Người phụ nữ 23 năm chăm sóc mộ liệt sĩ

15.5893

Nhiều người đến thắp hương cho liệt sĩ thắc mắc sao bà lại nhận phần việc chỉ dành cho đàn ông, bà cười bảo công việc này ai cũng làm được, miễn là có lòng thành với các liệt sĩ. 

Nghĩa trang liệt sĩ Bá Thước (Thanh Hóa) nằm gọn trong thung lũng, được bao bọc giữa những dãy núi. Sau cơn mưa rào buổi sáng, sương từ hẻm núi tỏa ra bao quanh lấy tượng đài, bay là là mặt đất phủ lên những tấm bia liệt sĩ. Bà Lương Thị Nội tay cầm liềm cắt cỏ, rồi trồng hoa ở những phần mộ có hoa lụi tàn.

Năm nay 57 tuổi, bà Nội đã 23 năm trông coi nghĩa trang liệt sĩ Bá Thước. Cơ duyên gắn bà với nghĩa trang rất tình cờ. Năm 1990, bà dẫn ba đứa con nhỏ ra khu phố Đồng Tâm, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, đoàn tụ với chồng. Nhà gần nghĩa trang, nhìn thấy những phần mộ lâu ngày không được chăm sóc, cỏ dại, cây xấu hổ mọc đầy, bà thấy xót xa.

Được xây dựng và công nhận là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia từ năm 1976, nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tâm (tên gọi trước đây của nghĩa trang liệt sĩ Bá Thước) rộng 11.000 m2, quy tập hơn 2.000 mộ liệt sĩ, song chỉ có một người quản trang già hơn 70 tuổi trông coi. Bà liền xin với ban quản lý được chăm sóc hương hỏa cho các liệt sĩ nằm tại đây.

Nhiều người đến thắp hương cho liệt sĩ thắc mắc sao bà lại nhận phần việc chỉ dành cho đàn ông. Người đoán già đoán non, cho rằng bà là cựu thanh niên xung phong, nặng nghĩa tình với đồng đội nên mới làm quản trang. Người phụ nữ quen gắn bó với ruộng nương không biết giải thích thế nào, chỉ bảo công việc này ai cũng làm được, miễn là có lòng thành với các liệt sĩ.

Người lại hỏi bà có sợ khi ngày ngày làm việc giữa những bia mộ, bà chỉ nói: “Bộ đội mình hiền lắm, có làm hại ai bao giờ đâu mà phải sợ”.

Bà Nội bảo, công việc dọn cỏ chiếm nhiều thời gian nhất, dọn cả ngày chỉ được một lô khoảng 80-100 mộ. Những ngày đầu tiên, bà tự sắm chiếc liềm, rồi làm cỏ từ sáng đến tối, vừa làm vừa lầm rầm khấn vái. Một mình làm không xuể, bà kéo cả chồng cùng đi. Ngày cuối tuần, người dân khu phố Đồng Tâm lại thấy hai vợ chồng tay liềm, tay cuốc cùng đi nhổ cỏ, phát cây ở nghĩa trang.

Hàng ngày công việc của bà Nội là làm cỏ, trồng hoa, thắp nhang trên các phần mộ liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Phương.

Anh Lương Văn Tùng, con trai cả của bà Nội vẫn nhớ những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với công việc của mẹ. Hồi đó, Tùng 8 tuổi còn cô em gái 6 tuổi, sáng đi học, chiều lẽo đẽo theo mẹ vào nghĩa trang dọn cỏ. Lúc đầu cũng sợ, nhưng dần rồi quen, khi nào mệt thì anh em chơi quanh cổng chờ mẹ xong việc. Những năm sau này, hai anh em đi học, rồi đi làm ăn xa, không có sự giúp đỡ của các con, mẹ anh vẫn hàng ngày cặm cụi nhổ cỏ, thắp hương cho các liệt sĩ.

Trước khi được trùng tu, nâng cấp vào năm 2006, nghĩa trang chưa có nhà tưởng niệm và nhà khách. Khi có gia đình liệt sĩ tới thăm mộ con em, bà lại dẫn họ về nhà mình ăn uống, nghỉ ngơi. Có gia đình ở tận Bắc Kạn, 3 năm mới vào thăm cha là liệt sĩ một lần. Đến ngày giỗ, mùng 1 lại gọi điện vào nhờ bà thắp hương. Không đợi họ nhắc, bà bảo đó cũng là công việc hàng ngày phải làm.

Nghĩa trang hơn 2.000 mộ, bà thuộc làu tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh, liệt sĩ nào nằm ở lô nào. Đông nhất là liệt sĩ ở Thanh Hóa, Thái Bình và các tỉnh ở khu vực phía Bắc như Sơn La, Yên Bái. Những người nằm dưới mộ tuổi còn rất trẻ, có tấm bia ghi tên liệt sĩ, tính ra mới 16 tuổi.

23 năm chăm lo giấc ngủ cho người đã khuất, bà không nhớ rõ mình đã khóc bao nhiêu lần khi chứng kiến những cuộc đoàn tụ giữa thân nhân và liệt sĩ. Bà nhớ nhất một phụ nữ quê Nam Định có chồng nằm tại đây. Hai người lấy nhau được một tuần thì chồng lên đường nhập ngũ, chiến đấu tận bên Lào rồi hy sinh năm 1962. Hơn 50 năm mòn mỏi chờ đợi, người vợ không chịu đi bước nữa mà nhận một đứa trẻ về nuôi.

Vì thương yêu người chồng quá cố, người phụ nữ ấy lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc đi tìm mộ chồng, cuối cùng tìm thấy ông ở giữa mảnh đất Thanh Hóa. Người vợ nay đã thành bà lão 70 chỉ còn biết ôm tấm bia khắc tên chồng rồi ngất đi. Chứng kiến cảnh ấy, nữ quản trang chỉ biết khóc theo. Hai người phụ nữ đều có chồng đi bộ đội chia sẻ nỗi lòng với nhau. Bà may mắn hơn người phụ nữ kia là có chồng lành lặn trở về. “Họ khóc khiến mình cũng không thể nào cầm được nước mắt, thương lắm”, giọng người nữ quản trang trầm buồn.

Nằm xen lẫn giữa những ngôi mộ có tên tuổi, quê quán là những tấm bia chỉ ghi dòng chữ “liệt sĩ chưa biết tên”. Mỗi khi có người lỡ miệng gọi là liệt sĩ vô danh, bà lại nhắc ngay phải gọi là liệt sĩ chưa biết tên mới đúng. Rồi giọng bà trùng xuống: “Không biết khi nào các anh, các chú ấy mới tìm thấy tên, mới được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình”.

Lương quản trang mỗi tháng được 1,5 triệu đồng, trước đây chỉ được vài cân gạo, nhưng bà vẫn vui vẻ làm. Sau này, ban quản lý bổ sung thêm hai quản trang nữa, nhưng do có kinh nghiệm trông coi lâu năm, lại biết tiếng Thái nên bà vẫn đảm nhận công việc tiếp đón gia đình liệt sĩ vào thăm.

Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước cho hay, dù bà Nội đã đến tuổi nghỉ, nhưng ban quản lý nghĩa trang vẫn đề nghị làm thêm vài năm nữa bởi bà nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm. Bà là người gắn bó lâu dài nhất từ khi nghĩa trang liệt sĩ Bá Thước được xây dựng đến nay.

Còn nữ quản trang già tâm niệm: “Còn sức thì cứ làm, đến khi nào không nhổ được cỏ trên mộ liệt sĩ nữa thì xin nghỉ”. Nói rồi, bà tiếp tục đi trồng hoa, nhổ những chân hương cũ. Sắp tới ngày tri ân liệt sĩ nên công việc của bà có phần bận rộn hơn.

Hoàng Phương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]