Thông thường, bầu sữa nuôi sống một đội bóng được coi là chuyên nghiệp là nguồn thu tự doanh, chẳng hạn bán vé, bản quyền truyền hình, và tiền tài trợ, nhưng với tuyệt đại đa số các đội bóng Việt Nam, khả năng tự doanh gần như là con số 0, bởi tiền bản quyền truyền hình chỉ là một khoản không đáng kể, còn nguồn thu từ bán vé thì trừ sân Lạch Tray, các sân ở V-League mùa này chưa bao giờ cháy vé vì đông khán giả.
Trên TTCK, Hoà Phát có giá hơn nhiều so với SHB, nhưng ở V-League, HP.HN không thể là đối thủ xứng tầm của HN.T&T (phải). Ảnh: VSI |
Thế thì có thể suy ra nguồn sống chính của các đội bóng chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay là túi
tiền của ông bầu, nhưng điều lạ là trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều đang kêu than làm ăn khó khăn thì tiền chi cho các đội bóng vẫn không hề giảm sút, chẳng hạn HN.T&T hay HP.HN vẫn thưởng 1,5 tỷ đồng cho mỗi chiến thắng của đội nhà.
Có phải là nghịch lý không khi ở Hà Nội có 3 đội bóng V-League là HN.ACB, HN.T&T, HP.HN thì ông chủ của HN.ACB và HP.HN dù được đánh giá là có tiềm lực kinh tế trội hơn hẳn so với người đồng nhiệm ở HN.T&T, nhưng thành tích của HN.ACB và HP.HN trên sân cỏ rất khiêm tốn.
Cứ nhìn cách bầu Hiển thưởng trung bình một tỷ đồng cho mỗi trận thắng của HN.T&T thì cũng có thể ước tính sau 11 trận thắng của HN.T&T ở mùa này, ít nhất ông Hiển đã mất 11 tỷ, đấy còn chưa kể tới 10 trận thắng của SHH.ĐN, vốn cũng không hề bị phân biệt đối xử so với người anh em HN.T&T.
Trong số 5 đội bóng hiện đang dẫn đầu V-League là SLNA, HN.T&T, SHB.ĐN, B.BD và Thanh Hoá, không có CLB nào mà nhà tài trợ của họ được xếp vào hàng top 10 về độ giàu có trên thị trường chứng khoán Việt Nam, còn ở giữa bảng và nửa cuối bảng thì lại xuất hiện rất nhiều triệu phú USD, chẳng hạn như ông Đoàn Nguyên Đức (HA.GL), ông Nguyễn Đức Kiên (HN.ACB) hay cặp ông bầu Trần Đình Long-Nguyễn Mạnh Tuấn (HP.HN).
Người ta hay bảo “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, hay “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, vậy trong trường hợp này biết giải thích như thế nào về sự tương phản giữa đồng tiền của bầu Hiển so với đồng tiền của bầu Đức, bầu Long, bầu Kiên? Đấy còn chưa kể tới việc bầu Hiển còn đang sở hữu tới 2 đội bóng ở V-League, một đội bóng ở giải hạng Nhất và một CLB nữa cũng chuẩn bị lên chơi ở giải hạng Nhất chứ không phải chỉ một CLB như các ông bầu vừa nêu.
Bên cạnh đó, bầu Hiển tuy chỉ xếp thứ 62 trong danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010, nhưng 2 đội bóng của ông đều đang nằm trong top 3 V-League 2011 và đã thống trị V-League từ 2 năm nay, còn bầu Đức, bầu Long, bầu Tuấn thì ngược lại, dù họ không thiếu tiền và cũng chẳng tiếc sức đầu tư cho đội bóng nhưng kết quả thì rất đì đẹt, đáng thất vọng, mà so với bầu Hiển, những ông bầu này còn xắn tay vào làm bóng đá sớm hơn rất nhiều.
Thông thường, một đội bóng luôn là thước đo phản ánh “sức khoẻ” hiện tại của mỗi doanh nghiệp là nhà tài trợ hoặc chủ nhân của nó, nhưng với V-League thì lại rất khác. Đúng là đã sang tuổi thứ 11 và kết thúc giai đoạn thử nghiệm kéo dài 10 năm, nhưng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam quả vẫn còn rất nhiều điều kỳ lạ khó giải thích, mà nói như chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là: “Chuyên nghiệp ở Việt Nam khác các nước”.
Hoàng Huy
Các ông bầu bóng đá V-League trên sàn chứng khoán
1. Đoàn Nguyên Đức (HA.GL) (thứ 2/11.879 tỷ đồng)
2. Trần Đình Long (HP.HN) (4/2.962 tỷ đồng)
3. Nguyễn Đức Kiên (HN.ACB) (23/805 tỷ đồng)
4. Nguyễn Mạnh Tuấn (HP.HN) (50/325.080 tỷ đồng)
5. Đỗ Quang Hiển (HN.T&T và SHB.ĐN) (62/256 tỷ đồng)
6. Nguyễn Vĩnh Thọ (N.SG) (65/251 tỷ đồng)
Nguồn: Top 100 người giàu trên TTCK Việt Nam 2010 do VnExpress.net công bố (Dữ liệu lấy từ Cáo bạch và thông tin của doanh nghiệp niêm yết tại 2 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP.HCM. Tổng giá trị tài sản dựa trên giá trị cổ phiếu nắm giữ theo giá đóng cửa phiên giao dịch 31/12/2010). |