Nhân - Quả hay câu chuyện lạ của một cựu binh

Giadinh.net - Cách đây vài năm, người ta xôn xao về chuyện cô du học sinh Lâm Thị Thanh Huyền, bị mất tích khi đang du học ở Australia. Sau đó, cô đột ngột trở về, sau một hành trình gian nan từ Australia đến Mỹ qua Trung Quốc, trong trạng thái mất hoàn toàn trí nhớ...

15.5986

Nhưng ít ai biết, người con gái có số phận kỳ lạ này chính là con gái thứ ba của người cựu tù Phú Quốc, Lâm Văn Bảng, người sáng lập Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị bắt tù đày, bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Nơi lưu giữ tình đồng đội

“Lá cờ bằng lòng bàn tay này là niềm tin, là biểu tượng cho ý chí bất diệt của người chiến sỹ cộng sản. Trong cảnh tù đày, khủng bố gắt gao của địch. Nhiều lúc để giữ nó, anh em chúng tôi phải vo tròn, nuốt vào bụng, buộc vào một sợi chỉ để lôi ra”.

“Còn đây là những chiếc đinh bọn địch đã đóng vào đầu anh Vũ Đình Kỳ. Anh đã bị bọn chúng đóng đinh cho đến chết. Lúc bốc mộ anh, nhìn thấy những chiếc đinh vẫn còn dính vào sương sọ, các đồng đội không thể nào cầm được nước mắt. Chúng tôi đã xin được mang về đây để lưu giữ”.

“Anh có thấy những chiếc răng kia không và bức tranh kia nữa không? Đó là cảnh anh Nguyễn Văn Tằng đang bị bọn địch đục răng”. “Còn đây là anh Dương Bá Ngải, anh bị bọn địch treo ngược lên, đổ xà phòng nóng vào mồm, tra tấn cho đến chết. Trước khi chết anh chỉ dặn dò chúng tôi có một câu. Nói với cha mẹ, vợ con tôi là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc nhé!”.

Bao năm nay, ông Bảng gắn bó với những kỉ vật này như máu thịt. Từ khi bảo tàng được lập lên, ông là giám đốc, đồng thời cũng là người hướng dẫn viên. Mỗi lần đón một đoàn khách đến viếng thăm, mỗi lẫn kể lại những câu chuyện về những người đồng đội đã hy sinh, là cả một trời quá khứ hào hùng, bi tráng lại hiển hiện lên trong tâm trí người thương binh già.

Ông bị địch bắt vào chiến dịch Mậu Thân năm 1968, những vết thương còn lằn sâu trên cánh tay trái và bước chân tập tễnh là dấu tích còn sót lại. Khi đó, sau hàng chục lần chuyển trại giam, cuối cùng ông bị địch giam cầm tại nhà lao Phú Quốc, một trong những địa ngục trần gian kinh hoàng mà Mỹ ngụy đã lập ra.

Hoà bình, ông xuất ngũ trở lại với công việc trước khi đi bộ đội, quản lý giao thông, cầu đường. Nhưng những hoài niệm về những ngày gian khổ, những người đồng đội đã chiến đấu, hy sinh in đậm trong ông. Ý tưởng lập nên một bảo tàng lưu giữ những kỉ vật của đồng đội cũng xuất phát từ đó. Nghĩ là làm, hàng chục năm trời, ông đã âm thầm sưu tầm những kỉ vật của đồng đội qua các chuyến đi công tác đến các địa phương. Biết được việc làm của ông, nhiều đồng đội khác cũng muốn cùng chung sức, trong đó có những người rất tích cực như ông Chu Hữu Ngọc ở Phường Đồng Nhân, ông Nguyễn Trọng Dư ở Thụy Khuê (Hà Nội).

Lúc đầu, những kỉ vật này được trưng trong gian phòng nhỏ của gia đình ông, sau này khi số lượng lớn quá ông mới mở riêng ra thành một khu trưng bày. Mãi đến dịp kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến năm 2004 phòng “Truyền thống” mới chính thức khai trương. Đến năm 2006, thì phòng Truyền thống được Sở Văn hoá thông tin Hà Tây cấp phép hoạt động với tên chính thức là: “Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”.

Một số kỷ vật trong “Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bi tù đày” của ông Bảng.

Ông Bảng tâm sự: “Tôi chỉ là người có ý tưởng đầu tiên, còn để lập được bảo tàng này là công lao của bao đồng chí, đồng đội ở khắp nơi. Như anh Chu Hữu Ngọc đến lúc sắp mất vẫn cầm tay tôi hỏi: “Phòng số 7 đã xong chưa?”.

Bảo tàng toạ lạc trên mảnh đất gần 2.000 m2 tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Tây). Bảo tàng được chia làm 8 gian trưng bày, mỗi gian trưng bày một loại hiện vật. Gian số 7 lớn nhất là nơi lưu giữ những kỉ vật của những người tù binh ở Côn Đảo, Phú Quốc... Gian số 8 dành để tái hiện lại cảnh các chiến sỹ bị giam cầm trong nhà lao. Gian số 4 lưu giữ vật dụng của người chiến sỹ, từ chiếc dép cao su, chiếc dù hay cả tấm khăn mùi xoa thêu chữ “Hạnh phúc”...

“Tất cả những kỉ vật này đều là những vật dụng đã thấm máu, mồ hôi và linh hồn của anh em đồng đội. Bảo tàng không đơn thuần là nơi lưu giữ, trưng bày. Nó là minh chứng cho nghĩa tình đồng chí, đồng đội của những người đã ngã xuống và những người còn sống sót trở về”, ông Bảng tâm sự.

Nhưng người lính già này còn một kỷ vật nữa mà ông giữ cho riêng, không mang gia trưng bày ở bảo tàng. Đó là cuốn sách Gương Nhân - Quả. Nhờ cuốn sách này mà ông tìm lại được báu vật của mình - đó là người con gái thất lạc nơi đất khách.

Sự trùng hợp kỳ lạ

Ông kể: “Khi Huyền được học bổng sang du học tại Australia, tôi chỉ dặn cháu, con cố gắng mà học lấy kiến thức, khi về ba mẹ không cần con mang tiền bạc, của cải gì, chỉ muốn con mang thật nhiều sách vở, kiến thức về để phục vụ Tổ quốc”. Kèm theo lời dặn, ông còn tặng con gái cuốn sách: Gương Nhân - Quả, cuốn sách sau này đã trở thành “ân nhân” mang cô về với gia đình.

Năm 2002, du học được hai năm thì Huyền lâm vào một cơn bạo bệnh. Các bác sỹ đã chẩn đoán Huyền bị viêm não biến chứng. Muốn cứu Huyền, phải đưa cô sang một bệnh viện tốt nhất ở Mỹ. Khi học bên Australia, cô có một bà mẹ nuôi người Pháp, chính bà đã đưa Huyền sang Mỹ điều trị. Nhưng cũng kể từ đó, gia đình hoàn toàn mất liên lạc với cô. Ông Bảng đã nhờ mọi mối quen để hỏi han, tìm kiếm nhưng tất cả đều vô vọng.

Trong khi đó ở Mỹ, các bác sỹ đã cứu Huyền thoát khỏi cơn hiểm nghèo, tuy nhiên cô lại bị mất trí nhớ. Nhưng tai hoạ không dừng ở đó, trên đường bà mẹ người Pháp đưa cô ra sân bay về Australia, hai mẹ con lại gặp một tai nạn giao thông khủng khiếp. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, Huyền không thấy bà mẹ nuôi người Pháp đâu. Bà còn sống hay đã chết? Huyền cũng không biết mình là ai, từ đâu đến. Ký ức trong cô trở thành một khoảng không hun hút. Rời bệnh viện, cô chẳng biết đi đâu về đâu giữa nước Mỹ rộng lớn và xa lạ.

Anh Thanh con trai út của ông Bảng kể: “Khi đó chị Huyền nhập vào đám trẻ da màu lang thang, rửa chai lọ thuê cho một nhà hàng. Vì chị quá gầy gò nhỏ bé, nên bọn chúng không biết có một người lớn nhập bọn. Công việc rửa chai lọ chỉ được trả công bằng một bữa ăn, không có tiền lương. Nhưng như vậy cũng đã giúp chị sống qua ngày. Sau đó, chị gặp thương gia người Hoa chuyên buôn đồ điện tử từ Trung Quốc sang. Biết cảnh ngộ đặc biệt của chị, bà đã động lòng trắc ẩn, muốn giúp đỡ đưa chị về quê hương. Lúc đó, chính chị cũng không biết mình là người nước nào, chỉ qua ngôn ngữ và qua câu nói luôn hiển hiện trong đầu chị: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, bà thương gia mới đoán chị là người Việt Nam. Bà cho chị trốn vào container hàng của chiếc tàu thuỷ. Con tàu lênh đênh giữa đại dương bao nhiêu ngày chị không biết, chỉ có cơn đói và say sóng hành hạ chị. Sau đó, bà thương gia đưa chị về Lạng Sơn. Nhưng chính chị kể, lúc đó cũng không thấy Việt Nam có gì khác với Mỹ và Trung Quốc”.

Sau đó, Huyền tìm đến nhà chùa để xin miếng ăn, chỗ ngủ qua đêm. Một nhà sư đã khuyên cô xuống Hà Nội sẽ dễ kiếm sống và có nhiều cơ hội tìm được gia đình hơn. Không có tiền đi ôtô, Huyền đành đi bộ. Phải mất khoảng một tháng, Huyền mới về đến Hà Nội. Nhưng Huyền vẫn đối diện với những con số không tròn trĩnh: không tiền, không nơi ở, không gia đình, không trí nhớ... Huyền lại xin rửa bát cho quán cơm ở Cầu Giấy. Ngày làm thuê, đêm về các ngôi chùa xin ngủ nhờ. Và cô hỏi hầu như tất cả mọi người cô gặp chỉ một câu: “Có biết tôi là ai?”. Nhưng càng hỏi, càng vô vọng.

Australia, sau khi thấy Huyền đi chữa bệnh rồi mãi không quay lại trường, tưởng cô đã về nước, bạn bè đã gom tất cả đồ đạc gửi về Việt Nam. Trong đó có cả cuốn sách “Gương Nhân – Quả”. Thế nhưng địa chỉ họ gửi không rõ ràng nên những thứ đồ đó bị thất lạc.

Còn Huyền vẫn hàng ngày rửa bát thuê ở Cầu Giấy, cách gia đình chỉ vài chục cây số mà không hay biết. Ngoài thời gian đi rửa bát thuê, cô thường tìm đến hàng sách cũ ở vỉa hè đường Láng đọc nhờ. Một chị chủ quầy sách thấy Huyền hiền lành đã rủ về ở cùng nhà trọ. Từ đó, Huyền bỏ công việc rửa bát, ngày ngày đi bán sách, tối đi bán bánh mỳ. Với những kiến thức trong đầu nữ sinh viên xuất sắc ngày nào dù đã bị xoá mờ bởi chứng mất trí nhớ, nhưng nó cũng khiến Huyền dễ dàng học lại từ đầu, thậm chí sau đó, cô còn nhận đi dạy gia sư đại học.

Hàng năm trời sống ở Hà Nội, câu hỏi: “Tôi là ai” tưởng như vô vọng thì đến 26 Tết năm 2005, trong một lần đọc sách, cô vô tình lấy một cuốn sách mang tên “Gương Nhân- Quả”. Cuốn sách được bọc cẩn thận bằng mấy lớp giấy. Huyền bỗng tò mò bóc bỏ ra xem. Bóc hết lớp thứ nhất, cô thấy kẹp giữa hai bìa sách là chiếc chứng minh thư của một cô gái. Kỳ lạ thay: gương mặt trong ảnh chứng minh thư giống cô như đúc. Và cái tên trên chứng minh thư: Lâm Thị Thanh Huyền, nghe như một tiếng vọng xa xôi từ ký ức đã ngủ quên. Huyền giật mình, tự hỏi: “Sao trên đời này lại có người giống mình đến thế? Hay người trong chứng minh thư lại chính là mình”. Cô định thần nhìn kĩ và phát hiện thấy chữ “Bang” và số điện thoại đã mờ trên gáy sách. Cô bấm máy gọi về nhà, hỏi có phải nhà bác Bang không? Nhưng hai lần người trả lời đều nói không phải.

Ông Bảng với cuốn sách đã giúp tìm lại con gái

Người trả lời máy khi đó là mẹ cô. Bà kể: “Hai lần đầu tôi nhấc máy nhưng không nhận ra giọng con gái, vì sau bao năm tìm kiếm, chúng tôi đã gần như vô vọng. Tôi không nghĩ đó là con gái mình, tôi chỉ nghĩ đó là bạn gái của cậu út, nhưng thú thật tôi không thích cô ta lắm nên cũng chả buồn nghe”.

Nhưng Huyền thì lờ mờ nhận ra giọng nói rất quen. Cô quyết tâm gọi lần thứ 3, lần này người nhấc máy là ông Bảng. Ông đã nhận ra giọng cô con gái mình và Huyền đã tìm thấy gia đình như thế. Giờ đây cô đã có một gia đình nhỏ của riêng mình và vẫn ấp ủ ước mơ thi đại học sư phạm để chính thức làm cô giáo.

“Đồng đội đã mang cháu về cho tôi”

Ông kể: “năm 2003 khi tôi có chuyến đi xuyên Việt, thăm lại chiến trường xưa, thăm các nghĩa trang và tìm các kỉ vật của đồng đội. Nhìn những chân hương đã bạc trên các nghĩa trang liệt sỹ vô danh tôi bỗng thấy chạnh lòng. Tôi chợt nghĩ, sao mình không mang nắm đất giữ linh hồn đồng đội này về để ngày đêm hương khói”. Nghĩ là làm, ông đã dựng đài tưởng niệm các liệt sỹ ngay trong vườn nhà mình. Ông lấy đất từ chân hương của các nghĩa trang liệt sỹ vô danh ở khắp nơi, Trường Sơn, Điện Biên, Đồng Lộc đến Tây Ninh để trong cái đỉnh lớn để thờ cùng ảnh Bác Hồ.

Một sự trùng hợp kỳ lạ, là cái ngày 26 Tết năm 2005, ngày mà gia đình ông Bảng tìm thấy Huyền, cũng chính là ngày ông khánh thành Nhà Đài tưởng niệm các liệt sỹ. Đã gần 3 năm kể từ ngày tìm thấy Huyền, nhưng giờ đây, khi kể lại câu chuyện của con gái mình ông Bảng vẫn không thể giấu nổi nỗi xúc động. “Đó là nhân quả anh ạ. Tôi không phải là người duy tâm, nhưng từ trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ rằng, chính các đồng đội của tôi đã mang cháu về với tôi”.

Ông Bảng là giám đốc “kiêm” hướng dẫn viên cho bảo tàng.

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, khi sức khoẻ đã giảm sút nhiều ông Bảng vẫn không ngừng làm việc. Bên cạnh việc quản lý, bảo dưỡng các kỉ vật, thỉnh thoảng ông vẫn có những chuyến đi dài để tìm lại những kỉ vật của đồng đội. Nhưng ông cũng có một mối lo, khi những người như ông, đồng chí đồng đội của ông mất đi, thì ai là người lưu giữ những kỉ vật thiêng liêng này. 

Kết thúc câu chuyện ông không quên dặn dò: “Làm được việc gì tốt, có ích cho xã hội thì phải cố mà làm”.

            Nguyễn Kiên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]