Lươn vỗ béo bằng thuốc tránh thai: Ăn nhiều sẽ gây hại

GiadinhNet - Thông tin lươn được vỗ béo bằng thuốc tránh thai khiến nhiều người hoang mang, tẩy chay món lươn vốn được coi là thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo chuyên gia thủy, hải sản TS Bùi Quang Tề (nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), trong quá trình sinh trưởng và phát triển của con lươn, nếu có sử dụng thuốc tránh thai thì dư lượng thuốc còn lại không nhiều.

15.6135

 

Khi chế biến lươn cần nấu kỹ, ninh nhừ để tránh nhiễm ký sinh trùng sán. Ảnh minh họa

 

Hoang mang lươn vỗ béo bằng thuốc tránh thai

So với các loại như tôm, cua, ếch... lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Theo bảng đánh giá thành phần dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g thịt lươn là 18,7g đạm, 0,9g chất béo, 150mg chất lân, 39mg chất can xi, 1,6mg chất sắt và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Lươn cũng là loại thực phẩm rất giàu vitamin A.

Cũng vì giá trị dinh dưỡng cao nên lươn được rất nhiều người dùng làm thức ăn bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên gần đây, thông tin một số điểm nuôi lươn nhỏ lẻ ở Nghệ An sử dụng thuốc tránh thai của người, thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn nuôi lươn giúp chúng lớn nhanh, béo tròn đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

Trước thông tin này, nhiều bà nội trợ đã nhanh chóng tẩy chay món lươn ra khỏi thực đơn. Chị Trần Thị Thảo (ở La Dương, Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Bình thường một tuần tôi mua một con lươn cho con nhưng khi nghe thông tin lươn vỗ béo bằng thuốc tránh thai, tôi đã chuyển sang các loại thực phẩm khác như tôm, cá... Giờ chưa biết thực hư ra sao nhưng phòng còn hơn tránh, nhỡ đâu con ăn vào ảnh hưởng”.

Cũng rất thích ăn những món được chế biến từ lươn, chị Nguyễn Thị Hiền (ở Chương Mỹ, Hà Nội) cũng không khỏi lo ngại. “Cả nhà tôi ai cũng thích ăn món lươn xào hoặc cháo lươn. Nhưng từ khi xuất hiện thông tin lươn nuôi bằng thuốc tránh thai, kháng sinh, mình cũng e dè hơn. Muốn ăn lươn lại nhờ bà nội mua ở quê gửi xuống. Vất vả chút nhưng ăn uống đảm bảo hơn, đỡ lo hơn”,  chị Hiền chia sẻ.

Phải ăn rất nhiều mới gây hại

TS Bùi Quang Tề cho rằng, bất kỳ một loại thuốc nào đưa vào thực phẩm đều phải được cho phép. Ăn những thực phẩm tồn dư kháng sinh quá ngưỡng sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Người ăn thực phẩm này ngẫu nhiên hấp thụ một lượng kháng sinh vào người. Khi cơ thể đã quen với kháng sinh sẽ gây nên tình trạng kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Khi bị bệnh phải dùng kháng sinh mà đúng loại kháng sinh vi khuẩn đã kháng sẽ không có tác dụng. “Còn để đánh giá đúng mức độ nguy hại của lươn nuôi bằng thuốc tránh thai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh thông tin xem có chính xác việc người dân nuôi lươn cho lươn “ăn” thuốc tránh thai hay không? Nếu đúng cần phải có nghiên cứu khoa học để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào”, TS Bùi Quang Tề cho biết. Tuy nhiên, với nhận định của mình, TS Bùi Quang Tề cũng cho rằng, trong quá trình sinh trưởng và phát triển của con lươn, nếu có sử dụng thuốc tránh thai thì dư lượng thuốc còn lại không nhiều(?!).

GS.TS Đỗ Trọng Hiếu (nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế) cũng cho rằng, bình thường thuốc tránh thai có hai yếu tố là progestogen và estrogen. Nếu chỉ có progestogen không thì không có ảnh hưởng nhưng nếu ăn và uống thực phẩm có estrogen quá nhiều sẽ ảnh hưởng. Con trai ăn quá mức sẽ làm nữ tính hóa, con gái dậy thì nhanh hoặc có dấu hiệu dậy thì giả. Khi ăn những động vật có nuôi bằng thức ăn có chứa estrogen, mức estrogen trong cơ thể nhất định sẽ tăng lên. Tuy nhiên, chúng ta phải ăn với số lượng rất lớn mới có ảnh hưởng vì hàm lượng estrogen trong thức ăn rất thấp.

TS Bùi Quang Tề cho biết thêm, nếu quy trình nuôi an toàn thì lươn nuôi còn đảm bảo hơn lươn hoang dã vì lươn hoang dã có thể nhiễm ký sinh trùng sán. Nếu ăn chưa chín, ấu trùng sẽ xâm nhập vào con người phát triển thành giun sán trưởng thành gây bệnh cho con người. Nó có thể ký sinh ở da, mắt và cả trong não bộ.

Theo một nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum ở cả lươn nuôi và lươn hoang dã từ 0,8 - 29,6%, mùa mưa tỷ lệ nhiễm cao hơn. Người có thói quen ăn thức ăn chưa nấu chín kỹ như lươn xào tái, lươn gỏi… tình trạng nhiễm ấu trùng nhiều hơn.

Ấu trùng ký sinh này sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Nếu chỉ nấu sơ qua, những ấu trùng này sẽ còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột. Bởi vậy, khi chế biến cần nấu kỹ, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy để đảm bảo sao cho thịt lươn được chín kỹ. Sau khi ăn lươn không nên ăn các thực phẩm có tính hàn như chuối tiêu, dưa hấu…

Đặc biệt, tuyệt đối không mua lươn đã chết hoặc ươn về chế biến. Trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất histidine tốt cho cơ thể. Khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn gây thối chuyển hóa thành chất độc, ăn vào dễ bị ngộ độc. Người cơ thể yếu, mới bệnh xong hoặc trẻ em có sức đề kháng kém nguy cơ bị cao hơn.

 

Phân biệt lươn đồng với lươn nuôi

Lươn đồng và lươn nuôi về cảm quan ban đầu đôi khi khó nhận biết được. Tuy nhiên, có thể dựa vào một số đặc điểm như: Lươn đồng mình nhỏ dài, đuôi dài, màu vàng và có nhiều nhớt. Lươn nuôi có màu đen sẫm hơn, mình cũng ngắn hơn. Khi chế biến, lươn đồng có mùi thơm, thịt dai và màu vàng hấp dẫn.

TS Bùi Quang Tề

Hà My/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]