Năm nay, Bộ GD&ĐT không quy định việc xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mà các trường được quyền tự quyết định số đợt xét tuyển, miễn là kết thúc trước ngày 30-11. Như vậy, các trường được phép xét tuyển rất nhiều nguyện vọng bổ sung cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Lưu ý giấy chứng nhận kết quả thi

Năm nay, thí sinh (TS) được dùng bản chính hoặc bản sao có công chứng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, tùy từng trường sẽ cho phép TS nộp bản chính hoặc bản sao. TS cũng lưu ý, cần photocopy và công chứng giấy chứng nhận kết quả thi thành nhiều bản để rớt trường này thì còn nộp vào trường khác.

Hầu hết các trường công lập chỉ nhận bản chính giấy chứng nhận, trừ các trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ĐH An Giang, ĐH Bạc Liêu, ĐH Quảng Bình, ĐH Quảng Nam, ĐH Tiền Giang, ĐH Trà Vinh, ĐH Điện lực, ĐH Hồng Đức, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Tây Bắc, ĐH Y khoa Vinh chấp nhận bản sao có công chứng giấy chứng nhận kết quả thi. Riêng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chấp nhận bản sao giấy chứng nhận nhưng khi trúng tuyển TS phải nộp bản gốc giấy có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi.

Đối với các trường ĐH ngoài công lập, phần lớn sẽ kéo dài thời gian xét tuyển ra nhiều đợt, đến ngày 30-11, chấp nhận bản sao có công chứng giấy chứng nhận kết quả thi. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH ngoài công lập có chất lượng ổn định nhiều năm qua như ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Thăng Long… chỉ nhận hồ sơ đến cuối tháng 8 và chỉ nhận bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.

Thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ năm 2012 tại Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường khác. Ảnh: QUỐC DŨNG

Chú ý điều kiện riêng

Dù Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyển sinh trong cả nước nhưng khối H ngành thiết kế công nghiệp, thiết kế thời trang chỉ nhận xét tuyển TS thi tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Trường ĐH Văn Lang cũng chỉ xét tuyển khối V và H đối với những TS đã dự thi vào các trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Mỹ thuật công nghiệp.

Các trường ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Quảng Nam, ĐH Tiền Giang xét tuyển hệ CĐ ngoài điểm thi đối với TS thi đề ĐH còn chấp nhận những TS thi đề CĐ có điểm cao hơn điểm TS thi đề ĐH từ 1 đến 2 điểm.

PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết: “Các ngành ngoài sư phạm trình độ ĐH, CĐ tuyển TS có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh ĐBSCL. Còn các ngành sư phạm trình độ ĐH chỉ tuyển TS có hộ khẩu thường trú tại An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ; trình độ CĐ tuyển TS có hộ khẩu thường trú tại An Giang”.

Nhiều trường cho phép TS rút hồ sơ nhưng Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông yêu cầu thí sinh muốn rút hồ sơ phải làm đơn theo mẫu. Còn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM không cho rút hồ sơ và lệ phí trong thời gian xét tuyển. Trong khi đó, Trường ĐH Ngoại thương chỉ nhận hồ sơ trong bảy ngày, từ 23 đến 30-8. Sau khi công bố kết quả xét tuyển, TS không trúng tuyển có thể xin rút hồ sơ xét tuyển từ ngày 4 đến 7-9. TS trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho người khác đến trường để rút hồ sơ. Với điều kiện này, đây là trường duy nhất trong cả nước tạo điều kiện tối đa cho TS trong xét tuyển.

Ngoài thời hạn nộp và rút hồ sơ, TS lưu ý có trường không tổ chức thi khối A1 nhưng xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn có khối A1. Tuy nhiên, cũng có một số trường như ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên không tổ chức thi và cũng không xét tuyển TS thi khối A1. Trong quá trình nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, TS phải chú ý có nhiều trường có thời hạn nộp hồ sơ rất ngắn. Chẳng hạn Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đến ngày 23-8. Các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Dầu khí Việt Nam, ĐH Đà Lạt, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nhận đến ngày 25-8.

QUỐC DŨNG


Video đang được xem nhiều