Làm sao để không còn là “thảm họa”?

Chất lượng phim truyền hình Việt giảm sút từ mức trung bình xuống mức... “thảm họa” là do nhiều yếu tố. Nhưng yếu tố quan trọng nhất phải kể đến là kịch bản. Trước yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là phim Việt phải chiếm 30% thời lượng phát sóng trong năm, đội ngũ biên kịch ngày càng để lộ những điểm yếu và thiếu.

15.5991

Trách người một, trách ta mười

Anh chàng vượt thời gian buộc phải ngưng phát sóng, Xin thề anh nói thật dài và dở là hai bộ phim Việt bị phê phán nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên phim truyền hình nói riêng và phim Việt thời kỳ xã hội hóa nói chung bị lên án. Tại tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam” do báo Phụ Nữ tổ chức tuần qua, một lần nữa các nhà chuyên môn lại bàn luận về nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng trong phim truyền hình Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc Hãng phim M&T Pictures, 30% thời lượng phát sóng tương đương với hơn 3.000 tập phim phát sóng trong năm. “Đây là con số khổng lồ so với đội ngũ biên kịch mỏng như hiện nay”, bà Trúc Mai nhận định.

Như vậy, một hãng phim phải sản xuất khoảng 5 phim/năm thì mới đáp ứng được nhu cầu phát sóng. “Ngày trước, mỗi hãng phim sản xuất được 1 - 2 phim/năm đã là quá giỏi rồi”, bà Mai tiết lộ.

Đồng quan điểm với bà Trúc Mai, đạo diễn Lê Cung Bắc cho rằng, kịch bản chính là vấn đề mấu chốt gây nên thảm họa phim truyền hình Việt.

Chính vì áp lực sản xuất lớn nên mới xuất hiện các nhóm viết kịch bản, mà đã là nhóm viết, chứ không phải sáng tác của duy nhất một người thì khó tránh khỏi sự thiếu nhất quán trong tính cách nhân vật, tình tiết, diễn biến phim...

“Kịch bản là “bột”, đạo diễn chỉ là người “gột nên hồ”. Không có kịch bản hay, đạo diễn có tài đến đâu cũng... bó tay”, đạo diễn Lê Cung Bắc thừa nhận.

Theo nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân, một diễn viên lâu năm, cũng cần xem lại vai trò của nhà đài khi đã để ngỏ cửa cho những sản phẩm thiếu chất lượng lên sóng truyền hình.

Với cách làm chỉ duyệt đề cương kịch bản, phó mặc và bất chấp thành phẩm của đề cương ấy như thế nào của các nhà đài, thì khán giả không tránh khỏi phải thưởng thức những bộ phim “mì ăn liền” tào lao và phẫn nộ lên tiếng.

Trầy trật tìm lối ra

Có thể nói, phim Việt hiện nay đang gặp khó khăn chồng chất. Nhưng thay vì tích cực tìm giải pháp để tháo gỡ thì các nhà đài và nhà làm phim lại chỉ lo tìm đối tượng để đổ lỗi.

“Các nhà làm phim đùa với khán giả lâu quá”, nhà thơ Lê Minh Quốc, người “ngoại đạo” với điện ảnh, nhận xét. Theo anh, để nâng cao chất lượng khâu biên kịch, giải pháp chuyển thể tác phẩm văn học có chất lượng hay liên kết với Hội Nhà văn, nơi tập hợp những cây bút có nghề và có cả kinh phí hỗ trợ cho việc sáng tác, có thể giúp giải quyết phần nào khó khăn về kịch bản cho phim Việt hiện nay.

Trong khi khâu kịch bản tạm thời còn phải... đợi đầu tư, đạo diễn Lê Cung Bắc khẳng định, đạo diễn cũng cần phải biết lắc đầu với những kịch bản kém chất lượng. “Hơn ai hết, đạo diễn mới là người đánh giá chính xác chất lượng kịch bản”, ông nhận xét. Và cùng với đạo diễn, đội ngũ diễn viên cũng phải cương quyết nói “không” với những kịch bản quá tệ.

Tuy nhiên, theo diễn viên Vân Trang, từ chối nhận vai là điều hết sức khó khăn, nhất là đối với các diễn viên trẻ, vì họ luôn muốn được xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ để có thể tạo danh tiếng cũng như nâng cao khả năng diễn xuất. “Giá như có được sự liên kết giữa các nhà làm phim và Trường Sân khấu - Điện ảnh thì diễn viên trẻ sẽ đỡ lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình”, Vân Trang chia sẻ.

Bên cạnh sự thiếu liên kết này, những diễn viên làm nghề nghiêm túc còn bị đội ngũ những chàng trai, cô gái sẵn sàng khoe thân trên những trang báo mạng lấn át, diễn viên Kim Phượng bày tỏ.

“Họ không có nghề, tham gia đóng phim chỉ để “dạo chơi cùng điện ảnh” (như cách họ thường phát biểu) thì không những làm cho chất lượng phim kém đi do diễn viên diễn xuất tệ, mà còn khiến những người sống với nghề ngày càng ít có cơ hội có được vai diễn”, Kim Phượng bất bình.

Nỗi ấm ức của diễn viên Kim Phượng cũng là bức xúc chung của các diễn viên đã có tên tuổi lẫn đạo diễn hiện nay. Theo đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo, đã từ lâu, nhà sản xuất được quyền chọn diễn viên chứ không phải là đạo diễn như trước đây.

Để đảm bảo yếu tố thu hút được khán giả lẫn quảng cáo, tài trợ..., nhà sản xuất thường chọn những người nổi tiếng dù biết họ không có nghề.

“Mong rằng nhà sản xuất hãy trả lại chức năng này cho đạo diễn, việc lựa chọn diễn viên chắc chắn sẽ tốt hơn, đồng bộ với ê-kíp làm phim hơn. Khi đó mới có thể làm ra những bộ phim truyền hình chất lượng cao”, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo thổ lộ.

Nhiều nguyên nhân, lắm giải pháp... đã được đưa ra trong hơn bốn giờ đồng hồ cùng nhau mổ xẻ phim truyền hình Việt. Những vấn đề được đề cập trong tọa đàm không mới, nếu không muốn nói là đã quá quen thuộc với những người trong nghề.

Tuy nhiên, từ giải pháp đến thực hiện lại vẫn phải chờ, chờ cơ quan quản lý giải quyết, chờ sự đồng lòng của đội ngũ làm phim, hay chờ... phép lạ? Đó mới chính là điều khán giả đang quan tâm.

ĐOÀN GIA
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]