Dừng lại 10 giây
Khi trẻ đã phản ứng lại bạn, thì mọi lời quát nạt, dọa dẫm của bạn đều không có giá trị, thậm chí càng khiến trẻ thêm thể hiện sự thách thức. Lúc này bạn cần bình tĩnh, dừng lại 10 giây để nghĩ trước khi có những hành xử tiếp theo.
Giữ thái độ trầm tĩnh
Đối đáp, tranh luận với trẻ lúc chúng tỏ ra xấc xược chỉ như lửa đổ thêm dầu. Ngược lại, nếu bạn bỏ qua lúc trẻ tỏ ra hỗn láo cũng không được. Bạn đừng dồn con vào thế mà con không hề muốn. Hãy diễn đạt lại ý của bạn bằng giọng điệu ôn hòa hơn. Hãy làm cho trẻ hiểu rằng bạn luôn ở bên cạnh con, giúp nó tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống.
Uốn nắn ngay khi con nói bậy
Bạn hãy nói với con một cách cương quyết và rõ ràng là bạn không chấp nhận thái độ xấc xược. Nhưng đừng làm quá căng và chú ý là lên án sự lố bịch, chứ không phải lên án đứa trẻ. Trẻ cũng có thể nổi giận, nói hỗn láo khi chúng cảm thấy thất vọng và bị lãng quên. Cảm xúc này thường qua mau nếu chúng nhận được sự quan tâm đúng mực của cha mẹ và người thân.
Xin lỗi con
Đừng ngại xin lỗi con nếu bạn cảm thấy mình vừa có những lời nói mất kiểm soát. Đó là cách duy nhất bạn thể hiện rằng mình vẫn tôn trọng con trong lúc này. Nhưng đồng thời, hãy cảnh báo trẻ, những lời nói ngang vừa rồi không thể chấp nhận được đối với đạo làm con. Nó không nên được phát ra bởi một đứa trẻ được ăn học tử tế.
Tôn trọng con
Khi bạn tôn trọng con, con tôn trọng bạn thì không có lý do gì để trẻ cử xử hỗn hào với bạn.
Làm gương
Nếu bố mẹ cứ nói xấu đồng nghiệp hay người khác trước mặt con sẽ làm cho chúng tưởng đó là điều bình thường và sẽ học tập. Ngay khi học nói, hãy dạy cho trẻ những từ cảm ơn, vui lòng và xin lỗi. Quan trọng nhất là cách cư xử đúng đắn của người lớn trong gia đình sẽ giúp trẻ học tập được khá nhiều.
Đinh Hương
Nguồn: Gia đình Việt Nam