Chúng mang đến nhiều phiền toái cho người bệnh như tổn thương răng lợi, đau nhức, khó nhai hoặc không nhai được thức ăn, hôi miệng, mất tự tin khi giao tiếp… Dưới đây là một số món ăn thuốc hỗ trợ trị chứng đau răng của Lương y Nguyễn Hữu Toàn.
Nguyên nhân của những triệu chứng này là do âm huyết suy kém, hư hỏa
bốc lên, khắc phạt các tạng can, tỳ, phế, thận. Chỉ cần khắc phục được
những điều trên thì cảm giác đau nhức răng sẽ giảm.
Cháo củ cải nấu dạ dày lợn
Dạ dày lợn chín 100g, củ cải trắng 100g, hành củ 10g, gừng sống 5g,
gạo lức 100g, gia vị vừa đủ. Cho dạ dày lợn và củ cải đã thái vào chảo
dầu xào chín, cho tiếp các gia vị vào rồi cho ra bát. Cho gạo đã vo sạch
vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, cháo chín múc vào bát củ cải và dạ
dày lợn. Ăn 2 lần trong ngày.
Công dụng: bổ hư, ích khí, chỉ khát, trị đau răng lợi hiệu quả.
Cháo sinh thạch cao
Thạch cao sống 60 – 90g, gạo lức 100g. Cho gạo đã đãi sạch và thạch
cao vào nồi, đổ 1 lít nước nấu thành cháo, cháo chín bỏ thạch cao, cho
đường trắng vào, chia ăn 2 lần trong ngày.
Công dụng: trị vị nhiệt, đau răng, viêm họng, ho, đau đầu, cảm mạo.
Canh xương lợn nấu với rễ bồ hòn
Xương sống lợn 200g, rễ bồ hòn 30g, bột gia vị vừa đủ. Cho xương sống
lợn và rễ bồ hòn vào nồi, đổ 1.200ml nước đun cạn còn 400ml, cho gia
vị, chia ăn trong ngày.
Công dụng: thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, trị đau răng, sưng tấy chân răng.
Cháo đậu phụ thương nhĩ
1 bìa đậu phụ, thương nhĩ tử 25g, gạo lức 100g. Thương nhĩ tử bọc
trong túi vải rồi cho vào nồi cùng đậu phụ và gạo đã vo sạch nấu thành
cháo, chia ăn 2 lần trong ngày.
Công dụng: tản phong, khử thấp, thanh nhiệt, tiêu viêm, chấn thống, trị sâu răng.
Cháo huyền sâm với sinh, thục địa
Huyền sâm 15g, thục địa 15g, sinh địa 15g, gạo lức 100g. Cho 3 vị vào
nồi, đổ nước vừa đủ, đun kỹ rồi đổ gạo đã vo sạch vào nấu cháo, chia ăn
2 – 3 lần trong ngày.
Công dụng: bổ âm, bổ thận sinh tân, nhuận táo lương huyết, giải độc, trị sâu răng.
Răng lợi chảy máu
Cháo chi tử, ngẫu tiết
Chi tử 10g, ngẫu tiết 15g (đốt ngó sen), thạch cao sống 15g, gạo lức
100g. Cho thạch cao sống vào nước đun 30 phút rồi cho dành dành và đốt
ngó sen vào nấu thành cháo, gạn bỏ bã lấy nước, đổ gạo đã vo sạch vào
nấu cháo. Ngày ăn 1 lần, liền trong 7 ngày.
Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết, trị lợi sưng tấy do tràng vị tích nhiệt.
Bì lợn nấu táo tàu
Bì lợn 500g, táo tàu 250g, đường phèn 250g. Bì lợn làm sạch, thái
miếng, cho vào nồi đất, đổ nước vừa đủ, đun to lửa 15 phút rồi chuyển
đun nhỏ lửa trong 2 giờ. Táo rửa sạch, luộc nước sôi 15 phút rồi đun nhỏ
lửa 1 – 2 giờ, đem nhập cả 2 vào đun tiếp. Khi thấy bì lợn chín nhừ thì
cho đường phèn vào trộn đều là được, chia ăn 2 – 3 lần trong ngày.
Công dụng: ích khí bổ âm, dưỡng huyết cầm máu, trị khí âm bất túc chảy máu chân răng, bệnh máu không đông.
Cháo dấm, ngọc trúc
Ngọc trúc 15g, gạo lức 100g, dấm gạo vừa đủ. Cho nước vào ngọc trúc
nấu kỹ rồi bỏ bã, đổ gạo đã vo sạch vào nấu cháo, chia ăn 2 lần trong
ngày.
Công dụng: bổ âm, nhuận phế, sinh tân dịch, mạnh dạ dày, trị chảy máu chân răng lâu ngày không khỏi do vị âm hư suy.
Cháo hoa hiên, sinh địa
Rau hoa hiên 60g, sinh địa 15g, đốt ngó sen tươi 30g, gạo lức 100g.
Cho 3 vị trên vào nồi, đổ nước đun kỹ, lọc lấy nước rồi cho gạo đã vo
sạch vào nấu cháo, chia ăn ngày 2 lần.
Công dụng: thanh nhiệt, chỉ huyết, giải độc tiêu viêm, trị răng lung lay chảy máu, nhức đầu ù tai.
Cháo hà thủ ô với vỏ áo hạt lạc
Hà thủ ô 15g, vỏ áo lạc nhân 3g, gạo lức 60g. Hà thủ ô cho vào nước
ngâm mềm rồi ninh lấy nước thuốc, đổ gạo và vỏ áo lạc nhân, thêm nước
vừa đủ nấu cháo, chia ăn trong ngày, liên tục 4 – 5 ngày.
Công dụng: trị thận âm suy tổn, hỏa hư bốc lên làm răng lợi chảy máu.
Theo Trang Phạm - Gia đình Việt Nam