Song song nỗ lực giảm nợ xấu, cả hệ thống ngân hàng đang cố gắng xây dựng hệ thống quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế. Quan điểm của bà về việc này như thế nào?

Việc nợ xấu tăng cao trong thời gian qua không chỉ xuất phát từ lý do khách quan là sự suy thoái kinh tế, mà phần lớn là những nguyên nhân nội tại mang tính hệ thống: thứ nhất, vấn đề sở hữu chéo dẫn đến các khoản cho vay “nội bộ” khó có thể thu hồi trong trung hạn; thứ hai, các khoản cho vay các DNNN và thứ ba là các nguyên nhân từ hệ thống quản lý rủi ro còn nhiều yếu kém của các ngân hàng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống quản lý rủi ro. Trong khi nỗ lực phải giải quyết các khoản nợ xấu từ hoạt động cho vay trong quá khứ, các ngân hàng bắt đầu chuẩn bị các bước dài hơi hơn nhằm xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến, nhằm phòng ngừa rủi ro và giảm nợ xấu trong tương lai, thay vì phải giải quyết “sự đã rồi”.

Mặc dù vậy, xây dựng được một hệ thống quản lý rủi ro tốt là không dễ dàng và đòi hỏi nhiều thời gian. Nhiều ngân hàng vẫn đang loay hoay tìm cách triển khai xây dựng hệ thống mới. Một số ít đã tìm được hướng đi, nhưng các điều kiện chưa sẵn sàng. Một số khác thì gặp cản trở từ các nhân sự cũ, không muốn thay đổi. Theo đó, vai trò định hướng của các cơ quan quản lý là đặc biệt quan trọng. Cần phải tạo môi trường khuyến khích các nhân tố đi đầu mang tính dẫn dắt thị trường; đồng thời, có chế tài đủ mạnh để bắt buộc các ngân hàng phải tuân theo với một lộ trình rõ ràng, minh bạch.

Vậy các ngân hàng cần chuẩn bị những gì và nên bắt đầu từ đâu, thưa bà?

Các ngân hàng cần đánh giá mức độ sẵn sàng của chính mình, xây dựng một lộ trình triển khai phù hợp. Các yếu tố cần có trong quá trình này bao gồm: i) Định hướng chiến lược từ HĐQT và Ban lãnh đạo ngân hàng; ii) Cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro phù hợp, với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; iii) Các công cụ quản lý rủi ro phải được xây dựng, từ việc nhận diện, đo lường, đến theo dõi và báo cáo rủi ro; (iv) Đầu tư phát triển hệ thống công nghệ phù hợp.

Trong quản lý rủi ro hiện đại, các quyết định đưa ra không thể chỉ dựa vào các đánh giá định tính, mang nhiều ý chí chủ quan như trước đây. Các phân tích về danh mục ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các quyết định liên quan đến quản lý rủi ro của ngân hàng. Để đạt đến trình độ này, các ngân hàng cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro từ ngày hôm nay, thậm chí là phục dựng lại dữ liệu quá khứ để đẩy nhanh tiến trình. Đây là việc đầu tiên các ngân hàng nên làm trong thời điểm hiện nay.

Việc triển khai tuân thủ Basel II và quản lý rủi ro có liên hệ với nhau như thế nào, theo bà?

Trong khi các ngân hàng đều xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thì cần phải có một thước đo chung để so sánh một cách tương đối, đó chính là Basel II. Đối với các ngân hàng Việt Nam hiện nay, đó là đích đến cho các ngân hàng, nếu xét trên phương diện tiêu chuẩn về an toàn trong hoạt động. Một ngân hàng tuân thủ Basel II cũng đồng nghĩa với việc có một hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến, hiện đại.

Khi ngân hàng hoạt động trên thị trường quốc tế, nếu các nhà đầu tư, người gửi tiền muốn biết về mức độ an toàn của ngân hàng, thì câu hỏi mà ngân hàng phải trả lời là: “Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng là bao nhiêu và tính theo tiêu chuẩn nào?”

Bà có thể nói rõ hơn về các lợi ích mà ngân hàng có được khi triển khai Basel II?

Thứ nhất, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu. Quy trình tiếp xúc, theo dõi, quản lý khách hàng sẽ được hỗ trợ bởi các công cụ đo lường, giám sát rủi ro có khả năng phân biệt khách hàng tốt/xấu cao. Basel II không chỉ yêu cầu quản lý rủi ro tín dụng cho từng khoản vay riêng lẻ, mà còn có khả năng lượng hóa rủi ro trên cấp độ danh mục. Ngoài ra, các yêu cầu về quản lý rủi ro hoạt động sẽ giúp giảm thiểu rủi ro do quy trình, con người, hệ thống công nghệ và các sự kiện bên ngoài.

Thứ hai, ứng dụng quản lý rủi ro vào trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hoạt động quản lý rủi ro không còn chỉ là gánh nặng chi phí cho ngân hàng, mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ví dụ, định giá trên cơ sở rủi ro, đo lường hiệu quả hoạt động trên cơ sở rủi ro, tối ưu hóa danh mục, phát triển ngân hàng bán lẻ...

Thứ ba, khi ngân hàng muốn hoạt động trên thị trường quốc tế, tuân thủ Basel II là điều không thể thiếu. Các nhà đầu tư quốc tế, khách hàng ở các thị trường khác sẽ coi đây là các tiêu chí cơ bản trong hoạt động quản lý rủi ro của ngân hàng để quyết định đầu tư, gửi tiền…

Vậy chi phí để có được “tuân thủ Basel II” là gì?

Các chi phí để triển khai tuân thủ Basel II bao gồm hai loại: chi phí xây dựng khung quản lý rủi ro, bao gồm chính sách, quy trình, các công cụ đo lường, theo dõi, báo cáo và chi phí mua sắm cho hệ thống công nghệ thông tin. Theo ước tính của chúng tôi, các chi phí loại thứ nhất vào khoảng 5 - 10 triệu USD, tùy theo quy mô của ngân hàng. Loại chi phí thứ hai có thể lên đến 50 triệu USD, tùy theo mức độ phát triển của hệ thống công nghệ thông tin hiện tại trong ngân hàng.

Trong quá trình triển khai Basel II, NHNN có vai trò như thế nào?

Không có một tiêu chuẩn Basel II áp dụng chung cho tất cả các nước. Basel II đưa ra các chỉ dẫn, phương pháp tính toán, còn dữ liệu, đặc thù về con người, khẩu vị rủi ro của ngân hàng và danh mục tài sản mà các ngân hàng đang nắm giữ lại rất khác nhau và đó là yếu tố của quốc gia sở tại. Mỗi nước sẽ có các tùy chỉnh riêng cho phù hợp với đặc thù của quốc gia đó. Cơ quan quản lý sẽ đưa ra các quy định, hướng dẫn về triển khai Basel II cho các ngân hàng. Đồng thời, cơ quan này thực hiện việc phê chuẩn ngân hàng nào sẽ được coi là “tuân thủ Basel II”.

Trong bối cảnh hiện nay, để các ngân hàng có một định hướng thống nhất, NHNN cần thông báo về định hướng chung để các ngân hàng được biết. Sau đó, trong quá trình triển khai, một nhóm làm việc bao gồm các thành viên của NHNN và đại diện của các ngân hàng phải được thành lập để trao đổi về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai.

Basel I, II hay III đều có ý nghĩa và tầm quan trọng riêng có của nó. Quan trọng nhất là sự khởi đầu. Tôi tin rằng, với quyết tâm của bản thân các ngân hàng, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý, việc áp dụng Basel II tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa.

Hồng Dung