Hôm đầu tiên gặp gỡ giữa hai người, cũng là để nghe Phạm Tiến Duật phán xét vở kịch thơ, Phạm Tiến Duật nồng nhiệt ôm xiết nhà thơ trẻ mới gặp và bảo: "Em ơi! Sao lần đầu mà đã làm to thế. Anh nói thật, nó không thua bất cứ một vở kịch thơ hiện đại nào nên nhiều người khoái em là phải". Rồi nhìn vào mắt nhà thơ trẻ, ông chậm rãi: "Nhưng họ già rồi. Chúng mình còn trẻ, không viết thế!". Đỗ Trung Lai thoạt tiên lúng túng trước sự trực tính của nhà thơ đàn anh, còn chưa kịp nói năng gì, thì dường như đoán được những thắc mắc của ông em, Phạm Tiến Duật lại chậm rãi: "Lai ạ! Đoản thi mới quan trọng. Anh đố chú viết được thơ ngắn đấy!".

Ái chà chà! Nói thế thì khác gì thách đố nhau. Bắt tay ông anh mà lòng dạ ông em vốn rất khái tính và trực tính, cứ sôi lên như có lửa. Một tuần sau, bài thơ ngắn "Đêm sông Cầu" ra đời và được in ngay trên trang nhất Báo Văn nghệ, có minh họa rất đẹp của họa sĩ - nhạc sĩ Văn Cao. Không ai hiểu ra chuyện gì khi Trung úy Đỗ Trung Lai cao lừng lững, hầm hầm đến ngay bản báo cật vấn: "Ai sửa thơ tôi? Mà tại sao lại sửa tồi như vậy?". Nhóm cán bộ biên tập trong đó có ông anh Phạm Tiến Duật ngớ ra. Cầm lên tờ báo sang trọng, họ đọc đi đọc lại và thấy quả tình, cái sự biên tập đúng là đã biến lợn lành thành lợn què thật. Ai lại: "Mà vẫn mắt nhìn bối rối" thành ra: "Mà sao mắt nhìn bối rối"; và tai hại biết chừng nào, khi "Tựa lưng vào đêm sông Cầu" lại biến ra thành "Tựa lưng vào dải sông Cầu" thì còn ra thể thống gì nữa. "Như thế hóa ra tôi ra bờ đê nằm à?".

Để cho Trung úy nguôi ngoai đôi chút, nhà văn Hồng Phi tủm tỉm bảo: "Rõ ràng nguyên bản của cậu ấy hay hơn. Cũng không phải lỗi của Duật đâu. Tao biết rồi. Tao biết là ông nào thò bút vào rồi. Ông này ông ấy thò bút vào đâu là hỏng đấy. Cơ mà ông ấy là biên ủy!".

Số phận của bài thơ sau này còn có nhiều điều kỳ lạ, như là việc nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, khi pha trà đã bắt gặp bài thơ trên tờ báo gói trà và lập tức cho ra đời "Tình yêu bên dòng sông quan họ" nổi tiếng đến bây giờ.

Từ trục trặc biên tập ấy, hai nhà thơ Phạm Tiến Duật và Đỗ Trung Lai ngày càng thân thiết, quý trọng nhau. Có thể thời cuộc và cá tính đã khiến cho họ có những lúc xa nhau trong sinh hoạt, nhưng tiếng lòng đồng điệu của hai người thì không bao giờ suy suyển và cũng ngay sau ngày ấy, chính ông anh đã dẫn ông em đến Báo Quân đội nhân dân giới thiệu để rồi ông em trở thành một phóng viên trụ cột, giàu cá tính của một trong những tờ báo hàng đầu của cả nước suốt 23 năm.

Theo Phùng Văn Khai (VNCA)


Video đang được xem nhiều