Người mắc bệnh truyền nhiễm không được kinh doanh thực phẩm

Bắt đầu từ đầu tháng 4, Bộ Y tế quy định bắt buộc những người lao động tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm bao gói sẵn và kinh doanh thực phẩm ăn ngay không được mắc 7 bệnh truyền nhiễm.

31.2571

Đó là các bệnh: Lao tiến triển đang điều trị; các bệnh tiêu chảy: tả, lỵ, thương hàn; các chứng són đái, són phân, ỉa chảy; viêm gan virus A,E; viêm đường hô hấp cấp tính; các tổn thương ngoài da nhiễm trùng; người lành mang trùng.
 
+ Liệu quy định này có thể thực hiện được không, khi mà việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - khẳng định:

- Việc bắt buộc những người mắc bệnh truyền nhiễm không được sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm ăn liền, ăn sẵn là đề phòng và hạn chế tối đa người mắc bệnh truyền nhiễm gây ô nhiễm thực phẩm.

Những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khoẻ và có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ, không mắc bệnh truyền nhiễm sẽ là điều kiện để xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho mỗi cơ sở.

+ Việc khám sức khoẻ và cấp giấy chứng nhận sức khoẻ hiện nay có hiện tượng gian dối thì làm sao có thể phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm?

- Ngành y tế quy định các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện trở lên mới được cấp giấy chứng nhận sức khoẻ. Nếu cơ sở nào không thực hiện việc khám sức khoẻ đầy đủ cho người lao động, hoặc có hiện tượng gian dối sẽ bị xử lý.

+ Cả nước hiện có 1,5 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vậy có đủ khả năng triển khai quy định này?

- Việc này hoàn toàn có thể làm được. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan y tế để khám sức khoẻ cho người lao động. Để thắt chặt vấn đề này, từ nay đến cuối năm sẽ triển khai mạnh mẽ việc thanh - kiểm tra, cơ sở nào không có giấy khám sức khoẻ sẽ không đủ điều kiện kinh doanh, sẽ xử phạt hoặc đình chỉ hoạt động.

+ Trước quy định này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành y tế đang đẻ ra những "giấy phép con" gây khó khăn cho việc kinh doanh, ý kiến của ông thế nào?

- Kinh doanh thực phẩm là mặt hàng liên quan đến sức khoẻ con người, do vậy việc bắt buộc người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải khám sức khoẻ là bước quan trọng ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm. Quy định này sẽ không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

+ Ông có nghĩ rằng, việc khám sức khoẻ sẽ tăng thêm chi phí cho người kinh doanh, đặc biệt là bán hàng rong đa số là người nghèo?

- Theo tôi, cơ sở nào được công nhận là đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là chứng chỉ quảng cáo thương hiệu, uy tín cho mình. Nếu có hai cơ sở cùng bán một mặt hàng, một cơ sở được cấp phép, một cơ sở không được cấp phép, người tiêu dùng sẽ chọn cơ sở đủ điều kiện vệ sinh để mua. Như vậy, việc đó đã gián tiếp làm tăng lợi nhuận cho cửa hàng.

Theo Lao Động

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]