Ngẫm cách “thôn tính” của tỷ phú Thái Lan!

Nhiều năm qua, nhiều tỷ phú Thái Lan đã có những bước xâm nhập mạnh mẽ thị trường Việt Nam, lúc âm thầm, khi nổi đình đám, xác lập vị thế mạnh ở nhiều lĩnh vực sản xuất- thương mại- dịch vụ.

15.5986

CôngThương - Nhiều người chắc chưa quên Siam Cement Group (SCG) của tỷ phú huyền thoại Kan Trakulhoon hồi năm 2012 đã bỏ ra 240 triệu USD mua lại 85% cổ phần Prime Group- “người hùng” Việt nắm cổ phần chi phối gần một chục công ty sản xuất vật liệu xây dựng lớn, chiếm 1/3 sản lượng gạch men tại Việt Nam. Trước đó, năm 2011, SCG Cement đã mua lại 99% cổ phần xi măng Bửu Long với giá khoảng 116 tỷ đồng. Chưa hết, SCG còn âm thầm gom hơn 20% cổ phần Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh...

Tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group) của Dhanin Chearavanant, đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi, mấy năm trước đã mở Công ty C.P Việt Nam, hoạt động theo mô hình 3F khép kín: Farm (trang trại)- Feed (thức ăn chăn nuôi)- Food (thực phẩm). Hiện 50% thị trường trứng gà công nghiệp, 40% gà công nghiệp, 20% thức ăn chăn nuôi, 5% lợn tại Việt Nam là của C.P Việt Nam.

Trong số các tập đoàn dưới trướng tỷ phú nước giải khát Charoen Sirivadhanabhakdi, cái tên Berli Jucker không còn xa lạ trên thị trường Việt Nam. Quý I/2014, doanh thu vỏ chai, lon của Berli Jucker tại Việt Nam khoảng 45 triệu USD. Berli Jucker đã thôn tính chuỗi cửa hàng Family Mart, mua lại 75% cổ phần hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và 65% cổ phần Thái An- doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc...

Nổi đình đám nhất mới đây là thương vụ Berli Jucker mua đứt Metro Việt Nam với giá 869 triệu USD. Nên nhớ, trong năm tài khóa 2012- 2013, doanh thu tới 652 triệu USD, một con số không nhỏ với 19 trung tâm của Metro Việt Nam, mỗi trung tâm rộng ngang ngửa một sân vận động cỡ lớn...

Những hoạt động M&A quyết liệt của các tập đoàn Thái Lan khiến không ít người đặt câu hỏi: Tham vọng của các tỷ phú người Thái lớn đến đâu? Dĩ nhiên, dưới góc độ tìm kiếm lợi nhuận, câu hỏi này có lẽ thừa. Song, thách thức với các doanh nghiệp Việt vẫn cứ lớn dần.

Chẳng hạn, doanh nghiệp Thái Lan có ý định xâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam từ rất lâu, từ việc hằng năm tổ chức nhiều hội chợ triển lãm quy mô lớn, đến lập các đại lý, cửa hàng bán lẻ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Sắp tới, 19 trung tâm Metro tại Việt Nam sẽ được đổi tên mới, cùng với những chuỗi bán lẻ khác của Berli Jucker sẽ tràn ngập hàng Thái. Hoặc trong tương lai gần, ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ “tấn công” thị trường đồ uống không cồn, đặc biệt là thị trường sữa...

Đây chính là thách thức lớn cho cả nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ Việt. Các nhà quản lý cũng không thể bàng quan!

Trần Phương

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]