Ngăn ngừa nấm tóc ở trẻ em

GiadinhNet - Theo BS Võ Ngọc Thanh, BV Nhi đồng 1 TP HCM, nấm tóc là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, dễ gây thành dịch trong trường học, nhà trẻ.

0
Ảnh minh họa.
Phân biệt các loại nấm

Chị Trà Giang, mẹ bé Trà Mi cho biết, những tuần đầu mới đi học bán trú, về nhà Trà Mi thường kêu ngứa và giơ tay lên đầu gãi. Cứ nghĩ con gái đến lớp nô đùa cùng bạn bè nên chị Giang sai người giúp việc gội đầu cho con. Thời gian gần đây, biểu hiện ngứa đầu của Trà Mi rõ rệt hơn, bé luôn tay gãi sồn sột dù vừa gội xong đầu. Chị Giang kiểm tra thì phát hiện thấy có nhiều vùng da đầu của con gái phủ vẩy trắng xám.

Tương tự, bé Trần Bách học lớp lá của trường mầm non cũng kêu ngứa đầu và liên tục giơ đôi bàn tay nhỏ xíu gãi đầu. Chị Ly, mẹ Bách đã hốt hoảng khi bác sỹ kết luận con trai bị nấm tóc.

Theo BS Võ Ngọc Thanh, nguyên nhân nấm tóc chủ yếu do hai loại vi nấm sợi tơ là Microsporum và Trychophyton gây ra. Nấm có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt từ 5-6 tuổi đến 14-15 tuổi. Tùy theo tác nhân mà biểu hiện bệnh khác nhau. Bệnh chủ yếu lây do sự tiếp xúc trực tiếp như dùng chung lược, mũ, khăn quàng
 
*Nấm tóc do Microsporum sẽ có biểu hiện: Da đầu xuất hiện những mảng rụng tóc kích thước 2-6 cm có dạng hình bầu dục. Những mảng rụng tóc này có thể hợp lại với nhau tạo ra một mảng lớn hình đa cung. Da đầu vùng sang thương phủ vẩy trắng xám còn tóc thì bị gãy cách da đầu 3-4 mm, dễ nhổ, chân tóc có bào tử nấm trắng như bột bao quanh trông giống như mang bít tất. Loại nấm tóc này ít khi có nấm vùng da trơn đi kèm và sang thương phát huỳnh quang màu xanh lá cây dưới ánh sáng đèn Wood.

*Nấm tóc do Trychophyton có biểu hiện: Da đầu có những mảng rụng tóc có kích thước nhỏ vài milimet, giới hạn không rõ, số lượng nhiều thường trên 6 mảng. Tóc bệnh xen lẫn với tóc lành, tóc bệnh gãy ngắn còn 1-2 mm, đôi khi bị xén cụt chỉ còn một điểm đen. Tóc bị biến dạng cong hình chữ S, Z. Sang thương không phát huỳnh quang dưới ánh sáng đèn Wood và thường có nấm vùng da trơn đi kèm như nấm bẹn, mông hay có thể kèm cả nấm móng tay chân.

Thuốc nào chữa nấm?  

Cũng theo BS Võ Ngọc Thanh, khi trẻ có những biểu hiện của một trong hai loại nấm tóc trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện bởi việc chẩn đoán và điều trị nấm tóc cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Tùy theo mức độ bệnh bác sĩ sẽ kê những thuốc trị nấm tại chỗ như: BSI, kem Miconazol,... hay kèm thêm thuốc trị nấm đường uống như Griseofulvin, Ketoconazol,... trong vòng 2 đến 4 tuần hay đến khi xét nghiệm 2 lần liên tiếp (cách nhau một tuần ) âm tính.

Việc điều trị nấm cho trẻ thường lâu dài và kiên nhẫn, ngoài ra cần tránh các tác nhân gây bệnh tái phát. Vì vậy, khi con bị nấm tóc, các bậc phụ huynh cần tuân thủ chế độ điều trị và cho bé tái khám sau mỗi đợt điều trị mới có kết quả cao.
 
Cách phòng bệnh nấm tóc?
 
Bệnh chủ yếu lây do sự tiếp xúc trực tiếp như dùng chung lược, mũ, khăn quàng. Vì thế:
 
NÊN:
 
- Cho trẻ sử dụng lược, mũ, khăn riêng
 
- Nếu phát hiện ra trẻ bị nấm tóc cần cách ly và điều trị kịp thời để tránh lây lan cho những trẻ khác.
 
KHÔNG NÊN:

- Tự ý mua thuốc về bôi lên da đầu trẻ vì dễ gây tai biến.
 
Theo BS Võ Ngọc Thanh
 
Việt Hùng
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]