Sắm đặc sản Tết vùng miền

Vài năm trở lại đây, mỗi dịp Tết đến, việc “săn” các loại đặc sản vùng miền trở thành “mốt” của nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội lẫn TP.HCM. Từ hàng “xách tay” tới các cửa hàng online đều rục rịch vào mùa làm ăn.

0

Hà Nội chuộng đồ đặc sản

Với quan niệm Tết là dịp đặc biệt để mời bạn bè đến nhà hay sum họp gia đình, các món ăn phải ngon, lạ, sạch, nên vài năm trở lại đây, người Hà Nội có phong trào “săn” món ăn đặc sản vùng miền cho dịp Tết. Ban đầu là những món đặc sản phổ biến như măng khô, miến, gạo… từ các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… Sau đó, tâm lý thích đặc sản ngày càng lan nhanh và nhu cầu lớn nên đặc sản độc đáo của mỗi địa phương đến gần tết lại hội tụ về Hà Nội, cả những đồ ăn ngon từ miền Trung, miền Nam hay Tây Nguyên.


Măng khô, lạp xưởng và các loại khô rất được ưa chuộng trong dịp tết - Ảnh: Hồng Minh

Một số mặt hàng đặc sản được ưa chuộng hiện nay có: măng le Tây nguyên, thịt bò khô Đà Nẵng, giò bê Nghệ An, tôm chua Huế, củ cải chua ngọt miền Tây, mắm cái (mắm nêm), bánh tét Sài Gòn, mứt dừa Bến Tre… Chị Hồng Nhung, nhà ở khu Xuân La (Xuân Đỉnh, Hà Nội) chia sẻ: “Từ vài năm nay, món ăn đặc sản vùng miền trở thành thực phẩm tết chính của gia đình tôi. Cứ khoảng một tháng trước tết là tôi đặt mua đủ thứ đặc sản từ gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái), măng le Tây nguyên, thịt trâu gác bếp… Có nhiều món lạ, các thành viên trong gia đình cảm thấy hào hứng, thích thú với các bữa ăn ngày tết hơn”.

Về giá cả, vì là hàng đặc sản nên so với những mặt hàng cùng chủng loại, giá thường cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp 2-3 lần. Chị Thùy Trang, chủ một shop chuyên bán hàng đặc sản miền trung tại ngõ 105 Bạch Mai cho biết, các mặt hàng đặc sản giá cao không phải là do hàng độc khó tìm mà do công vận chuyển, rồi tìm nguồn hàng, chọn lọc hàng phức tạp hơn so với hàng thông thường. “Ví dụ các loại măng khô hàng chợ là họ làm công nghiệp, còn hàng của mình phải đặt người làm thủ công, tỉ mẩn từ khi chọn măng tươi, phơi, sấy nên rất hao, việc bảo quản cũng phải theo quy trình riêng”, chị Trang giải thích.

Nhà nhà bán đặc sản

Nếu như một vài năm trước, mua hàng đặc sản phải nhờ vả rất vất vả, đôi khi công nhờ còn đắt gấp mấy lần tiền hàng thì bây giờ, với sự bùng nổ của việc bán hàng online, chỉ cần có người quen, quê ở những địa phương nhiều đặc sản, việc mua hàng đặc sản ngày càng trở nên dễ dàng, thậm chí giá cả còn hạ đi khá nhiều do sự cạnh tranh của người bán.

Quê ở Yên Bái, vào mỗi dịp Tết, chị Tố Ngân thường được bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng nhờ vả mua đồ đặc sản. Sau đó, được mọi người động viên, chị Ngân mở một gian hàng online chuyên bán đặc sản Yên Bái. “Mới đầu mình mở bán cho vui, đáp ứng nhu cầu của mọi người thích hàng độc, hàng sạch của địa phương. Sau thấy cũng có chút lãi nên có động lực tăng cường số lượng, mở rộng gian hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn”. Theo chị Ngân, muốn mua đặc sản ngon, giá rẻ thì khách hàng nên đặt trước từ sớm, khi đó, chị sẽ tổng hợp lại đơn hàng, đặt người làm sớm, giá sẽ thấp mà hàng lại ngon.

Ngoài ra, với những đặc sản miền trung, miền nam, ngoài việc mua online, thì trong các siêu thị lớn, siêu thị miền nam tại Hà Nội như Sài Gòn Co.op mart cũng là điểm lựa chọn của nhiều gia đình.

Theo tư vấn của chị Thùy Trang, người mua hàng đặc sản cũng cần cẩn thận vì với việc nhà nhà bán đặc sản, ở địa phương nào cũng “quảng cáo” mình có đặc sản ngon khiến thị trường “loạn”. Người mua phải tìm hiểu kỹ có thật hay không. Chẳng hạn ở miền trung và miền nam thì các loại măng khô sẽ ít hơn ở các vùng phía bắc; thịt bò khô giá mỗi cân không thể dưới 300 nghìn vì công làm, quy trình làm khá phức tạp.

TP.HCM: Hàng đặc sản rục rịch tăng giá 

Cũng giống như người Hà Nội, người dân Sài Gòn cũng rất “mê” đặc sản. “Ngày Tết, người Sài Gòn giờ không chỉ ăn bánh tét, lạp xưởng, khổ qua dồn thịt, thịt kho trứng, tôm khô củ kiệu mà còn có cả mắm tôm, khô nhái, khô rắn, khô chuột nướng từ đồng bằng sông Cửu Long... nên tôi không chỉ cung cấp hàng đặc sản cho quán nhậu mà còn bỏ mối cả cho các cửa hàng bán hàng Tết để họ phục vụ nhu cầu ăn Tết của người dân thành phố” – Ông Hai Minh – một thương lái chuyên buôn hàng đặc sản ở An Giang cho biết.

Cũng theo ông Hai Minh, khoảng 2 tháng nay, lượng cửa hàng đặc sản tăng mạnh, nên rất hút hàng. Hiện tại các loại như khô nhái còn giữ mức giá như bình thường, khoảng 400.000 – 450.000 đồng/kg, khô rắn 360.000 đồng/kg, lạp xưởng bò từ 120.000 đồng – 500.000 đồng/kg, rượu Phú Lễ giá khoảng 100.000 đồng/lít, bánh tét lá cẩm khoảng 90.000 đồng/cặp, bánh tét Trà Cuông khoảng 120.000 đồng/cặp, mứt dừa Bến Tre giá 200.000 đồng/kg… nhưng vài ngày nữa giá sẽ tăng lên từ 10-30% do chi phí vận chuyển tăng, hàng hút khách, không đủ cung ứng thị trường. Đặc biệt, theo ông Hai Minh, món khô nhái ngày càng được dân nhậu thành thị ưa chuộng vì món khô này là hàng “hương đồng cỏ nội” nên có thể tăng giá với mức cao hơn.

Tại chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình), nơi chuyên bán các đặc sản miền trung, những ngày qua cũng nhộn nhịp khách đến đặt hàng ăn lẫn biếu tặng dịp Tết như tré, chả Hội An, chả bò Đà Nẵng, bánh đậu xanh thịt Huế, mắm dưa, bánh tổ, bánh nổ, bánh nện, cá bống sông Trà…

Tại các cửa hàng chuyên bán đặc sản miền bắc trên đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu, siêu thị Hà Nội (Q.1)… đang sẵn sàng phục vụ hàng đặc sản miền bắc cho khách có nhu cầu. So với tháng trước, giá nhiều mặt hàng cao hơn khoảng 10%. Hiện cam canh được chào giá 90.000 đồng/kg, bưởi Diễn giá 100.000 đồng/quả, phật thủ giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, gà Tây bắc giòn da 180.000-200.000 đồng/kg, miến dong Bắc Kạn giá 60.000 đồng/kg, măng lưỡi lợn giá 350.000 đồng/kg, thịt trâu gác bếp giá 650.000 đồng/kg… Trong đó, các mặt hàng như cam canh, bưởi Diễn hay phật thủ, gà Tây bắc… được nhiều nơi bán cho biết sẽ tăng giá trong những ngày cận Tết. Khách đặt hàng ở thời điểm này đến cận Tết mới lấy cũng phải trả tiền trước.

Cũng giống như Hà Nội, nhiều siêu thị tại TP.HCM cũng bán đặc sản 3 miền để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, lượng hàng còn ít và chưa phong phú. Trên các trang mạng thì rất sôi động về hàng đặc sản ngày Tết, nhưng người mua cần chú ý mua hàng có xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tránh mua nhầm hàng “đặc sản” giả.

Cẩm Nhi – Hồng Minh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]