Sa tạng chậu, căn bệnh phiền toái ở phụ nữ

(AloBacsi) - Tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, táo bón… là các rối loạn chức năng do chứng bệnh sa tạng chậu gây nên.

15.599

Do sự suy yếu của hệ thống nâng đỡ, treo giữ của hệ cơ, dây chằng màng trong chậu các cơ quan như trực tràng, tử cung, bàng quang, hậu môn,… nằm trong vùng chậu tụt xuống sa vào vùng âm đạo. Tình trạng này gây nên các rối loạn chức năng về tiết niệu, hậu môn trực tràng, phụ khoa.


Nguyên nhân của sự suy yếu này có thể là do bẩm sinh, táo bón, lão hóa, tiền sử sinh đẻ nhiều qua đường âm đạo, hoặc có trải qua các phẫu thuật vùng chậu (cắt tử cung, cắt trĩ). Tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân nhưng sa tạng chậu ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, không tự tin.

Hiện có gần 50% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 50 bị sa tạng vùng chậu. Số liệu trên vừa được công bố tại Hội thảo chuyên đề Phẫu thuật phục hồi sàn chậu - sử dụng mảnh ghép tổng hợp tổ chức tại BV phụ sản Từ Dũ, TPHCM.

Trước đây, người mắc phải chứng bệnh này thường được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu tập cơ sàn chậu, kích thích điện cơ (đối với bệnh nhân bị nhẹ) hoặc phẫu thuật đối với bệnh nhân nặng. Tuy nhiên phương pháp này trên thực tế kém hiệu quả vì tỷ lệ tái phát bệnh trên 30%.

Trong hơn 1 năm qua, BV Từ Dũ đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật phục hồi sản chậu - sử dụng mảnh ghép tổng hợp bằng phương pháp đa phẫu thuật kết hợp sử dụng mảnh ghép tổng hợp phục hồi sàn chậu như phục hồi thành trước và sau âm đạo, đặt TOT, nội soi cố định sàn chậu, phẫu thuật điều trị túi sa trực tràng, sa bàng quang...

Bệnh viện đã điều trị cho gần 130 bệnh nhân sa tạng chậu bằng phương pháp này, tỷ lệ thành công đạt gần 98%. Kết quả trên đang mở ra hướng mới giải thoát cho chị em phụ nữ khỏi chứng bệnh sa tạng chậu.

Minh Nguyệt

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]