Khách đến chơi nhà, chỉ cần tay lưới, ra hầm nuôi cá, hai người nắm hai đầu kéo cá lên, không thì cái nôm cũng dễ dàng bắt được chúng.
Không biết tự bao giờ, người miền Tây Nam bộ rất thích ăn canh chua, cá kho với cơm gạo mới. Hầu như bất cứ thời gian nào, có được con cá từ giăng lưới, cắm câu hay đặt lọp, đặt nò là người ta đều có thể làm hai thứ này cho bữa cơm. Và cũng chính vì thế, ở miền Tây Nam bộ có đến hàng mấy chục loại canh chua khác nhau. Khác từ rau dùng để để nấu: canh chua bông so đũa, canh chua bông súng, canh chua bông điên điển, canh chua dưa cải, canh chua bắp cải, giá đậu. Khác về các chất làm chua: canh chua me, canh chua cơm mẻ, canh chua trứng kiến, canh chua khế. Và tất nhiên cũng khác về các loại thủy sản nấu kèm: canh chua cá lóc, canh chua lươn, canh chua cá ngát, canh chua cá ba sa, canh chua cá vồ.
Tô canh chua cá vồ
Cá vồ trong bữa ăn người miền Tây Nam bộ
Tập quán cư trú của người dân miền Tây thường có các ao đìa quanh nhà. Rảnh rang, người ta tranh thủ thả xuống các ao đìa ấy cá loại như cá vồ, cá phi, cá bống vừa nuôi, vừa như để rọng sẵn, phòng khi thắt ngặt hoặc có khách tới thăm bất thường thì khỏi tốn nhiều công tìm kiếm mồi nhậu.
Ngày trước, gắn liền với hầm nuôi cá vồ là cầu vệ sinh gia đình. Sau này, để đảm bảo sức khỏe, người ta nuôi cá vồ bằng trái bình bát chín hay các loại thức ăn bán sẵn ngoài thị trường.
Muốn ăn cá vồ, chỉ cần tay lưới, ra hầm nuôi, hai người nắm hai đầu kéo cá lên, không thì cái nôm cũng dễ dàng bắt được chúng. Cá vồ thuộc loại cá da trơn, họ hàng gần với cá ba sa, cá lăng, cá chốt. Cá vồ nuôi hầm cỡ trên ký lô là ăn thịt ngon lành.
Bắt cá vồ lên, ngâm qua nước giấm chua, hoặc trụn sơ bằng nước sôi cho sạch nhớt. Mổ bỏ đồ lòng, chỉ giữ gan, rửa sạch, khứa từng khúc rồi chờ cá ráo nước. Chọn mấy khúc giữa của con cá đem ướp nước màu, nước mắm ngon, bột ngọt, tiêu xay, hành lá, ớt xắt nhuyễn, để cá thấm.
Bông súng, rau ngổ cũng hái từ vườn nhà, sang hơn thì có thêm vài trái đậu bắp, khóm. Bắc xoong nước sôi, cho ít cơm mẻ vào, vớt bỏ cái. Thả phần đầu, đuôi cá vồ vào nấu. Nước sôi lại, vớt bọt, nêm nếm vừa ăn rồi trút các thứ rau đã chuẩn bị sẵn vào. Vừa chín, nhắc xoong xuống, nêm thêm ít ngò gai là được. Khi ấy, người ta lại bắc nồi đất kho cá. Cá săn lại đỏ au. Nồi cơm gạo mới còn nghi ngút khói dọn ra. Bữa cơm gia đình chỉ đơn giản có vậy, nhưng đậm đà, ngon miệng lại không thiếu chất bồi bổ, nó giúp con người tái sinh năng lượng để cấy, cày, trồng tỉa.
Nét văn hóa dân dã, giỏi tận dụng in đậm dấu ấn thời tự túc, tự cấp dường như còn vấn vương đâu đó qua thói quen ăn uống này.