm bảng “cấm hái hoa” (“cấm đi trên cỏ”; “WC”), các bịch ni lông, bao bì bánh kẹo mà người khác vất bừa bãi ở dưới đất hoặc ghế đá công viên có người đang ngồi với tư thế “không được đẹp” cho lắm...

  • 5

    Đừng để nhân vật chính bị bé quá


    Khi chụp ảnh lưu niệm lấy cả người và cảnh, chắc chắn bạn sẽ gặp tình huống ảnh chụp tuy lấy được trọn vẹn cảnh vật xung quanh như những cây mai cổ thụ, nhà thờ Đức Bà, chùa Vĩnh Nghiêm, quảng trường UBND TP, các tòa cao ốc trên phố... nhưng nhân vật chính trong ảnh bé xíu. Làm thế nào để vẫn lấy “đầy khung ngắm” người được chụp lẫn cảnh vật xung quanh? Giải quyết vấn đề này thật là đơn giản.

    Đầu tiên, bạn hãy di chuyển và canh máy để lấy được trọn vẹn cảnh vật xung quanh. Sau đó, thay vì sắp đặt người được chụp đứng ngay dưới tượng đài, công trình kiến trúc (như thói quen thường gặp ở nhiều người) bạn bảo họ di chuyển về phía máy ảnh, đến khi bạn thấy hình ảnh của họ trong khung ngắm “đủ lớn” thì dừng lại và tạo dáng. Lúc này, bạn mới bấm chụp. Bảo đảm là tấm ảnh của bạn sẽ có được tấm ảnh như mong muốn.

  • 6

    Dùng chế độ macro để đặc tả các bông hoa

    Muốn có được những ảnh chụp đặc tả các bông hoa thật ấn tượng như thường thấy trên các tấm bưu thiếp, bạn phải sử dụng chế độ chụp của máy ảnh về macro mode. Muốn vậy, bạn hãy tìm biểu tượng macro trên các nút chức năng hoặc từ bảng menu của máy ảnh (biểu tượng một đóa hoa có 3 cánh) để kích hoạt nó (On).

    Đưa ống kính tới sát đóa hoa ở khoảng cách cho phép (có ghi rõ trong tài liệu đi kèm với máy ảnh), canh nét thật kỹ càng (vì ở chế độ macro, khoảng rõ trước và sau đối tượng được chụp rất hẹp), lấy bố cục, giữ máy chặt và bấm chụp. Chọn đúng kiểu ảnh dọc hoặc ngang, nguồn sáng hợp lý, lấy nét chuẩn, giữ chắc tay và chụp liên tiếp ở nhiều góc độ là một số bí quyết nữa để bạn có được các bức ảnh ưng ý.

  • 7

    Canh dọc hay canh ngang?

    - Canh dọc: Khung ngắm dọc khi xoay thẳng đứng máy ảnh, thường được áp dụng khi chụp các tòa nhà cao tầng, tượng đài, thác nước hoặc chụp riêng lẻ một người. Ảnh được canh dọc sẽ cho bố cục chặt chẽ và cảm giác về chiều sâu của ảnh.

    - Canh ngang: Xoay máy ảnh nằm ngang thường áp dụng khi chụp phong cảnh, một nhóm người hoặc chụp toàn cảnh. Hầu như đa số người cầm máy ảnh để chụp (nhất là những người mới biết chụp) thường để máy nằm ngang vì cảnh tượng trông giống như mắt chúng ta nhìn thấy, tỉ lệ hài hòa và hợp lý.

    Khi chụp một người, nếu chủ đích của bạn lấy cảnh là chính, người chỉ là yếu tố phụ thì bạn có thể canh ngang. Tuy nhiên, bạn đừng xem đây là nguyên tắc bắt buộc, vì có đôi khi với chủ đề thường được chụp theo kiểu nằm ngang (canh ngang) nhưng khi được chụp theo kiểu thẳng đứng (canh dọc) sẽ thu được hình ảnh khác lạ, bất ngờ và đầy tính khám phá.

  • 8

    Chọn nguồn sáng

    Ánh sáng chiếu vào đối tượng được chụp có thể tạm chia làm 3 nhóm chính, ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của người được chụp.

    - Nguồn sáng thuận: Ánh sáng chiếu thẳng trực tiếp vào mặt người được chụp, rất dễ chụp. Ảnh chụp ra sẽ có màu sắc rất rõ ràng, trong trẻo, bắt nét từng chi tiết nhỏ trên khuôn mặt của đối tượng. Tuy nhiên, nếu nắng gắt quá sẽ rất dễ làm đối tượng được chụp bị chói mắt nên sẽ nheo mắt, mất đi vẻ đẹp tự nhiên.

    - Nguồn sáng chếch: Ánh sáng chỉ chiếu vào từ một phía (trái hoặc phải) của đối tượng được chụp nên làm cho ảnh chụp trông nổi bật từng chi tiết và có chiều sâu nhiều hơn nhờ vào những mảng sáng tối tương phản nhau trên đối tượng. Kiểu chụp này dễ bị thiếu sáng (có thể “bồi” thêm đèn flash) và đòi hỏi người chụp phải có kinh nghiệm chụp.

    - Nguồn sáng nghịch: Ánh sáng đến từ phía sau đối tượng được chụp, rọi thẳng vào ống kính của máy ảnh. Ưu điểm của cách chụp này là tạo đường sáng viền quanh đối tượng được chụp. Nếu bạn chụp ảnh chân dung, khuôn mặt đối tượng không bị nắng rọi nên trông rất tự nhiên, mái tóc được sáng bóng lên, rõ chi tiết từng sợi một. Nếu chụp hoa, bạn sẽ diễn đạt được vẻ mỏng manh, lung linh của từng cánh hoa.

    Tuy nhiên, cách chụp này dễ bị “lọt sáng” vào ống kính (còn gọi là “cháy phim”), sẽ làm tối đối tượng chụp. Có thể khắc phục bằng cách dùng miếng bìa để che chắn phía trên ống kính ngăn ánh sáng lọt vào và “bồi” thêm đèn sáng để làm sáng đối tượng. Đây là kiểu chụp khó, đòi hỏi người cầm máy phải có kinh nghiệm.

  • 9

    Ảnh bị mờ

    Có thể là do một trong những nguyên nhân sau:

    - Lấy nét sai: Cho dù máy ảnh của bạn có chức năng lấy nét tự động (AF - Auto Focus), bạn cũng phải chú ý đến việc lấy nét, nếu không ảnh sẽ mờ, không rõ nét. Để lấy nét cho đúng, bạn di chuyển máy ảnh và quan sát trong khung ngắm sao cho đối tượng được nằm ở vị trí tâm điểm của khung ngắm. Bấm nhẹ nút chụp xuống lưng chừng thôi, dùng lại một chút để máy ảnh lấy tiêu điểm (focus) và giữ nguyên vị trí nút chụp. Động tác này sẽ lấy nét và khóa nét tại chủ đề (biểu hiện bằng đèn báo trong khung ngắm). Bạn xê dịch máy để lấy bố cục ảnh cho thật vừa ý. Cuối cùng mới bấm nút chụp xuống hết để hoàn tất việc chụp ảnh. Ngoài ra, có những trường hợp như hậu cảnh rõ nét nhưng chủ thể bị mờ là do khi chụp bạn lại quá tập trung điểm ngắm vào hậu cảnh. Hoặc hậu cảnh mờ nhưng chủ thể nét là do khi chụp bạn lại quá tập trung điểm ngắm vào chủ thể.

    - Nét bị run: Lỗi này xảy ra khá phổ biến ở những người mới bắt đầu sử dụng máy ảnh, thường làm rung máy khi chụp. Để khắc phục, bạn hãy giữ máy chắc, đừng rung tay. Chọn tư thế đứng hoặc quỳ gối thật vững để tay cầm máy không rung. Khi bấm máy, chỉ cần rung một tí, tấm ảnh sẽ không rõ nét. Tốt nhất, khi bấm máy, bạn nên dựa máy vào trán và bấm nhẹ nhàng. Đừng bấm chụp quá mạnh, chỉ cần bấm nhẹ nhàng là được. Sau khi vừa mới bấm chụp, tiếp tục giữ yên vị trí máy trong khoảng 3-4 giây sau đó rồi mới lấy máy ra.

  • 10

    Chụp càng nhiều càng tốt

    Hãy bấm chụp thật nhiều, chụp ở nhiều góc độ khác nhau thì bạn mới có hy vọng chọn được tấm ảnh ưng ý nhất. Xử lý khi thẻ nhớ máy ảnh được ghi đầy: Những chuyến đi du lịch nhân dịp nghỉ Tết kéo dài đến vài ngày chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những nguồn cảm hứng để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của ngày Xuân quê hương.

    Do đó, việc thẻ nhớ của máy ảnh chẳng còn dung lượng trống để ghi tiếp là chuyện thường tình. Nếu có mang theo máy tính xách tay thì tốt quá, bạn có thể chép những ảnh đã chụp từ thẻ nhớ vào ổ cứng của máy tính để tạo chỗ trống cho thẻ nhớ và chụp tiếp. Trường hợp không có máy tính xách tay thì bạn nhớ mang theo hộp đọc thẻ nhớ và sợi cable USB.

    Khi thẻ nhớ đã đầy, bạn hãy sử dụng dịch vụ Internet của khách sạn hoặc bên ngoài để gửi các dữ liệu đã ghi trên thẻ nhớ vào hộp thư điện tử của mình vì các dịch vụ webmail miễn phí hiện nay như Mail! Yahoo, Gmail đều có dung lượng lưu trữ rất dồi dào, dư sức đáp ứng nhu cầu chứa ảnh của bạn. Bạn cũng có thể dùng các tiện ích nén file (Winzip, Winrar) có sẵn trên máy tính ở dịch vụ Internet để giảm kích thước tập tin. (Theo Người Lao Động)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]