CôngThương - Trước hết, lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu gia tăng đáng lo ngại. Năm 2005, cả nước chỉ nhập 20.000 tấn, năm 2006- 2007 tăng lên 30.000 tấn/năm (325 triệu USD), năm 2012 nhập 55.000 tấn (704 triệu USD), trong đó hơn một nửa có xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, theo Tổng cục Hải quan, cả nước nhập 518 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu.
Nhìn vào thị trường trong nước sẽ chứng kiến những gì? Các chuyên gia ước tính, trên thị trường hiện có khoảng 1.100 loại thuốc BVTV (gồm 3 loại chính: thuốc trừ sâu và côn trùng; thuốc diệt nấm; thuốc diệt cỏ) bán đủ loại giá, trong đó có khoảng 90% sử dụng nguyên liệu ngoại nhập. Để cạnh tranh, nhiều nhà sản xuất đã sẵn sàng nhập nguyên liệu giá thấp, chất lượng kém, tạo nên sự chênh lệch lớn về chất lượng, giá cả các loại thuốc BVTV thành phẩm. Hơn nữa, tình trạng loạn cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc bảo BVTV.
Theo Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), 50% thị phần thuốc BVTV hiện nay thuộc về 7 doanh nghiệp nước ngoài, còn lại là của 300 doanh nghiệp nội. Các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV nội đang giảm thị phần khi nhiều doanh nghiệp ngoại bán sản phẩm trực tiếp cho nông dân.
Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Tập đoàn Hóa chất BASF (Đức) thẳng thắn thông báo: Sẽ bán trực tiếp các loại thuốc BVTV do tập đoàn sản xuất đến nông dân thay vì qua các nhà phân phối trong nước. Theo VIPA, chỉ có rất ít doanh nghiệp thuốc BVTV nội làm được như BASF, đa phần bó tay vì tài chính hạn hẹp. Lại thêm một ví dụ buồn về “cái duyên” hững hờ giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông!
Nhìn tổng quan ngành nông nghiệp nước nhà thấy hình ảnh một người khổng lồ mang trong mình đầy... bệnh tật. To đẹp vì là nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới, nhưng sờ đâu cũng thấy bệnh. Nhiều năm đổi mới mà chất lượng lúa, gạo vẫn thấp, giá cả bấp bênh; công nghệ lạc hậu, thất thoát sau thu hoạch lớn, việc tạm trữ lúa, gạo bất ổn; thu nhập của nhà nông thấp... Thị trường phân bón, thuốc BVTV “thượng vàng hạ cám” hỗn loạn, phụ thuộc vào nhập khẩu, doanh nghiệp nội bị doanh nghiệp ngoại đè nén... Nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến được với nhà nông... Đã có bao nhiêu người nhìn hình ảnh đó để biết... buồn?