Lỗi tại... “ăn gì bổ nấy”

Câu này không phải thành ngữ, cũng chẳng phải tục ngữ. Chỉ là nói vần truyền khẩu mà thành. Xuất phát từ đâu nhỉ? Có lẽ từ kinh nghiệm y học cổ truyền, từ món ăn bài thuốc...

15.5949
Câu này không phải thành ngữ, cũng chẳng phải tục ngữ. Chỉ là nói vần truyền khẩu mà thành. Xuất phát từ đâu nhỉ? Có lẽ từ kinh nghiệm y học cổ truyền, từ món ăn bài thuốc...

Mẹ tôi bị đục thủy tinh thể, mắt mờ, nhìn không rõ. Nghe mấy cụ hàng xóm mách, ngày nào mẹ cũng ra chợ mua một cặp mắt lợn về luộc ăn. Ăn đã nhiều mà mắt chẳng sáng lên, mẹ mới đồng ý theo đề nghị của tôi thay thủy tinh thể. Nghe nói có vị đại gia muốn tinh tường hai con mắt đã bỏ hàng chục triệu đồng để ăn mắt diều hâu!

 Nạn săn bắt chim thú hoang dã đang khiến cho môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hãy nghe truyền thuyết về một cây có tên bìm bịp. Chim bị trúng tên, lấy lá cây này đắp vào chỗ xương gãy, xương liền. Dị bản khác, bìm bịp con bị bẻ gãy chân. Bìm bịp mẹ lấy lá cây đắp cho con, con lành. Mọi người truyền miệng và dùng cây bìm bịp để chữa đau xương, gãy xương. Chuyện về chim bìm bịp thì hoàn toàn khác.

Theo y học cổ truyền, thịt bìm bịp có tác dụng bổ huyết, bổ thận dương, tiêu ứ huyết, giảm đau, tiếp cốt. Dùng trong các trường hợp thận dương suy yếu gây chứng liệt dương, di tinh, hoạt tinh, gãy xương. Tác giả Nguyễn Hoài Nhơn đã kêu lên trên báo Sức khỏe&Đời sống 14/4/2013 rằng: “Chỉ khốn nạn cho lũ chim tội nghiệp. Chúng chẳng biết bay đâu cho thoát dưới gầm trời rộng rinh nhưng quá nhiều cạm bẫy của con người. Vì rằng: loài chim này nếu đem ngâm rượu uống thì bổ nội tiết, bổ sinh dục, bổ vô song. Vậy là không chỉ ăn mà uống cũng uống gì bổ nấy”.

Không chỉ bìm bịp, ở ta, nhiều loại chim, thú hoang dã có nguy cơ bị diệt chủng do con người săn, bắt làm đồ ăn thức uống. Con tê giác cuối cùng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên đã chết từ lâu. Tin không cho biết cái sừng của nó còn hay mất. Cao hổ cốt bán mấy chục triệu đồng một lạng. Óc khỉ chắc bổ cho não người lắm nên có cách ăn tàn bạo chỉ một không hai là khi nó còn sống. Mật gấu một thời đắt như tôm tươi. Người dẫn chương trình của kênh Travel nước ngoài đã ăn đủ các món trên thế giới, từng đến Lệ Mật. Tôi nhìn thấy trên TV, anh ta nuốt một quả tim rắn còn đập hí hóp, lại ra hiệu nó vẫn đang đập trong dạ dày. Trứng chim sẻ, dương vật (pín) bò là đơn thuốc cho nam giới muộn con. Các loại pín đều có thể tăng “bản lĩnh đàn ông” cứ gì bò, dê, chó... Khủng hơn là ngựa, hải cẩu. Đặc biệt là ta không có thì mò ra cả nước ngoài để thưởng thức món cháo pín cọp.

Ông anh đồng hao với tôi khoe: có một bình rượu ngâm đủ trăm bộ cà chó, mời chú đến thưởng lãm. Tôi sợ lắm; Không bao giờ đụng đến tiết canh, rượu pha mật, rùng mình khi nhìn thấy những con rắn khoanh tròn trong bình. Món pín chỉ ngửi thôi cũng đã khiếp vì mùi hôi. Vậy thì làm sao nhận lời mời. Trong mớ kiến thức hạn hẹp của mình thì những món ăn đặc sản đó, các thực phẩm này thì khi đun nấu đã phá hủy tinh chất. Nhiệt độ không phá hủy được hoặc ăn sống các thực phẩm này thì bộ máy tiêu hóa cũng sẽ chuyển chúng thành những chất cơ bản rồi mới hấp thu. Mà nói cho cùng, nếu nó ngấm được nguyên chất vào người thì của con bò làm sao có tác dụng cho người. Rất ít các sinh phẩm dược có nguồn gốc trực tiếp. Cerebrolysin được chiết xuất từ não lợn nhưng phải điều chế cho phù hợp.

Tôi không bài xích hay lên án. Xin lỗi thật nhiều khi có những tình tiết đụng chạm. Nhưng, quan niệm “ăn gì bổ nấy” có lỗi không ít trong sự quá khích của cộng đồng, hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái và vi phạm Luật Bảo vệ động vật hoang dã.   

  BS. Thành An

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]