Thành lập từ tháng 9-1952, Trường THPT Phan Châu Trinh (PCT) có bề dày truyền thống bậc nhất ở Đà Nẵng. Sau khi trường hoàn tất giai đoạn một dự án nâng cấp, mở rộng bằng việc đưa cơ sở 2 vào hoạt động ở phía đối diện từ năm học 2004-2005, trường được UBND TP và ngành GD&ĐT Đà Nẵng lên kế hoạch đầu tư tiếp giai đoạn hai để đạt chuẩn quốc gia. Trong khi kế hoạch này vẫn còn nằm trên giấy thì nay địa phương lại có kế hoạch “xẻ đôi” ngôi trường này!

Cắt hơn 5.000 m2 đất

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Ban Đền bù giải tỏa số 1, cho hay lãnh đạo TP Đà Nẵng đã phê duyệt vị trí xây dựng các khu tái định cư bố trí cho các hộ dân diện giải tỏa khu vực sân vận động Chi Lăng. Trước đó, các hộ dân này được yêu cầu giao đất tại khu sân vận động cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh xây khu phức hợp thương mại. Vị trí được xác định làm khu tái định cư thuộc khu vực đường Hải Phòng-Lê Lợi-Nguyễn Chí Thanh.

Cụ thể, TP sẽ mở đường Hải Phòng đi xuyên qua Trường PCT, nối dài đến đường Nguyễn Chí Thanh để bố trí tái định cư. Khuôn viên trường rộng khoảng 10.000 m2 sẽ bị cắt làm đôi, nằm về hai phía bắc và nam của đường Hải Phòng nối dài.

Trường THPT Phan Châu Trinh, một trong những biểu tượng văn hóa, giáo dục của TP Đà Nẵng. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Ông Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng Trường PCT, cho biết: “Ban đầu tôi nghe TP thông báo với Sở GD&ĐT sau khi mở đường Hải Phòng nối dài chỉ lấy phần đất ở phía bắc, sát nhà dân. Nhưng khi được mời họp mới biết trong thiết kế, dự định lấy lấn qua cả phần đất phía nam với tổng diện tích cả hai bên hơn 5.000 m2!”. Như vậy là khu thể thao, dãy phòng học và phòng thí nghiệm ở phía bắc, gần nửa dãy phòng học chính ở phía đông và dãy phòng hiệu bộ sẽ bị xóa sổ…

Một cựu cán bộ lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho hay cách đây vài năm người ta đã có ý định lấy toàn bộ dãy phòng ở phía đường Lê Duẩn để khai thác quỹ đất, thậm chí đã chia lô, có bản vẽ. Do lãnh đạo Sở đấu tranh quyết liệt, dư luận không đồng tình nên việc này phải dừng lại.

Để sắp xếp giao thông?

Theo ông Lê Phú Kỳ, hiện Trường PCT còn thiếu phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, phòng truyền thống, phòng hội đồng, thư viện… phục vụ cho gần 5.000 học sinh. Ngoài ra, do sân trường ở cơ sở 2 khá nhỏ nên chỉ có sân Trường PCT gốc mới đáp ứng được việc tổ chức các buổi lễ, các hoạt động ngoại khóa lớn… Nếu có một khu dân cư “lõm” vào đây, không chỉ khiến khuôn viên trường trở nên chật hẹp mà còn tạo ra sự nhếch nhác cho môi trường sư phạm. “Cách đây nửa tháng, nhà trường đã có văn bản kiến nghị lãnh đạo TP tìm nơi khác để bố trí tái định cư chứ không nên lấy đất của trường vì nhu cầu dạy và học của nhà trường còn rất lớn!” - ông Lê Phú Kỳ cho biết.

Theo ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, Trường PCT đã có thêm cơ sở 2 nên không nhất thiết giữ nguyên diện tích cũ mà phải sử dụng một phần để sắp xếp lại giao thông, đô thị vì quỹ đất đô thị Đà Nẵng rất ít. Sau khi nhận được đề nghị của Trường PCT, lãnh đạo TP đã quyết định phần đất phía bắc đường Hải Phòng nối dài vẫn phải bố trí tái định cư, còn phần phía nam vẫn giữ nguyên để tạo sự vuông vắn với cơ sở 2. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết: “Mở đường Hải Phòng nối dài nhằm phân làn từ đường Nguyễn Chí Thanh hướng lên phía ngã ba Huế để giảm bớt lưu lượng người và xe cho nút giao thông Nguyễn Chí Thanh-Lê Duẩn đang có nguy cơ ách tắc về lâu dài. Mà đã mở đường đó thì bắt buộc phải lấy đất của Trường PCT”.

Bù đắp cho “đất vàng” bị giải tỏa

Trải qua gần 60 năm, không ít học sinh Trường PCT đã trở thành những nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng... Năm 1970, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ đã trao tặng cho trường huân chương Giải phóng hạng Ba - “Trường học anh dũng”.

Năm học 1981-1982, các lớp chuyên đầu tiên của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được hình thành tại Trường PCT. Chỉ trong năm năm, họ đã làm nên “kỳ tích” khi liên tiếp đoạt bốn giải nhì, một giải ba học sinh giỏi toán quốc tế.

Lý giải của ông Nguyễn Văn Cán, Chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên UBND TP Đà Nẵng, còn lạ hơn: “Cũng có phân vân khi tính chuyện lấy một phần đất Trường PCT để bố trí tái định cư nhưng đôi lúc phải chấp nhận vì sự phát triển. Điều này là do dự án từ sân Chi Lăng - phải giải tỏa sân gây “hiệu ứng domino” đến chỗ Trường PCT. Giải tỏa dân ở khu vực sân Chi Lăng “đất vàng” mà đưa đi xa làm sao người ta chấp nhận cho nên phải tìm cách bố trí gần đó”.

Thực ra Đà Nẵng không phải không có những khu “đất vàng” ở ngay trung tâm TP để bố trí cho các hộ giải tỏa khu vực sân vận động Chi Lăng. Đơn cử như khu đất rộng 1.800 m2 ở góc ngã tư Nguyễn Chí Thanh-Phan Đình Phùng, hay khu đất khoảng 6.600 m2 ở góc ngã tư Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Tri Phương… Các khu đất này đã được giải tỏa, giao cho các nhà đầu tư gần cả chục năm nay. UBND TP Đà Nẵng không ít lần ra “tối hậu thư” hối thúc triển khai dự án nhưng chỉ thấy các chủ đầu tư chuyển nhượng qua lại, còn trên chính các khu đất này chỉ có cỏ mọc um tùm. Có cần thiết phải chọn giải pháp lấy đất của một ngôi trường giàu truyền thống như Trường PCT để bố trí tái định cư!

Vấn đề đặt ra là đánh giá dự án ở chỗ giải tỏa sân Chi Lăng có đến mức phải yêu cầu lấy đất của Trường PCT để bố trí tái định cư hay không. Sau khi mở đường thì diện tích đất còn lại có đủ để phục vụ các yêu cầu dạy và học của trường không. Theo tôi, bất đắc dĩ lắm mới phải làm thế chứ dành diện tích cho trường học thì bao nhiêu cũng không đủ. Do vậy, TP cần cân nhắc thật kỹ đối với dự án sân Chi Lăng, có đúng là sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển của Đà Nẵng hay không.

Nhà nghiên cứu văn hóa NGUYỄN ĐÌNH AN, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phụ trách văn xã

Biết rằng lấy đi một phần đất thì hoạt động của Trường PCT và sân chơi cho học sinh sẽ nhỏ lại. Ngành GD&ĐT không thờ ơ khi đất của trường bị thu hẹp nhưng chủ trương của TP thì Sở phải đồng thuận, ủng hộ thôi chứ sao chừ.

Ông LÊ TRUNG CHINH, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng

HẢI ĐĂNG