Bánh Tét lá cẩm nổi tiếng ở Cần Thơ

VOV.VN - Mỹ dự định sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, hành động đáp trả mạnh mẽ nhất sau cáo buộc Nga ám sát cựu điệp viên Skripal.

15.5842

Nhắc đến Cần Thơ mọi người thường ngâm nga câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Từ đặc sản "gạo trắng", xứ Tây Đô đã làm ra nhiều món ngon, vật lạ luôn níu lòng người.

Cách đây hơn 2 năm, “Vua đầu bếp” Martin Yan - người nổi tiếng với hơn 3.000 chương trình dạy nấu ăn được phát trên sóng truyền hình nhiều nước đã chọn bánh Tét lá cẩm Cần Thơ là một trong 3 món ăn dân dã của địa phương này, gồm: vịt nấu chao Thành Giao, bánh xèo Mười Xiềm và bánh Tét lá cẩm.

Khi nói về bánh Tét lá cẩm Cần Thơ nổi tiếng thơm ngon là bánh của gia đình nghệ nhân Sáu Trọng, tức Huỳnh Thị Trọng ở phường An Thới, Quận Bình Thủy.
Bà Sáu Trọng bên những rổ lá cẩm làm nên thương hiệu bánh Tét lá cẩm Cần Thơ nổi tiếng

Hàng chục năm qua, chỉ với một nghề duy nhất là gói bánh Tét, bà Sáu Trọng đã gây dựng được cho mình một cơ ngơi khang trang, vững chãi và nuôi dạy con cháu khôn lớn nên người. Theo lời bà Sáu kể, hồi đó nhà bà vô cùng nghèo, mẹ bà làm đủ các loại bánh, loại xôi, trong đó có bánh Tét để hai mẹ con cùng mang đi bán. Bán dạo ở chợ mãi rồi cũng được mọi người yêu thích. Với người miền Nam, bánh Tét là món ăn không thể thiếu trong bàn thờ cúng gia tiên mỗi dịp Tết.

Không biết bánh Tét có mặt ở Nam Bộ từ bao giờ, nhưng có nguồn tư liệu cho rằng loại bánh này được sản sinh từ bánh Chưng ngoài Bắc, khi vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ dùng để nuôi quân, đánh bại cuộc xâm lược của quân Thanh ở Thăng Long. Từ đó, bánh Tét lúc nào cũng vinh dự có mặt trong các đám tiệc, lễ hội long trọng, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán.

Nếu những đòn bánh Tét truyền thống được thực hiện khá đơn giản với lớp nếp bao quanh nhân mỡ, hành, đậu xanh, bên ngoài bọc lớp lá chuối có dây lát buột chặt thì bánh Tét lá cẩm của bà Sáu Trọng khác xa từ màu sắc đến chất lượng. Ngoài màu của lá cẩm nhuộm tím phần nếp, bà Sáu Trọng còn thêm vào trong nhân nhiều nguyên liệu hấp dẫn khác như tôm khô, lòng đỏ trứng muối, lạp xưởng...

Theo lời bà Sáu Trọng, bánh Tét lá cẩm ra đời khi bà chợt nghĩ, ngày trước mình từng tẩm lá cẩm màu tím vào xôi nếp để đem bán, được mọi người yêu thích thì bánh Tét cũng có thể. Qua tay bà Sáu Trọng, món bánh tét lá cẩm với màu tím quyến rũ đã ra đời.

Bánh Tét lá cẩm Cần Thơ

“Lá cẩm màu tím tôi đem ngâm nếp, xôi ra màu tím rất đẹp, ngon. Từ đó, tôi áp dụng vào bánh Tét nhân chuối, nhân mỡ, nhân đậu, nhân chay… Mọi người thích dùng. Sau đó thêm nhiều nhân thập cẩm khác như nhân thịt, trứng, nạc mỡ …” – bà Sáu Trọng nói.

Để có những đòn bánh Tét lá cẩm như ý, bà Sáu Trọng buộc các thành viên trong gia đình khi làm phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu. Đầu tiên là chọn giống nếp ngon không lẫn gạo. Kế đến hái lá cẩm tươi, rửa sạch, nấu, chắt lấy nước làm màu bánh. Đậu xanh ngâm, nấu nhừ. Dừa khô nạo vắt lấy nước cốt. Xong xuôi cho gạo trộn nước lá cẩm và nước cốt dừa, nêm nếm muối, đường bắc lên bếp, khoảng 1 tiếng đồng hồ cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp rồi mới xào đều tay sao cho hột nếp, vừa chín khoảng 30% thì nhấc xuống.

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá. Lá sau khi rọc khỏi thân tàu phải được lau sạch, tuy nhiên không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi bánh chín.

Để có bánh ngon phải buộc bánh bằng dây nylon. So với dây lác, dây nylon có ưu điểm là chắc, dễ buộc nên năng suất gói cao, chỉ vài phút là có thể buột xong một đòn.

Riêng khâu nấu cũng quan trọng không kém. Nồi bánh tét của bà Sáu Trọng luôn được nấu bằng củi với thời gian từ 4 đến 5 tiếng mới chín. Theo bà Sáu, củi cháy đượm, bánh chín từ từ mới ngon. Nếu nấu bằng trấu, nhất là nấu bằng than đá thì không cho đòn bánh như ý, dễ khiến bánh chín nát, còn khiến nồi mau hỏng .

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các khâu trong quá trình làm bánh nên bánh Tét lá cẩm của gia đình bà Sáu Trọng từ lâu đã nức tiếng gần xa. chẳng những người dân xứ đồng bằng đều biết tiếng, mà người dân ở Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí tận Hà Nội cũng liên hệ đặt hàng. Chỉ cần cắt bánh, nhìn vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng muối, mỡ và đậu tỏa mùi thơm ngát thì bất cứ ai cũng muốn thưởng thức.

Vào dịp Tết nguyên đán, người dân Nam bộ đều muốn có vài đòn bánh Tét để cúng tổ tiên, chính vì vậy mà số lượng bánh Tét lá cẩm do khách đặt mua cũng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần 20 năm qua, các con của bà Sáu Trọng đã nối nghiệp bà để hình thành nên Tổ hợp tác bánh Tét lá cẩm Cần Thơ với 3 lò hoạt động liên tục, mỗi ngày xuất khoảng 800 đòn/lò. Vào dịp Tết nguyên đán, số lượng bánh Tét tăng gấp bội.

Bà Sáu Trọng chuẩn bị giao bánh Tét cho khách hàng trong dịp Tết
Anh Lê Phước Triệu, con rể bà Sáu Trọng cho biết: “Dưới sự chỉ dẫn của mẹ thì bây giờ từ khâu lá đến khâu nạo dừa, vắt dừa, tới xào nếp, bịt bánh, tới thành phẩm… chúng tôi đều có thể hoàn thiện”.

Tiếng tăm của loại bánh do mình làm ra đã vang xa nhưng có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao nhất của bà Sáu Trọng là nhìn thấy con cháu một lòng, một dạ theo đuổi cái nghề, theo đuổi loại bánh mà bà đã gắn bó hơn 60 năm qua.

Bà Sáu Trọng tâm sự: “Hồi trước nghèo khổ, phải buôn gánh, bán rong nuôi con. Giờ con cái đều có nhà cửa đàng hoàng, công việc ổn định. Con có hiếu, nối nghiệp tôi nên giờ chỉ vui vẻ sống thôi”.

Nơi bà Sáu Trọng ở hiện giờ vẫn có một khoảnh đất để trồng cây cẩm. Những lúc rảnh rỗi, bà lại ngắm nghía màu hoa tím, sắc lá xanh của lá cẩm. Màu tím tượng trưng cho sự nhớ nhung, mong đợi. Có lẽ vì vậy mà những ai đã đến Cần Thơ, đã thưởng thức khoanh bánh Tét tím của bà Sáu Trọng, khi xa đều nhớ và mong đợi ngày quay trở lại vùng đất thơ mộng này./.

Tấn Phong/VOV – ĐBSCL
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]