Sơn tốt không che được gỗ xấu

Doanh nghiệp (DN) kỳ vọng nhiều vào sự hỗ trợ từ phía hội, nhưng “chiếc cầu nối” này lại ngày càng mờ nhạt trong việc thể hiện vai trò của mình. Đó là trường hợp của Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam (VPIA).

15.6182

Đọc E-paper

Năm 2011, ngành sơn tiêu thụ 331 triệu lít và 12.000 tấn
Bao bì “bắt chẹt” mực in

Theo VPIA, năm 2011, ngành sơn tiêu thụ 331 triệu lít và 12.000 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, lượng tiêu thụ sơn gỗ giảm 15%; sơn trang trí giảm 2%; sơn tàu biển và bảo vệ giảm 8%.

Những con số này cho thấy thực trạng của ngành năm vừa qua chẳng khá hơn so với các ngành nghề khác. Trước vấn đề này, các DN đã có dịp ngồi lại để cùng tìm hướng giải quyết.

Tại đây, đại diện các DN ngành in, sơn, hóa chất đã trao đổi, đồng thời cùng nhìn lại vai trò của Hội đối với DN, đã và chưa làm được gì trong thời gian qua.

Theo ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Hùng Vân, không chỉ các DN sản xuất sơn, mà cả DN trong lĩnh vực in, thiết bị, hóa chất cũng rơi vào khó khăn. Đặc thù của DN ngành in là phụ thuộc vào vòng quay giữa các DN nhập khẩu nguyên liệu, cung cấp màu; DN sản xuất mực in và DN sản xuất bao bì.

Vì thế, một khi gặp khó khăn, DN sản xuất bao bì sẽ quay lại “bắt chẹt” DN sản xuất mực in. Theo đó, DN sản xuất mực in lại trở đầu “chất vấn” DN cung cấp màu, phụ liệu, chủ yếu cũng để trì hoãn thời hạn thanh toán công nợ hoặc lấy lý do để được bồi thường.

“Trên thực tế, những vấn đề về lỗi kỹ thuật ở các trường hợp trên vẫn có thể bỏ qua, song các DN kiếm chuyện làm khó nhau cũng bởi họ không còn giải pháp nào tốt hơn để xử lý công nợ ở giai đoạn suy thoái hiện nay, một khi tài sản cũng đã cầm cố hết cho ngân hàng”, ông Hùng nói.

Các DN ngành sơn cũng không khá hơn, bởi cuộc đua về giá ở thị trường này cũng diễn ra khốc liệt không kém. Nhiều nhà sản xuất chọn giải pháp hạ giá thành phẩm, để sau đó cả kẻ thắng lẫn người thua đều chịu cảnh “chết chung”.

Ông Trần Ngọc Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Petrolimex Paints, chia sẻ, nếu DN cho khách hàng nợ lúc này, tức đang rơi vào cảnh rủi ro lớn nhất, do công trình xây dựng đang trì hoãn thi công rất nhiều. Nhiều dự án không có tiền mặt đã bàn tới phương án mua sơn và trả bằng căn hộ.

Do đó, hạch toán thì có lãi, nhưng chắc gì đã thu tiền được. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài, họ đang ngày càng chiếm lĩnh phần lớn thị trường sơn tại Việt Nam.

Kỳ vọng nhỏ, thất vọng lớn

Hiện tại, DN không chỉ khó ở việc cạnh tranh với đối thủ trong lẫn ngoài nước, mà chính sách thuế, quy chuẩn sản phẩm... cũng đang góp phần làm khó họ. Ông Bùi Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Đại Phú, cho biết, các DN sản xuất sơn bột đang phải nhập khẩu nguyên liệu.

Thế nhưng, biểu thuế nhập khẩu lại ghi đây là sơn bao phủ vi sinh, do đó phải chịu thuế nhập khẩu, trong khi mặt hàng sơn ở các nước trong khu vực ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam lại có thuế suất thuế nhập khẩu là 0%. Điều này đã làm cho mặt hàng sơn trong nước không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.

Đó là chưa kể việc áp mức quy chuẩn đối với sản phẩm sơn đã làm cho nhiều DN trong ngành mất cơ hội chen chân vào các dự án đấu thầu của nhiều công ty nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thiện Ái, Tổng giám đốc Công ty CP Sơn Tổng hợp Hà Nội, các tiêu chuẩn cho sản phẩm sơn mà các ban, ngành đã đưa ra đang vượt quá khả năng của các DN sản xuất. Việc quản lý tiêu chuẩn của sản phẩm sơn đang rất chồng chéo.

Nếu như sơn trang trí thì do Bộ Xây dựng quy định, còn sơn dùng cho tàu biển lại do Bộ Giao thông - Vận tải quy định. Từ đó, các DN rất khó khăn trong việc tuân thủ và thực hiện.

Thực tế, DN đã kỳ vọng khá nhiều vào “chiếc cầu nối” VPIA, từ vấn đề trên cho thấy, vai trò của VPIA đang còn khá “mờ nhạt” trong việc làm “cầu nối” giữa DN với các cơ quan quản lý. Để gỡ nút thắt từ hai phía, DN và Hiệp hội, ông Trần Ngọc Châu nói, Hiệp hội nên thảo luận phải làm gì để hỗ trợ hội viên thay vì thảo luận nhiều đến các vấn đề vỹ mô tại những buổi họp mặt Hiệp hội.

Theo đó, để đẩy mạnh hoạt động, Hiệp hội cần có cán bộ chuyên trách, chứ không phải kiêm nhiệm. Từ đó, không ai có thể đổ lỗi vì kiêm nhiệm nên chỉ làm được như thế.

Nhiều DN cũng yêu cầu Hiệp hội cung cấp số liệu công suất vận hành ngành sơn, mực in, hóa chất, thiết bị..., bởi vì DN đang gần như “mù tịt” về khía cạnh này. Còn Hiệp hội thì cũng chẳng khá hơn, do không có người thực hiện...

NAM AN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]