Mê hoặc lễ hội châu Phi

Với nền văn hóa đa dạng, giàu có, châu Phi có thể được gọi là “châu lục của lễ hội”. Vẻ mê hoặc, huyền bí và sức hấp dẫn đến lạ kỳ của các lễ hội nơi đây sẽ thôi thúc bạn khám phá, tìm hiểu để rồi bị say mê và hòa mình vào không khí đặc biệt đó.

0


Sôi động lễ hội lạc đà quốc tế Maralal


Hàng năm cứ vào tháng 8, thị trấn Maralal ở khu vực Samburu của Kenya vốn bé nhỏ, yên tĩnh là thế bỗng đột nhiên sống động, náo nhiệt hẳn lên. Đây chính là nơi tổ chức cuộc đua lạc đà quốc tế Maralal cuốn hút của đất nước Kenya, một cuộc thi dành cho cả những tay đua chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.

 

Các tay đua ở vạch xuất phát.


Maralal là cửa ngõ vào khu vực phía bắc hoang dã, bí ẩn và hoàn toàn chưa chịu tác động của con người. Thị trấn này được coi là thánh địa của lạc đà và văn hóa du mục, một nơi lý tưởng cho những du khách ưa khám phá.


Ban đầu, lễ hội được tổ chức để thúc đẩy hòa bình giữa các bộ tộc khác nhau trong vùng. Nhưng trong thời gian gần đây, lễ hội đua lạc đà Maralal đã nức danh trên thế giới, lôi kéo được không chỉ nhiều du khách trong nước mà còn nhiều du khách ngoài nước về đây tham dự.


Lễ hội lạc đà thường diễn ra trong ba ngày. Có hai cuộc đua lạc đà là cuộc đua nghiệp dư cự ly 10 km và cuộc đua marathon chuyên nghiệp cự ly 42 km. Không khí của lễ hội khiến bạn khó có thể chỉ đứng ngoài nhìn. Có thể chưa bao giờ bạn ngồi trên lưng lạc đà nhưng bạn vẫn có thể tham gia cuộc đua 10 km. Thậm chí, một đứa trẻ cũng được phép trở thành tay đua lạc đà nghiệp dư.


Ngoài cuộc đua lạc đà, du khách còn được khám phá nét văn hóa đặc biệt của Kenya thông qua những bộ trang phục sặc sỡ của người dân bản địa, những món đồ thủ công mỹ nghệ được chào bán tại lễ hội hay những đồ ăn có thể bạn chưa từng được nếm. Các điệu nhảy truyền thống cũng là một trong những hoạt động rất hấp dẫn tại lễ hội.


Lễ rửa tội trong lễ hội Timkat


Timkat là lễ hội tuyệt vời nhất trong năm của người Ethiopia, được tổ chức từ ngày 18 đến 20/1 hàng năm, tức là hai tuần sau lễ Giáng sinh của người dân nước này. Lễ hội tái hiện lại lễ rửa tội của Chúa Jesu trên sông Jordan.

 

Các linh mục đội tabot trên đầu.


Năm nào cũng vậy, Timkat diễn ra trong thời tiết lý tưởng khi mà mùa mưa đã kết thúc. Mặt đất khô ráo, bầu trời trong trẻo và xanh ngắt. Timkat diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động nhiều màu sắc đêm 18, “chính hội” trong ngày 19 và lễ St. Michael vào ngày 20.


Là lễ hội lớn nhất trong năm nên người Ethiopia chuẩn bị cho Timkat rất kỳ công. Họ nấu tej và tella (tức là rượu mật ong và bia), nướng bánh mỳ đặc biệt, vỗ béo cừu để giết thịt. Người lớn thì chuẩn bị quà cho con trẻ, mua sắm quần áo mới hoặc sửa sang, giặt là quần áo cũ.


Tất cả, từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em, ai cũng náo nức cho lễ hội Timkat. Vào ngày lễ, người dân mặc trang phục truyền thống toàn một màu trắng tinh, trong khi đó, các linh mục mặc áo lễ satin và nhung đủ màu sắc, cầm theo những chiếc ô nhung to được thêu kim tuyến lấp lánh.


Vào đêm 18, các linh mục mang tabot ra khỏi nhà thờ. Tabot là một phiến đá hoặc gỗ, tượng trưng cho chiếc hộp pháp điển đựng 10 điều răn của Chúa, được coi là vật linh thiêng nhất trong nhà thờ. Tabot được bọc trong những tấm vải lộng lẫy, đủ màu sắc, ngự trên đầu linh mục và được rước rất long trọng đến một chiếc lều đặc biệt trên cánh đồng. Mỗi chiếc lều đều có biểu ngữ in hình vị thánh của nhà thờ đó.


Các linh mục sẽ cầu nguyện suốt đêm và làm lễ mixa lúc 2 giờ sáng ngày 19. Sau khi dự lễ mixa, người dân cắm trại, ăn uống trong ánh lửa và đuốc bập bùng. Gần về sáng, giáo trưởng nhúng cây thánh giá vàng xuống nước và ban phép cho nước. Đó có thể là nước hồ, nước sông hoặc một bể nước đặc biệt. Sau đó, giáo trưởng sẽ vẩy nước đã ban phép lên những người tham dự, tái hiện lại lễ rửa tội của Chúa Jesu. Nhiều người còn nhảy ào xuống nước ban phép trong tâm trạng vui sướng, phấn khích để đằm mình trong đó, rửa sạch mọi điều xấu khỏi tâm hồn.


Sau lễ rửa tội, tabot được rước trở về nhà thờ. Trong khi đó, người dân uống rượu mật ong và bia, thưởng thức món bánh mỳ và thịt cừu trong không khí lễ hội tràn ngập tiếng hát và điệu nhảy.

 

Quyến rũ lễ hội hoa hồng Maroc


Nếu bạn yêu hoa, đặc biệt là hoa hồng, bạn không thể bỏ qua lễ hội hoa hồng ở Maroc. Lễ hội được tổ chức vào khoảng đầu tháng 5 hàng năm tại thành phố El - Kelaâ M'Gouna vào thời gian thu hoạch hoa hồng. Hội bắt đầu vào thứ 6, các hoạt động chính được tổ chức trong thứ 7 và kéo dài đến tận chủ nhật.

 

Cánh hoa hồng chờ được đưa đến nhà máy chế biến.


Được mệnh danh là thung lũng hoa hồng, thành phố El - Kelaâ M'Gouna đẹp như tranh vẽ là nơi tụ hội của loài hoa kiêu sa, mang vẻ đẹp quyến rũ và mỏng manh này. Vào mùa thu hoạch, không khí trong thành phố thấm đẫm thứ hương thơm ngòn ngọt, man mát, dịu nhẹ của hoa hồng. Hoa hồng nở ngập thung lũng, trải dài trên triền đồi. Con phố nào ở El - Kelaâ M'Gouna cũng có những giậu hoa hồng.


Bình thường là thế, vào ngày lễ hội hoa hồng, loài hoa này còn hiện diện nhiều hơn. Bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cô gái được trao danh hiệu Nữ hoàng Hoa hồng trên chiếc xe rắc đầy hoa hồng. Bạn có thể được đám trẻ con tặng những vòng hoa hồng tươi rói đeo vào cổ, đội trên đầu. Bạn có thể được những quầy hàng chào mời mua đủ loại hàng hóa liên quan đến hoa hồng. Đi đâu cũng thấy hoa. Hoa trên phố, hoa trong vườn, hoa trên cánh đồng, hoa cài vành tai hay làm duyên trên tóc thiếu nữ.


Ngắm người dân Maroc thu hoạch cánh hoa hồng mới thấy họ rất nâng niu, quý trọng những cánh hồng. Công việc này trông rất lãng mạn và chẳng có vẻ gì là một hình thức lao động mệt nhọc. Hàng tấn cánh hoa được chất lên xe chở về nhà máy chế biến, hương hoa vẫn còn vương vấn đằng sau. Nhờ hoa hồng, thành phố được gọi là nơi thơm nhất Maroc.


El - Kelaâ M'Gouna là trung tâm ngành chế biến hoa hồng của Maroc. Những cánh hồng mỏng mảnh sẽ được biến thành nước hoa hồng, tinh dầu hoa hồng dùng cho nhiều loại sản phẩm như mỹ phẩm, xà phòng, nước hoa và cả dầu ăn nữa. Giá của sản phẩm từ hoa hồng rất đắt. Ba km giậu hoa mới cung cấp đủ cánh hoa cho một lít nước hoa hồng. 3.000 kg cánh hoa mới cho ra được một lít tinh dầu hoa hồng. Chẳng thế mà một thìa nhỏ tinh dầu hoa hồng có giá tới 70 bảng Anh (gần 2,4 triệu đồng).


Các sản phẩm hoa hồng được bày bán ở mọi nơi trong thành phố. Vào lễ hội, du khách có thể đến một khu chợ lớn để tha hồ chọn lựa, từ sữa tắm, kem dưỡng da, nước hoa, đồ trang sức, cánh hoa hồng khô... Không chỉ có hoa, lễ hội hoa hồng còn đãi du khách những đồ ăn truyền thống Berber, âm nhạc và điệu nhảy vui nhộn cùng vô số món đồ thủ công tinh tế.


Lễ hội sa mạc Mali


Lễ hội sa mạc (Festival au Desert) ở Mali được coi là một trong những lễ hội âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Được tổ chức từ năm 2001 ở nơi cách thị trấn lịch sử Timbuktu vài km, ngay bên rìa sa mạc Sahara, lễ hội lấy cảm hứng từ những cuộc tụ họp truyền thống của dân du mục Tuareg bản địa.

 

Một góc lễ hội sa mạc ở Mali.


Nằm ở Tây Phi, Mali là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng trong lãnh địa âm nhạc thế giới, Mali là một siêu cường được thừa nhận. Những ngôi sao nổi tiếng trên toàn cầu như Ali Farka Touré, Tinariwen, Toumani Diabaté, Amadou & Mariam, Salif Keita, Oumou Sangaré hay Boubacar Traoré đều là người Mali.


Lễ hội sa mạc là một lễ hội không giống bất kỳ lễ hội âm nhạc nào khác. Đó là nơi hội tụ các nhạc sĩ, nhạc công từ khắp châu Phi và châu Âu. Năm 2012, góp mặt trong số những người hâm mộ Lễ hội sa mạc có cả những ca sĩ lừng danh như Bono của nhóm U2, Damon Albarn thuộc nhóm Blur hay Robert Plant, thành viên nhóm Led Zeppelin.


Đến với lễ hội trong ba ngày, bạn có thể thưởng thức âm nhạc mọi lúc mọi nơi từ những ca sĩ hát âm bội người Inuit, ban nhạc dân gian của người Catalonia, các nghệ sĩ đồng quê Nashville, vô số ca sĩ người Tuareg bản địa, những bậc thầy về đàn một dây người Mali. Du khách có thể thấy mình đang mải miết nghe tiếng hát của những người kể chuyện truyền thuyết hay ngắm nhìn những nghi lễ buổi sáng của người Tuareg. Xen lẫn trong những âm thanh đó là tiếng thở, tiếng kêu của bầy lạc đà. Tất cả hòa trộn thành một thứ âm thanh đậm chất sa mạc.


Một phần không thể thiếu trong mọi màn trình diễn của lễ hội là người nghệ sĩ và khán giả cùng kêu “Um”. Các nhạc sĩ sẽ kêu “Um” trước, vừa kêu vừa nhảy, nắm tay nhau thành vòng tròn. Sau đó, đám đông khán giả bên dưới sẽ đáp lại “Um”. Theo người dân địa phương, đây là hành động gọi hồn và người nghe không thể nào không làm theo.


Sức hút của âm nhạc, cái nóng như thiêu đốt ban ngày, lạnh buốt ban đêm của sa mạc cùng với lạc đà... tất cả tạo thành một đặc trưng của lễ hội sa mạc, góp phần làm nên một thứ “bùa” mê hoặc với người đến lễ hội.


Thùy Dương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]