QK4: Chuyện lạ thời "em" hơn "anh"

Trong khi Thể Công đang là đội bóng có thành tích tốt nhất ở giải VĐQG từ năm 1980 trở lại đây (5 lần vô địch), Sông Lam cũng đã 2 lần ẵm Cup, thì QK4 là nhân vật mới toanh của V-League 2009. Nhưng đội tân binh ở thành Vinh ấy đang khiến các CĐV xứ Nghệ ngây ngất. Vào thời điểm này, với các fan thành Vinh, chuyện của QK4 thậm chí đang còn được quan tâm nhiều hơn Sông Lam. Phong cách chơi "máu lửa" của cầu thủ QK4 gợi cho người hâm mộ xứ Nghệ hình ảnh của Sông Lam những năm cuối thập niên 90, còn cách đá "biết mình, biết người" với tinh thần, ý chí và kỷ luật của người lính khiến nhiều người kết "chất quân khu" ở đội bóng có "ông bầu" Đoàn Sinh Hưởng.

15.6032
(TT&VH Cuối tuần) - Không phải các "đại gia", không phải các ngôi sao nổi đình nổi đám ở V-League 2009 mà cái tên ấn tượng nhất đang thuộc về QK4. Đội bóng nhà nghèo của thầy trò HLV Vũ Quang Bảo đang tạo ra những câu chuyện không giống ai vào thời buổi thi đấu giải chuyên nghiệp là phải chi "tiền tấn".
 
>
>
 
Ngẩng cao đầu

Xét về vai vế, truyền thống, thành tích, QK4 chỉ được xem là "em út" so với ông anh Thể Công trong bóng đá Quân đội và tương tự là "người hàng xóm" Sông Lam cùng đóng quân trên địa bàn thành Vinh. Ở Nghệ An trước kia, cầu thủ QK4 không được biết đến nhiều khi các quân nhân đá bóng ở thành phố Vinh ấy chỉ được biết tên, biết mặt trong khuôn viên đại bản doanh của QK4, chứ trên sân cỏ họ khó nhận được sự quan tâm của người hâm mộ thành Vinh như với nhiều cầu thủ lò Sông Lam.
 
Trước mùa 2009, ngay cả cái sân tập, hay sân thi đấu thì thầy trò ông Bảo cũng không dám nghĩ nhiều đến ngày họ được chơi trên sân nhà với mặt cỏ như ở sân Vinh, chứ đừng nói đến nhiều "sân xịn" ở các địa phương khác. Còn nếu sánh với Thể Công thì các học trò của HLV Vũ Quang Bảo cũng không thể mơ "đứng ngang hàng" với các cầu thủ ở Trung ương. Nhưng nay ở cuộc chơi V-League 2009, ông em QK4 đang qua mặt cả hai ông anh Thể Công, SLNA để ngẩng cao đầu đứng trong tốp 3 bảng xếp hạng và khiến cả làng "giật mình". Tuy nhiên, khi nói về chuyện QK4, chuyện Thể Công và SLNA, ông Bảo luôn nhấn mạnh từng chữ: "Với chúng tôi, Thể Công là đàn anh trong quân đội, còn Sông Lam là láng giềng. Dù thứ hạng có như thế nào thì họ vẫn là đàn anh của QK4. Chúng tôi còn phải học hỏi Thể Công, SLNA rất nhiều".
 
Cầu thủ QK4 (áo vàng) đang là hiện tượng ở đầu mùa 2009 - Ảnh D.A

Lính mới, đá khỏe, thành tích tốt, nhưng trong cách nghĩ của thầy trò ông Bảo thì họ chỉ được vui chốc lát sau 90 phút trên sân, để rồi vẫn luôn nhận diện rõ "mình là ai". Gặp ông Bảo sau trận thắng HA.GL, sau những cái bắt tay chia sẻ niềm vui, HLV của QK4 vẫn khẳng định dứt khoát: "Chúng tôi vui, nhưng không được phép tự mãn, không thể xem thường bất cứ đội nào, dù QK4 tạm thời đứng trên họ. Nếu bất cứ cầu thủ nào của QK4 có thái độ như thế sẽ là sai lầm".

Không đá bóng kiểu điền kinh

Cầu thủ QK4 bình thường ngày tập không dưới 6 tiếng, rèn luyện đều đặn cả ngày mưa, lẫn ngày nắng nên quân ông Bảo "khỏe như voi" ở V-League 2009. Các ngoại binh Lazaro, Moses, Mota, vốn về thể hình, thể lực đã hơn hẳn cầu thủ VN, đến tập ở QK4 có thêm môi trường "quân lệnh như sơn" nên họ khỏe lại càng thêm khỏe. Nhiều trận đấu, cầu thủ các đội đại gia đã phải nếm trái đắng khi bị các đồng nghiệp QK4 cho "ngửi khỏi" trong các cuộc đua tốc độ, hoặc các pha tranh chấp tay đôi. Quân các đội khác, chạy vài lần liên tục quãng đường nửa sân thi đấu là bắt đầu thở dốc, còn các cầu thủ thủ QK4 chạy từ phần sân nhà sang sân đối phương "như đi chợ" thì vẫn cày khỏe từ đầu đến cuối trận.
 

 
Tư lệnh QK4 Đoàn Sinh Hưởng sát cánh cùng đội nhà ở các trận V-League 2009 - Ảnh Đại Nghĩa

Cầu thủ QK4 thể lực tốt được xem là yếu tố đầu tiên để HLV Vũ Quang Bảo tính đường dụng binh khi vào trận. Ông Bảo tự hào về sức khỏe của quân nhà, nhưng nhà cầm quân của QK4 không lấy cách chơi bóng theo kiểu dân điền kinh để dàn trận với đối phương. Nhắc đến chuyện thể lực của QK4, HLV Vũ Quang Bảo sôi nổi ngay: "Cầu thủ QK4 khỏe, chạy nhiều, nhưng là chạy có ý đồ. Thể lực cầu thủ QK4 tốt, các đội khác thèm mà không dễ để họ làm được, bởi tôi biết nhiều đội khác muốn nâng khối lượng nhưng không làm nổi. Nếu bảo chúng tôi cứ chạy loạn trên sân rồi chụp giật ghi được bàn thì tôi thà lấy dân điền kinh vào đá còn hơn. Chúng tôi không đá bóng kiểu điền kinh mà chơi có tính toán hẳn hoi. Tất nhiên khi cầu thủ QK4 di chuyển nhiều, đối phương theo không kịp sẽ lộ ra khoảng trống. Hay như khi cầu thủ đội khác muốn chạy nhiều, có thể họ theo được chúng tôi 20 phút, 50, 60 phút, nhưng đến phút 70-80 thì chưa chắc. Làm được điều đó không đơn giản, bởi QK4 đã phải rèn luyện rất nhiều".

12 = 0?

Có trong tay 12 điểm, chễm chệ đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng và với cách chơi "rực lửa" như những trận vừa qua, QK4 đang hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo nên những bất ngờ khác ở V-League 2009. Nhưng trong tính toán của "tướng" Bảo, thứ hạng của QK4 sau vòng 7 cũng không khác vị trí của đội... trước vòng 1.

"Thành tích hiện nay chưa nói lên điều gì, 12 điểm trong tay QK4 chưa thể đảm bảo cái gì chắc chắn cả. Phải chờ đến sau vòng 26, khi nào QK4 trụ hạng được thì lúc ấy mới nói chuyện, còn giờ đây chúng tôi được lệnh phải chơi 19 trận còn lại như 19 trận chung kết. Ngay sau trận thắng HA.GL, họp đội, chúng tôi đã chỉ đạo các cầu thủ phải quên ngay chiến thắng ấy đi. Thắng trận nào, rút kinh nghiệm xong, cầu thủ chúng tôi phải quên ngay trận đó, xem như mình phải bắt đầu từ số 0 để tập trung hết sức cho trận tiếp. Chỉ có làm như vậy, cầu thủ QK4 mới chơi tốt từng trận để trụ hạng", ông Bảo phân tích rành mạch.

Đội bóng lên chuyên, thành tích theo chiều hướng đi lên, QK4 cũng nhận được những sự động viên kịp thời từ Bộ tư lệnh Quân khu. Đi thi đấu xa, cầu thủ QK4 được di chuyển bằng máy bay. HLV Vũ Quang Bảo và lãnh đạo đội bóng cũng không còn quá canh cánh trong lòng chuyện cân đo túi tiền để chi mức ăn như thế nào cho quân nhà với mức tiền ăn được duyệt là 80.000 đồng/ngày (chế độ dành cho VĐV thể thao Quân đội). Lãnh đạo QK4 đã bật đèn xanh "ở đâu ăn chi phí đắt đỏ thì điện về báo cáo, Quân khu sẽ cho thêm", nhưng đến nay ông Bảo chưa phải tận dụng đến sự ưu ái này.

Chuẩn bị bước sang mùa nóng, đội trưởng Thanh Vân và đồng đội đã nhận được chỉ đạo "sẽ lắp điều hòa trong phòng ở cho anh em" của tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng. Mùa gió Lào 2009 sắp đến, thầy trò ông Bảo không còn bị "thiêu" trong những căn phòng nóng nực, mà ngược lại họ đang muốn "cháy" hết mình cho cuộc chiến trụ hạng vẫn còn nóng bỏng phía trước.

"Đổi đời" nhờ lên chuyên

Với chế độ lương thưởng được cải thiện, các cầu thủ QK4 hiện đã có chế độ đãi ngộ thuộc diện mơ ước so với họ trước kia. Đá V-League 2009, các cầu thủ sỹ quan (cấp bậc trung úy, thiếu úy) nhận cả tiền hỗ trợ (nhờ tài trợ) và lương quân đội được tổng cộng xấp xỉ 8 triệu đồng, còn các cầu thủ có cấp bậc thấp nhất (hạ sỹ) cũng nhận được chế độ khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Nhưng cuộc "đổi đời" lớn nhất với nhiều quân nhân đá bóng ở QK4 không chỉ là tiền lương mà nhờ thành tích thăng hạng V-League, họ đã được thăng quân hàm ngay sau mùa giải 2008.
Hạ Anh – Nguyên Phong
Ý kiến độc giả (0)
Xem thêm
Gửi ý kiến
Chọn avatar
Họ tên*
Email*
Tin khác
  • Nóng bỏng derby miền Trung: SHB.ĐN mơ cú đúp, K.KH máu vô địch  (03/04/2009 01:30)

  • Người ngoại đạo  (03/04/2009 01:01)

  • Chạy lũ  (03/04/2009 12:10)

  • TĐCS.ĐT: Chọn đối thủ mà… chơi   (03/04/2009 11:30)

  • Lilama tài trợ cho SLNA: Như chuyện Cá tháng Tư!  (03/04/2009 09:34)

Video

Truy cập nhanh
Bình luận mới nhất
  • Trong bài:
  • Trong bài:
  • Trong bài:
  • Trong bài:
  • Trong bài:

Tin Audio TTXVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]