Sắp có vaccine phòng... mụn

Các nhà khoa học bắt đầu để mắt đến một lĩnh vực tuy không gây chết người nhưng lại cực kỳ đáng sợ với bất kỳ ai: mụn.

0

TIN LIÊN QUAN


Nếu các nhà khoa học thành công, bạn sẽ có thể tiêm vaccine để sở hữu một làn da mịn màng.
Hãng vaccine lớn nhất thế giới Sanofi-Pasteur vừa ký hợp đồng với Đại học California để phát triển một loại vaccine ngăn ngừa và điều trị mụn. Theo thống kê của Sanofi, có tới hơn 85% dân "teen" và trên 40 triệu người trưởng thành riêng tại Mỹ đang phải sống chung với mụn. Trong khi đó, con người vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị nào thực sự hiệu quả.

Giải thích về cơ chế xuất hiện mụn trên NewScientist, trưởng nhóm nghiên cứu Chun-Ming Huang cho biết, nhân mụn phát triển khi các tuyến bã dưới da bị tắc hoặc bịt kín. Do lượng oxy bên trong các lỗ chân lông giảm sút nên một số loại vi khuẩn tốt cũng trở nên "nổi loạn" . Chúng bắt đầu tiêu diệt các tế bào da để có thể xâm nhập vào máu. Hệ miễn dịch phản ứng lại bằng hiện tượng viêm tấy, "điều động" các tế bào bạch cầu và chất sát khuẩn đến "hiện trường" để chiến đấu với vi khuẩn. Kết quả cuối cùng là một nốt mụn xuất hiện trên da.

Thủ phạm chính trong nhóm vi khuẩn biến chất là Propionibacterium acnes (P.acnes) và các phương pháp trị mụn hiện hành đều tập trung tiêu diệt loại vi khuẩn này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Huang chỉ ra rằng mụn có thể chuyển thành bệnh kinh niên và việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài có thể gây kháng thuốc, nhờn thuốc. Chưa hết, các hoạt chất diệt khuẩn trong kháng sinh còn tiêu diệt cả vi khuẩn lành tính và hủy hoại làn da.

Một rào cản lớn của nghiên cứu mụn là việc thiếu các loài vật làm thí nghiệm, vì chuột và lợn guinea không mọc mụn. Phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Huang đã khắc phục bằng cách tiêm thẳng vi khuẩn P.acnes vào vùng da sau tai của chuột để kích viêm. Đến năm 2008, họ phát hiện ra rằng những con chuột được tiêm vaccines có chứa vi khuẩn P.acnes đã chết sẽ ít bị viêm tai hơn hẳn so với những con chuột khác.

"Như vậy là kháng thể của P.acnes có thể giúp giảm mụn. Tuy nhiên kháng thể này cũng tấn công cả "cộng đồng" vi khuẩn da lành tính khác - vốn có chức năng bảo vệ da khỏi sự xâm lăng của các vi khuẩn xấu. Nói cách khác, sử dụng kháng thể này là lợi bất cập hại", Tiến sĩ Huang giải thích.

Cuối cùng, nhóm của ông đã tìm thấy một loại gene có tên CAMP bên trong chuỗi DNA của P.acnes. Gene này được lập trình để tiêu diệt các tế bào chủ trong tuyến bã nhờn và gây ra viêm tấy. Và Huang đã quyết định sẽ phát triển kháng thể của riêng gene CAMP chứ không phải với toàn bộ P.acnes.

Kết quả đạt được rất khả quan: mức độ và tần suất viêm tấy của các con chuột thí nghiệm giảm hẳn trong khi vi khuẩn P.acnes và các vi khuẩn lành tính vô can đều không bị tàn sát.

Sanofi-Pasteur cho biết dự án sẽ tập trung vào việc ổn định tính chất của vaccine kháng CAMP, đủ để có thể thương mại hóa và bán ra thị trường. Tuy nhiên, ngân sách dành cho dự án không được tiết lộ.

Trọng Cầm

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]