'Quên mình cứu bạn' sai cách dễ khiến trẻ gặp họa

15.5855

Thông tin cậu bé Trần Văn Nguyên (Quảng Ngãi) tử vong sau 3 lần cứu bạn khiến nhiều độc giả tiếc thương, khâm phục, nhưng cũng có phụ huynh lo ngại rằng các em nhỏ khác có thể gặp nguy hiểm nếu học tập hành động "quên mình cứu bạn" này.
> /

Thực tế, trước em Nguyên, từng có khá nhiều hoàn cảnh đau lòng như thế, khi các em không những không cứu được bạn rơi xuống nước, mà còn thiệt mạng.

Tháng 9/2007, em Phùng Văn Nhanh (Đà Nẵng) đã chết đuối sau khi cứu bạn. Hôm đó, Nhanh cùng nhóm bạn khoảng 10 người đi chơi ở bãi tắm gần nhà, bất ngờ một bạn trong nhóm bị nước cuốn ra xa. Nhanh lao xuống cứu được bạn nhưng sau đó đã kiệt sức, không bơi được đến bờ.

Một tháng trước đó, một cậu bé 11 tuổi ở Tuy An (Phú Yên) cũng chết đuối sau khi cứu hai em nhỏ khỏi hố nước sâu.

Trong khi đó, nếu biết dùng cách khôn khéo, các em có thể cứu được bạn mà vẫn bảo vệ được mình, như trường hợp  cậu bé 12 tuổi ở THCS Đăk Mar cuối năm 2006. Hôm đó 4 nữ sinh lớp 6 THCS Đăk Mar, rủ nhau ra hồ nước để tắm và tập bơi. Một lúc sau, một em kêu thất thanh, rồi chới với giữa hồ nước sâu. Thấy bạn lâm nạn, một em đưa tay ra kéo liền bị nhấn chìm luôn, một bạn khác cũng thiệt mạng khi muốn cứu bạn theo cách này. Khi đó, cậu bé Lê Đình Sơn cùng trường chạy đến khôn khéo lấy mấy chiếc áo mà các bạn gái còn để trên bờ nối thành dây rồi vứt ra cho Loan nắm, kéo vào bờ...

Mặc dù tận tình cứu chữa nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi không thể cứu được Nguyên. Cậu bé hôn mê sâu rồi ra đi mãi mãi ở tuổi 14. Ảnh: Trí Tín.

Chị Ngọc Mai (Từ Liêm, Hà Nội) có cậu con trai vừa vào lớp 7, xấp xỉ tuổi cháu Trần Văn Nguyên, cho biết, chị đã khóc khi đọc tin cậu bé mất vì khâm phục, đồng thời xót xa trước hành động và sự ra đi của em. Bên cạnh đó, chị Mai cũng thoáng lo sợ khi nghĩ tới việc con mình hay những đứa trẻ cùng tuổi sẽ học tập hành động này trong các tình huống nguy hiểm mà không biết cách tự bảo vệ bản thân

"Đây không phải là dạy trẻ cách suy nghĩ, toan tính thiệt hơn trước tính mạng đồng loại mà là giúp chúng biết kỹ năng, cách suy nghĩ để việc cứu người hay nhiều việc khác làm sao đem lại kết quả cao nhất", chị nói.

"Hôm đọc tin về bé Nguyên, mình đã giữ tờ báo lại, định mang về cho con xem, rồi hai mẹ con trò chuyện với nhau về tình huống này, hướng dẫn con những cách cứu bạn hiệu quả hơn, nhưng cứ mải việc nọ việc kia nên lại quên", chị Mai thổ lộ.

Trên một diễn đàn mạng thảo luận về chủ đề này, một thành viên cũng chia sẻ: "Thành thật mà nói, mình thấy em bé này thật sự là dũng cảm, nhưng hành động của em khiến bản thân em bị nguy hiểm thì đau lòng cho bố mẹ người thân của em lắm. Mình không ủng hộ việc trẻ con không lượng sức mình nhảy xuống nước để cứu người”.

Để không còn tai nạn đuối nước, người lớn không chỉ cần dạy trẻ bơi mà còn phải giúp các em nhận biết tình huống nguy hiểm và biết cách ứng phó tốt nhất. Ảnh: Minh Thùy.

Bà Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House cho biết, bản thân bà không bao giờ khuyến khích học sinh hay con mình làm điều này.

Theo bà, tất nhiên, như thế không có nghĩa là khuyến khích trẻ có thái độ vô cảm, thờ ơ với người xung quanh, mà là biết lựa chọn cách hiệu quả nhất mà không gây hại cho mình.

“Trẻ phải được học cách tự phòng vệ, bảo vệ mình trước và hiểu rằng khi mình có an toàn, có biết lo cho bản thân, mới có thể giúp đỡ người khác”, bà nói.

Nhà giáo dục cho rằng, điều đáng buồn nhất là hiện nay, hầu như không ở đâu trẻ được học các kỹ năng nhận biết nguy hiểm, bảo vệ bản thân cũng như ứng cứu khi cần thiết.

Tại trường cấp 1, các em chỉ được học một số bài đạo đức về những tấm gương “quên mình cứu bạn” mà không ai nói cho các em biết, làm sao có thể cứu bạn mà không “quên mình”, hay trong các tình huống nào thì nên làm gì, không nên làm gì. Bố mẹ cũng không để ý đến điều này nên vô tình cũng quên luôn.

Còn Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Eboi (Hà Nội) thì cho rằng Nguyên là một cậu bé dũng cảm nhưng trường hợp của em không nên làm gương cho các em khác. Chuyện cứu hộ, cứu đuối có nhiều cách và người lớn biết bơi còn rất nguy hiểm, huống hồ trẻ con sức yếu.

"Dù có biết bơi, nhưng trẻ con sức yếu, tai nạn sông nước khó lường. Người đang gặp nạn chấp chới dưới nước rất khỏe, họ túm cứng lại, phải có chuyên môn và được học bài bản mới cứu được, nếu không, rất nguy hiểm cho cả hai", ông nói.

Nhiều trẻ khi gặp tình huống như vậy theo bản năng là nhảy ùm xuống mà quên điều này có thể khiến cả hai gặp nguy. Ông cho rằng, trong tình huống này các em có thể gọi người tới cứu, hay tìm cách khác như quăng cây, dây, vật nổi cho người bị nạn.

Các trường hợp vừa qua là minh chứng rõ ràng cho thấy, ở trường, ở nhà, ở xã hội hiện nay, trẻ không được giáo dục, nhắc nhở là trong những tình huống đó nên làm thế nào. Ông cho rằng cần phải có chương trình dạy trẻ cả ở nhà lẫn ở trường, không phải dạy trẻ kỹ năng cứu người mà là dạy cách nhận biết tình huống để đối phó, để trẻ biết có thể làm cái này, không được làm cái kia không, và biết lượng sức mình.

Ông Tuấn cũng cho biết nhiều bố mẹ cứ lầm tưởng con mình biết bơi là không sợ chết đuối, nên cũng rầm rộ đăng ký cho con học bơi mà ít người nghĩ tới việc dạy con biết phòng chống chết đuối và xử trí khi mình hay người thân, bạn bè rơi vào tình huống này.

Theo một khảo sát của Vnexpress.net gần đây trên 600 người, cứ 10 người được hỏi thì có 6 người khẳng định họ dạy con cách tránh rủi ro hằng ngày, nhưng vẫn còn hơn 20% độc giả cho biết họ muốn dạy con điều này nhưng không biết phải dạy thế nào. Một số phụ huynh chỉ khi thấy con làm gì nguy hiểm thì mới mắng và nhắc nhở.

Ông Nguyễn Văn An, Cục phó Cục chăm sóc bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động cho biết, từ nhiều năm nay, Cục đã phối hợp với Vụ công tác học sinh sinh viên, Bộ giáo dục để triển khai các chương trình phòng chống chết đuối, nhưng chưa mang lại nhiều kết quả.

Hiện, chương trình bơi lội đã được đưa vào dạy thí điểm tại 11 trường phổ thông trong nước và tương lai, sẽ cố gắng đưa môn này trở thành môn chính khóa trong các trường. Ngoài ra, các đơn vị đã soạn thảo các tài liệu phòng chống tai nạn thương tích, hướng dẫn các em xử lý các tình huống khẩn cấp nhưng mới chỉ dạy tại một số trường của các hội như Hội phụ nữ, hội thanh niên, hội nông dân.

"Do thực tế còn thiếu giáo viên, thiếu bể bơi nên việc này vẫn còn hạn chế", ông An nói.

Về trường hợp không ít cháu vì cứu bạn đuối nước mà tử nạn, ông An cũng cho rằng, cần tôn vinh sự dũng cảm của các em, nhưng không nên khuyến khích việc này. "Bản thân sức khỏe, khả năng bơi lội của các em không đủ để cứu người, nên rất nguy hiểm", ông nói.

Minh Thùy

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]