Tokyo không còn hấp dẫn thanh niên Nhật

Xưa nay, đối với thanh niên Nhật ở các tỉnh lẻ, thủ đô Tokyo đồng nghĩa với một cuộc sống tốt nhất. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, những sinh viên tốt nghiệp đại học thích trở về hoặc ở lại quê nhà bởi giờ đây họ có thể thực hiện những ước mơ cháy bỏng của mình ngay tại quê nhà, nắm bắt những cơ hội mới bằng sự năng động của tuổi trẻ.

16.0945
Tất nhiên, xu hướng từ tỉnh lên thủ đô để lập nghiệp của thanh niên Nhật vẫn còn nhưng không mạnh mẽ như lúc trước. Và câu nói “Tokyo của những người trẻ - tỉnh lẻ của những người già” không còn thuyết phục nữa. Thành phố tỉnh lẻ Yamaguchi là một ví dụ. Nằm ở phía Tây Nam Nhật, chỉ có 140.000 dân, thành phố này thuộc hàng nhỏ nhất, buồn tẻ nhất. Nhưng đó là hình ảnh của thập niên trước. Lúc đó, ngay con đường chạy ngang nhà ga xe lửa chính cũng thưa thớt quán xá, cửa tiệm do tình trạng suy thoái kinh tế. Giờ đây tình hình đã thay đổi. Trong số 50 cơ sở kinh doanh, hơn 20 cái biến thành cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng nhắm vào đối tượng trẻ. Nhiều nơi còn thu hút cả thanh niên các vùng lân cận như Hiroshima và Fukuoka vì tính độc đáo, trẻ trung. Ví dụ cửa hàng bán dĩa Saudade Life của Kazumi Masuda, một ông chủ mới 30 tuổi. Cửa hàng này rất thành công nhờ thường xuyên có “hàng độc”. Cũng cần nói thêm, chính quyền địa phương đã biết tạo cơ hội cho thanh niên làm ăn. Tiền thuê nhà được hạ xuống, giờ giấc hoạt động được nới rộng, thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản. Một lý do khác khiến thanh niên chịu ở lại quê nhà là xu hướng thích ở độc thân và sống chung với cha mẹ, cho dù có lời ra tiếng vào là ăn bám gia đình. Khía cạnh tích cực của hiện tượng xã hội này là các mối quan hệ trong gia đình được củng cố như truyền thống xưa. Khía cạnh tiêu cực là góp phần làm cho cơ số người già tăng lên. Số thanh niên này là khách hàng thân thiết của những cơ sở kinh doanh nói trên. Các số liệu thống kê năm 2000 cho thấy số thanh niên độc thân từ 20 đến 39 tuổi sống chung với cha mẹ ở Nhật tăng đều hằng năm, ví dụ năm 2000 tăng 350.000 người so với năm 1995. Theo giáo sư Masahiro Yamada, một trong những nguyên nhân chính là từ thập niên 90, các xí nghiệp không còn tuyển dụng nhân viên làm việc cả đời. Do đó, không có hy vọng “lên đời” ở Tokyo, sinh viên mới ra trường an phận với những công việc nhỏ càng ngày càng nở rộ ở tỉnh lẻ. Do đó, thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông giờ đây thích vào các trường đại học địa phương hơn. Số này tăng từ 34,9% (năm 1992) lên 39,5% (năm 2003). Số sinh viên ra trường ở Tokyo quay trở về tỉnh nhà cũng tăng lên đáng kể.

Nhìn kỹ những con số thống kê chính thức, người ta thấy số di dân từ tỉnh lên thành phố lớn có xu hướng giảm đi nhưng vẫn còn. Đặc biệt, giá bất động sản ở Tokyo đang giảm cũng là một động lực duy trì xu hướng từ tỉnh lên thành. Tuy vậy, theo Shiro Koike, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia về dân số và bảo vệ xã hội, xu hướng thanh niên từ tỉnh lên thành sẽ tiếp tục giảm mạnh, do tỉ lệ sinh suất ngày càng giảm. Xu hướng này đang dần dần định hình vì vào năm 2003, tỉ lệ di dân giữa các vùng đã xuống thấp nhất (chỉ có 2,15%) kể từ 1954.

XUÂN VIỆT (Theo Nihon Keizai Shimbun)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]