Rầy xào kẹp lá bầu - món độc chiêu của mạ

(CPN) - Một con vật tưởng chừng chỉ là loài côn trùng gây hại cho cây trồng của bà con nông dân nhưng lại có thể trở thành món ăn ngon và đậm đà hương vị khi qua bàn tay chế biến của mạ.

0

Cứ vào độ cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch hằng năm mùa rầy lại bắt đầu và đến gần cuối tháng 4 thì kết thúc. Trong khoảng thời gian này, cơ thể loài rầy chưa hình thành máu nên có thể dùng để chế biến món ăn rất ngon lại khá bổ dưỡng.

Khi mặt trời vừa tắt, tôi cùng đám bạn quanh xóm tay mang theo những cành cây sầu đông hay phi lao cùng với chiếc vợt lưới và đèn pin chạy ra đồng phía những cồn đất cao có trồng nhiều cây xanh để bắt rầy. Bởi đặc tính của loài côn trùng này là sau khi từ dưới mặt đất chui ra chúng sẽ bay lên những cành cây hoặc gò đất để đậu. Vì thế chúng tôi cứ việc cắm các cành cây mang theo ở những vị trí thích hợp để đánh lừa chúng mắc bẫy, xong thì vội vàng rong đuổi khắp các cồn đất này đến cồn đất khác tìm rầy.

Cả một vùng đất hoang vu tưởng chừng chỉ chìm đắm sự tĩnh lặng khi đêm xuống ấy vậy mà giờ lại rộn vang tiếng bước chân và tiếng hò hét, cười nói của lũ trẻ. Nhiều khi tính tổng chặng đường mà chúng tôi đi qua cũng hơn chục cây số, ấy vậy mà chẳng đứa nào than mệt cả.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ chạy nhảy khắp mọi nẻo đường, chiếc vợt trống rổng giờ cũng đã chi chít rầy bò quanh. Chúng tôi trở về mà lòng đầy hồ hởi với thành quả thu hoạch được. Chặng đường dài như được rút ngắn hơn bởi những câu đố và tràng cười giòn tan của đám bạn.

 

Những nguyên liệu không thể thiếu của món rầy xào kẹp lá bầu

 

Rồi cũng như mọi lần, mạ lại làm món Rầy xào kẹp lá bầu cho chúng tôi với những nguyên liệu đi kèm là các loại cây nhà lá vườn sẵn có như tiêu xanh, ớt trái, củ nén.

Rầy sau khi đã vứt hết chân, cánh và đầu chỉ để lại phần thân, mạ cho vào nồi nước đang sôi luộc sơ qua cho sạch rồi vớt ra ra để ráo.

Thông thường để chế biến món rầy kẹp lá bầu người ta dùng dầu ăn để xào cho nhanh nhưng mạ tôi lại không làm như vậy, thay vào đó mạ lại sử dụng mỡ lợn. Mạ bảo rằng, dùng mỡ tuy hơi mất công nhưng xào sẽ ngon hơn, thịt rầy không những giòn và dai mà còn rất thấm tháp.

Mỡ rán đến lúc thành tóp thì mạ cho nén, tiêu tươi giã nhỏ cùng với ớt xanh vào phi ngả vàng. Sau lại cho rầy vào chiên tiếp rồi nêm thêm các gia vị cho ngấm. Đợi đến lúc tiếng xì xèo của mỡ kết hợp với gia vị cô lại sền sệt thì có thể tắt lửa, kết thúc việc nấu nướng.

Việc dùng ớt xanh và tiêu xanh theo như mạ nói sẽ làm cho món ăn thơm hơn, đồng thời vị cay nồng của chúng còn giúp khử mùi tanh của loài côn trùng này.

Nhìn những miếng tóp vàng giòn, điểm thêm một vài màu xanh của ớt lấp lánh càng khiến tôi mong ngóng giây phút được thưởng thức sản phẩm.

 

Loài rầy tưởng chỉ có hại nhưng qua bàn tay chế biến của mạ tôi nó trở nên ngon đáo để

 

Cuối cùng, giây phút chờ đợi cũng đến, ba hái vào một nắm lá bầu non rồi vo nhũng để ăn kèm. Gắp một phần thịt rầy đặt vào giữa lá bầu rồi cuộn lại và thưởng thức.

Vị béo của rầy đầu mùa, nhai vừa giòn lại dai và ngọt, thỉnh thoảng cắn trúng miếng tóp mỡ vàng giòn nghe thật thích. Mặc dù sau mỗi lần nhâm nhi món này, miệng cứ xuýt xoa vì độ cay của tiêu ớt nhưng chẳng mấy ai muốn gạt bỏ những nguyên liệu phụ kèm này cả.

Càng ăn món này nhiều lần tôi càng ngấm được lời nhận định của người dân quê mình, thịt rầy chỉ nên kẹp với lá bầu, và lá bầu trồng ra chỉ có thể ăn kèm với thịt rầy.

Những đêm trăng thanh gió mát, có món này nhâm nhi cùng với bát nước chè xanh thì cuộc đời chẳng có gì bằng.

 

 

Mặc dù bây giờ phải sống xa quê nhưng mỗi khi có dịp trở về thăm nhà vào đúng mùa rầy tôi đều cố gắng làm món này theo công thức bí truyền của mạ chỉ dạy để ăn cho thỏa nổi nhớ. Và rồi cảm giác như được sống lại những năm tháng tuổi thơ đầy ý nghĩa thuở thiếu thời.

(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]