Những lễ tiết thú vị trước khi trẻ vào đời

Khi đứa con mới ra đời, gia đình phải làm lễ đản sinh. Ý nghĩa của lễ này là để kính báo với các thần linh trong nhà rằng gia đình, dòng họ nhà chúng ta đã có thêm một đứa trẻ mới ra đời. Lễ này sẽ tiếp tục vào các năm về sau để tiếp tục sinh nhật cho trẻ. Tiếp theo đó gọi là ngày đán nhật.

15.6163

Khi em bé được một tháng tròn, thì có lễ ăn mừng đầy tháng. Lễ này tương đối đàng hoàng, có cúng tổ tiên và có bày cỗ bàn để mời người trong họ đến dự. Bà con xóm giềng cũng đến mừng. Tổ chức lễ này phải có những đĩa xôi nhuộm phẩm (xôi màu xanh, xôi màu đỏ) để bày trong các mâm. Đặt cỗ lên bàn thờ gia tiên, có thể có nhạc mừng. Ông cụ già nhất trong họ, bế em bé nằm trong tã lót, quì vái (động tác rất nhanh để tránh gió và tránh ánh sáng đèn nến chiếu vào mặt cháu). Có thể đốt pháo nhưng phải đốt ngoài xa. Cũng trong bữa tiệc, những người có chữ nghĩa làm thơ chúc mừng. Bố mẹ cháu nhận các bài thơ ấy và cảm tạ.

Sau lễ đầy tháng là đến lễ đầy năm. Cháu bé đã được một tuổi, cũng tổ chức đúng vào ngày sinh. Người ta gọi đây là lễ đầy tuổi tôi. Tôi là một sự khẳng định để nói là em bé đã có mặt trong đời, đã thành người, không phải thuộc thời kỳ trứng nước nữa.

Thông thường, khi em bé ra đời, đã có tên gọi ngay, nhưng chưa phải là tên chính thức. Anh, chị, cu, cô, hĩm, đĩ.v.v... là gọi cách dân dã, để gợi nhớ về tín ngưỡng phồn thực. Gọi tên bằng danh hiệu cơ quan sinh dục như vậy không phải là xấu, mà là một sự khẳng định về sự trường tồn. Nhiều người không biết thế nên cứ tưởng là thô tục.

Các gia đình có điều kiện học hành thì làm lễ đặt tên cho con hẳn hoi. Đặt tên cho em bé là điều rất quan trọng. Có nhiều cách đặt tên, hoặc đặt theo truyền thống gia đình, hoặc theo tên bố (thí dụ tên là Điểu (chim) thì các con sẽ là: Phượng, Anh, Lệ.v.v... Nhiều gia đình phải tìm gặp các cụ đồ, các nhà chữ nghĩa để đặt tên con. Cho con ngồi trước bàn thờ, trải trước mặt một tờ giấy trắng, ông bố hoặc một cụ già thông tuệ trịnh trọng viết dòng tên của cháu bé, chỉ cho cháu thấy. Tiếp đó là cầm tờ giấy vái trước tổ tiên, rồi giao cho bố mẹ cất đi. Cái tên khai sinh này là chính thức để dùng sau này, chứ thông thường thì cứ gọi theo dân dã.

Khi em đã lớn, đến tuổi đi học, thì bố mẹ cho con đến trường, (tức là nhà cụ đồ chuyên việc dạy trẻ). Phải có cái lễ, gọi là lễ khai tâm. Phải có đồ lễ bày lên bàn thờ thánh, gọi là bàn thờ Tiên sư (đức thánh Khổng tử, người ta gọi là vị Vạn thế sư), khấn vái xong, thì đến lễ thầy học. Cháu bé được hướng dẫn để thực hành các nghi lễ, và bố hay mẹ cũng khấn vái theo. Sự thực không biết là như thế nào, nhưng truyền thuyết kể rằng nhiều cái lễ khai tâm tốn kém lắm. Như chuyện của trạng nguyên Phạm Duy Từ (thế kỷ 17) bà mẹ goá của ông đã phải bán cả con bò để làm lễ nhập học cho con.

Cũng vào dịp khai tâm này, ở những gia đình quí phái (nhà hoàng tộc hay nhà quan) còn tổ chức lễ đội mũ. Lễ này trong sách Lễ Ký gọi là lễ quan, (không phải là làm quan, hay ông quan). Đó là cái lễ đứng đầu trong bốn thứ nghi lễ của phương Đông: quan, hôn, tang, tế. Sau lày lễ quan cũng để chỉ vào các nghi lễ trọng đại như lễ thần, lễ khao vọng.v.v...

Khi em bé đã thành một thiếu niên hẳn hoi, sắp sửa bước sang tuổi thanh niên, thì có một lễ nữa gọi là lễ thành đinh. Thành đinh, nghĩa là để thành người, được ghi tên vào sổ đinh, sẽ phải làm các nhiệm vụ của một công dân. Lễ thành đinh, ở nhiều vùng tổ chức khá rầm rộ. Cậu thiếu niên phải trải qua rất nhiều thử thách.

Sau lnày, không tổ chức lễ thành đinh nữa, thì ở nông thôn gọi thành một cái lễ, gọi là lễ vào làng, hay lễ vào lềnh. Cậu thiếu niên đã trở thành thanh niên, có nhiệm vụ phải đóng góp các việc công ích hay tư ích của làng xã. Việc của anh ta phần lớn là lao động, sai phái, chứ không có địa vị gì. Vì vậy, lớp thanh niên này phải đi chạy để kiếm chút vị trí: được thành nhiên học, tri xã .v.v... (hoặc các chức như miễn sai, miễn dao: không phải làm tạp dịch). Sau lễ này, chàng trai đã thực sự trở thành một dân đinh. Tuỳ theo yêu cầu, hoàn cảnh, anh sẽ làm các việc hôn thú, khao vọng.v.v... Các lễ đó không phải là của lớp người nhỏ tuổi nữa.

Có một điều đáng lưu ý là qua những hiện tượng ghi nhận ở trên, người Việt Nam chúng ta có ý thức trân trọng tuổi trẻ (từ khi bé bỏng đến lúc thành đinh). Giờ đây, nhiều hình thức nghi lễ đã bỏ đi vì không phù hợp với xã hội mới, nhưng điều đáng chú ý là sự trân trọng của phong tục, rất thiêng liêng và rất dồi dào ý nghĩa.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]