Những nhà vệ sinh “dát vàng” ở trường quê

UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa khởi công khu vệ sinh Trường Tiểu học số 1 Hương Thọ với kết cấu nhà cấp 4, diện tích 70m2, mái tôn, vách gạch, dầm bê tông cốt thép, quét vôi, nhưng có giá trị đầu tư gần nửa tỷ đồng.

0
Những người rành xây dựng tính nhẩm có thể biết được số tiền thực để xây 70m2 nhà vệ sinh cấp 4 có giá bao nhiêu.

Tại Quảng Bình, UBND xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa chi 300 triệu đồng để xây dựng một khu nhà vệ sinh cho Trạm Y tế xã. Trong lúc bên cạnh, nhà vệ sinh cũ vẫn sử dụng bình thường. 
Bên ngoài khu nhà vệ sinh của THCS Long Hiệp, Quảng Ngãi. Ảnh: NLĐ
Đây là khu nhà vệ sinh “VIP”, bởi vì, theo như ông Lê Văn Tấn - Trạm trưởng trạm Y tế xã Tiến Hóa: “Khu nhà vệ sinh này chỉ dành cho cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sử dụng nên khi người bệnh vào đây chúng tôi sẽ phát chìa khóa riêng cho từng người nhằm bảo vệ tài sản công”.

Trước đó, dư luận “sốc” bởi thông tin Trường THCS Long Hiệp ở huyện miền núi Minh Long của tỉnh Quảng Ngãi xây nhà vệ sinh 29m2 với giá 600 triệu đồng. Nhìn những thiết bị của nhà vệ sinh, giới xây dựng bấm ngón tay cũng tính được giá trị của nó, tính luôn cả tiền vận chuyển vật tư xa xôi cách trở, hết ga hết số cũng chỉ bằng 1/3 của con số 600 triệu đồng.

Còn nhiều khu nhà vệ sinh giá trên trời mọc lên khắp các vùng thôn quê. Riêng tại Quảng Ngãi, có 24 công trình nhà vệ sinh thuộc Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai với kinh phí xây dựng cao nhất là 749 triệu đồng, thấp nhất là 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, quan sát những kết cấu xây dựng và thiết bị của các nhà vệ sinh này, ai cũng phải bật ngửa vì sự vô lý của số tiền đầu tư.

Người dân nông thôn rất cần những điều kiện sinh hoạt văn minh và nhà vệ sinh công cộng là một trong những tiêu chuẩn cần thiết. Đối với các trường học, nhà vệ sinh sạch sẽ không chỉ phục vụ tốt cho cho các em mà còn là sự giáo dục về ý thức vệ sinh. Bởi vì nhiều nơi, học sinh còn đi tiêu, đi tiểu bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường và hình thành thói quen xấu về sau.

Tuy nhiên, không thể lợi dụng các chương trình vệ sinh, nước sạch để xây dựng nhà vệ sinh vô tội vạ, chi tiêu hoang phí tiền bạc, chưa kể có dấu hiệu sai phạm, tiêu cực. Nông thôn còn nghèo, thiếu thốn trăm bề, trường học, trạm xá chưa được trang bị đầy đủ. Vậy thì, số tiền bỏ ra xây dựng các khu nhà vệ sinh phải được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp. 

Ở những nơi mà người dân còn thiếu ăn, thiếu mặc, lẽ nào lại đi xây một công trình vệ sinh cả nửa tỷ đồng rất vô lối và vô lý. Làm như vậy chẳng khác gì chọc giận dân chúng. 

Nguồn Dân Việt

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]