Thời tiết thay đổi đột ngột: Người già ngã bệnh

GiadinhNet - Theo BS Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Lão khoa Trung ương, thời tiết biến đổi bất thường theo hướng khắc nghiệt như hiện nay khiến tình trạng bệnh lý của người cao tuổi nặng hơn do sức đề kháng kém.

0
>
 
Giường bệnh tăng 50%

BS. Trung Anh cũng cho hay: Nếu trong thời tiết bình thường, Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 200-250 bệnh nhân/ngày. Nhưng thời gian vừa qua do thời tiết thay đổi bất thường từ nóng gắt sang giá lạnh khiến lượng bệnh nhân đột ngột tăng cao, số giường bệnh có thời điểm tăng lên 50%.

Theo đó, những ngày thời tiết lạnh, các bệnh nhân bị bệnh tim mạch, xương khớp hoành hành mạnh hơn, đi kèm với các bệnh về hô hấp, phế quản, đột quỵ tăng lên. Nếu thời tiết nóng nực, các bệnh về tiêu chảy do nhiễm khuẩn thức ăn, đặc biệt là tình trạng say nắng, say nóng rất hay xảy ra đối với người cao tuổi.

Cũng theo BS Trung Anh, các bệnh nhân có bệnh mãn tính, nếu chủ quan hoặc không theo dõi định kỳ và đều đặn cũng là nguyên nhân khiến xuất hiện một số bệnh. Thời tiết nóng quá cũng có thể khiến huyết áp cao, dễ dẫn tới tai biến mạch máu não, đột quỵ hoặc các bệnh lý ở tim. Các bệnh lý về động mạch vành như nhồi máu cơ tim cũng vì thế tăng lên.

Một nguyên nhân nữa là do thời tiết xấu dễ khiến các cụ mệt mỏi, chán ăn, dẫn tới suy nhược cơ thể. Không ăn uống được kèm theo việc tiết mồ hôi, mất nước, mất điện giải khiến sức khỏe người già dễ suy sụp.
 
BS Nguyễn Văn Long (đang khám bệnh cho bệnh nhân): "Nhiễm lạnh đột ngột dễ gây đột quỵ ở người già".
(Ảnh: P.Thuận)

Đề phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp

BS Nguyễn Văn Long, Viện Lão khoa Trung ương cho biết thêm: Chắc chắn có nhiều bệnh phát sinh nếu thời tiết khắc nghiệt và nền nhiệt cao hơn. Nếu thời tiết lạnh, số bệnh nhân bị huyết áp và não sẽ tăng vọt, đây cũng là điều kiện khiến các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp tăng đột biến. Vì vậy, vào những thời điểm giao mùa như hiện nay, người cao tuổi cần lưu ý các bệnh về nhiễm siêu vi trùng (hô hấp, tiêu hoá). Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ huyết áp của mình.

Một thói quen rất tốt của người cao tuổi Việt Nam là tập thể dục vào buổi sáng. Tuy nhiên, BS Long khuyến cáo, đề phòng do nhiễm lạnh đột ngột khiến huyết áp tăng vọt gây đột qụy, nếu thức dậy sớm tập thể dục khi trời đang còn sương lạnh. Còn vào mùa hè, có người đi tập thể dục từ sớm nhưng lại về quá muộn, nắng gắt đã lên, nếu kết hợp với việc các cụ đã tập nhiều, mệt, đói, người vã mồ hôi thì có khả năng sẽ bị say nắng, say nóng.

Cũng theo BS Long, mỗi bệnh có một cách luyện tập khác nhau. Đi bộ với người bị huyết áp thì tốt nhưng lại phản khoa học đối với người bị thoái hoá khớp; hay người bị bệnh tim nhanh đi bộ buổi tối tốt hơn buổi sáng. Tốt nhất, người cao tuổi nên chọn những phố ít người qua lại, không khí trong lành, tập luyện đều đặn và nhẹ nhàng.

Đối với người từ 65 tuổi trở lên, cơ thể phản ứng chậm với sự thay đổi nhiệt độ. BS Trung Anh khuyên các cụ nên tích cực uống nước. Với người bình thường nên uống từ 1lít-1,2lít; còn với người mất mồ hôi nhiều, nên tăng lượng nước uống đến 1,5lít. Tuy nhiên, các cụ không nên uống nhiều nước vào ban đêm, tránh tình trạng “đi giải quyết” vào đêm tối có thể gây nguy hiểm.
 

Nếu thời tiết giá lạnh, các cụ cần phải mặc quần áo ấm, đội mũ, khăn len nếu đi ra ngoài đề phòng cảm mạo. Nếu trời nóng nực, các cụ nên mặc quần áo thoáng mát, tốt nhất là nên mặc chất cotton có khả năng thấm hút mồ hôi. Bên cạnh đó, cần tăng cường uống nước, rau xanh, hoa quả tươi. Trong trường hợp có sử dụng điều hoà nhiệt độ nếu thời tiết trở nóng thì nên hạn chế việc các cụ ngồi trong phòng lạnh cả ngày; nhiệt độ phù hợp là từ 26-28 độ C.

Với sự thay đổi thất thường về thời tiết như hiện nay, các cụ nên tích cực theo dõi thời tiết để có sự chuẩn bị chu đáo cho bản thân mình.

BS Trung Anh
(Trưởng Khoa Khám bệnh Viện Lão khoa Trung ương)

V.Thu – P.Thuận

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]