3
Nội dung và hình thức
Sau khi đã xác định rõ ràng các ý, người viết luận hãy bắt đầu ngay từ mở bài. Có một điều kiện kiên quyết khi viết tiểu luận tiếng Anh, đặc biệt là những tiểu luận có số chữ và thời gian giới hạn là bạn phải nêu ngay quan điểm của mình trong mở bài. Đừng có cố nói vòng vo lằng nhằng để rồi người chấm tìm mãi không thấy quan điểm của bạn ở đâu. Phần mở bài cũng nên tách làm một khổ riêng, như vậy sẽ dễ nhìn hơn.
Sau phần mở bài, những luận điểm của ngưởi viết nên được chia ra thành 2-3 đoạn nhỏ nữa, mỗi đoạn một luận điểm. Một đặc điểm của bài luận tiếng Anh là nó sẽ được đánh giá rất cao nếu có ví dụ. Ví dụ có thể là ví dụ cá nhân, ví dụ từ phim ảnh, sách báo. Nhưng ví dụ văn học và lịch sử, đặc biệt là văn học cổ điển được đánh giá rất cao. Đừng quên cho thêm các ví dụ thực tế vào bài luận để tăng sức thuyết phục cho mình.
Nên nhớ rằng trong lúc viết luận, bạn phải tuyệt đối tập trung. Hãy chắc chắn rằng mình đang viết cái gì, nó có liên quan tới đề bài hay không, đưa nó vào có hiệu quả hay không? Đừng viết những thứ rườm rà thừa thãi.
Phần kết bài phải chốt lại được ý của toàn bài. Một cái kết bài lửng lơ rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, người viết luận cũng không nên chỉ nhắc lại ý ở mở bài. Một ý tưởng mở rộng sẽ có tác dụng rất tốt nếu nó thể hiện mạnh mẽ hơn quan điểm của người viết.