Ngừa suy thận, cách gì?

Bệnh ống thận thường là hậu quả của bệnh khác gây ra. Bệnh gây tổn thương ống thận, nhu mô thận mạn tính rồi tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối.

15.6045

Bệnh ống thận thường là hậu quả của bệnh khác gây ra. Bệnh gây tổn thương ống thận, nhu mô thận mạn tính rồi tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn suy thận.

Kết quả xét nghiệm trong bệnh ống thận mạn tính:

       Bệnh nhân có tăng kali máu do ống lượn xa trở nên kháng với aldosterone. Nhiễm toan ống thận, gây tăng clo máu là nét đặc trưng của bệnh do: giảm sản xuất amoniac; mất khả năng toan hoá ống lượn xa; mất bicarbonat từ ống lượn gần. Xét nghiệm nước tiểu thấy protein niệu dưới 2g/ngày (do ống lượn gần giảm khả năng tái hấp thu protein tự do được lọc ra); có thể thấy một số tế bào và trụ sáp to.

Những bệnh nào gây tổn thương ống thận?

Có một số bệnh gây tổn thương ống thận:

Bệnh tắc đường tiết niệu: Tắc đường tiết niệu một phần sẽ thấy lượng nước tiểu khi quá nhiều, khi lại quá ít do giảm mức lọc cầu thận. Phổ biến là có tăng nitơ máu và tăng huyết áp. Các nguyên nhân gây tắc đường tiết niệu chủ yếu là sỏi, bệnh tuyến tiền liệt ở nam giới cao tuổi, ung thư cổ tử cung ở nữ giới, u đại tràng, u bàng quang, các bệnh u xâm lấn khoang phúc mạc. Xét nghiệm nước tiểu thấy hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn. Siêu âm phát hiện được khối tổn thương, vị trí tắc, thận ứ nước.

Ngộ độc thuốc giảm đau: Bệnh gặp ở người lạm dụng thuốc giảm đau với lượng lớn, 1g/ngày trong 3 năm. Các thuốc hay gây tổn thương thận là acetaminophen, paracetamol, aspirin, các thuốc kháng viêm không phải corticoid. Thường gặp phụ nữ hay lạm dụng thuốc giảm đau để điều trị đau đầu mạn tính, đau cơ, đau viêm khớp. Viêm ống thận, mô kẽ và hoại tử nhú là tổn thương đặc trưng. Nồng độ thuốc giảm đau tại nhú thận và vùng tuỷ trong cao hơn vùng vỏ đến 10 lần. Thuốc aspirin và các thuốc giảm đau không phải corticoid khác làm trầm trọng thêm các tổn thương do ức chế tổng hợp prostaglandin và giảm nồng độ glutathion là chất giúp cho việc khử độc. Bệnh nhân có biểu hiện: đái máu, protein niệu, đa niệu, thiếu máu và đái mủ. Vì nhú bị hoại tử nên có thể thấy từng đám bong của tổ chức nhú trong nước tiểu. Chụp UIV có thể phát hiện được hiện tượng bong nhú, do chất cản quang lấp đầy vùng bị bong tạo ra hình ảnh "bóng vòng" ở vùng đỉnh nhú.

Ngộ độc kim loại nặng: Người mắc bệnh do tiếp xúc với chì, cadmium. Tổn thương do chì lấp đầy cầu thận, được vận chuyển qua vùng ống lượn gần và tích tụ tại đó làm tổn thương mô tế bào. Các tiểu động mạch cũng xơ hoá và sẹo vùng vỏ thận. Tổn thương ống lượn gần dẫn tới giảm đào thải acid uric làm tăng acid uric máu, gây ra triệu chứng bệnh gút do chì. Bệnh nhân thường bị tăng huyết áp. Nhiễm cadmium cũng gây tổn thương ống lượn gần. Bệnh nhân có thể bị  tăng calci niệu và sỏi thận. Ngoài ra nhiễm thuỷ ngân và bismuth cũng có thể gây bệnh ống thận.

Trào ngược bàng quang - niệu quản: Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, khi đi tiểu, nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên thận, do cơ thắt bàng quang - niệu quản không đủ khả năng đóng kín. Nước tiểu thoát vào trong mô kẽ gây viêm, rồi xơ hoá. Viêm có thể do vi khuẩn, hoặc do các thành phần trong nước tiểu. Bệnh nhân thường bị tăng huyết áp, suy thận, có tiền sử nhiễm khuẩn tiết niệu lúc còn nhỏ tuổi. Tổn thương dạng xơ hoá cầu thận thành ổ, gây ra protein niệu rõ rệt, một hiện tượng rất ít khi gặp trong các bệnh ống thận. Siêu âm, chụp Xquang có bơm thuốc cản quang thấy hình ảnh sẹo thận, ứ nước thận. Tổn thương hầu hết xảy ra trước 5 tuổi, sau đó tiến triển tới suy thận giai đoạn cuối trong các năm tiếp theo.

 Tiêu bản tổn thương ống thận mạn tính.
Nhận biết bệnh ống thận mạn tính

Hầu hết bệnh nhân bị tổn thương ống thận thường có các triệu chứng: đa niệu do ống lượn mất khả năng cô đặc nước tiểu, do đó có thể dẫn đến mất nước. Tổn thương làm cho mức lọc cầu thận suy giảm nặng sẽ dẫn đến hội chứng urê máu cao.

Những điểm quan trọng chẩn đoán bị bệnh là: thận kích thước bé và co nhỏ; chức năng thận suy giảm làm giảm khả năng cô đặc nước tiểu; nhiễm toan chuyển hoá tăng clo máu; tăng kali máu; giảm mức lọc cầu thận.

Chữa bệnh thế nào?

Việc chữa bệnh phải căn cứ nguyên nhân gây tổn thương thận. Mức độ xơ hoá tổ chức kẽ giúp tiên lượng khả năng hồi phục chức năng thận. Vì vậy khi đã có biểu hiện mất nhu mô (thận co nhỏ), không thể ngăn được tiến triển suy thận giai đoạn cuối. Điều trị bảo tồn là lựa chọn duy nhất trong trường hợp này. Bệnh nhân cần hạn chế kali, phospho, nhưng phải cung cấp natri, calci, bicarbonat. Nếu thận ứ nước, cần giải quyết giảm tắc ngay, vì tắc càng kéo dài, mô thận càng tổn thương nhanh chóng. Khi thận đã bị sẹo hoá, không còn cách gì có thể ngăn được suy thận tiến triển đến giai đoạn cuối. Bệnh nhân ngộ độc chì cần được điều trị bằng EDTA, nếu chưa có biểu hiện tổn thương thận không hồi phục như sẹo xơ, thận co nhỏ. Bệnh thận do lạm dụng thuốc giảm đau cần phải ngừng thuốc ngay. Uống nhiều nước khi dùng thuốc cũng giảm bớt nguy cơ bị bệnh.

BS. Trần Tất Thắng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]