Những thành công này đã góp phần quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Thành công và thách thức
Công tác DS-KHHGĐ đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng khoảng 2% mỗi năm. Dân số Việt Nam bước vào thời kỳ
cơ cấu “
dân số vàng”, cải thiện rõ rệt tình trạng sức khoẻ bà mẹ và
trẻ em; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới..., đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, công tác này đang đứng trước những bất cập, những vấn đề mới nảy sinh như chênh lệch bất lợi mức sinh giữa các vùng miền, tốc độ già hóa dân số nhanh,
chất lượng dân số còn thấp và vấn đề khó khăn nhất tại thời điểm này chính là việc kiểm soát tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh (GTKS).
Trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất vẫn là truyền thông thay đổi
nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Để làm được điều này, ngành dân số có lực lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách xã và hơn 160.000 CTV dân số ở thôn, bản, xã, phường… ngày đêm bám cơ sở, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ tới mọi người dân. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và bằng những kinh nghiệm và cách tuyên truyền phong phú của mình, họ là những mắt xích quan trọng tạo nên thành công của công tác DS-KHHGĐ. Ngoài sự nhiệt tình, các CTV dân số phải vận dụng cả sự hiểu biết, kiên trì, uy tín của mình mới hoàn thành được nhiệm vụ. Họ là những người được mọi người gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” với một mức thù lao rất khiêm tốn. Những tấm gương ấy có thể thấy được ở rất nhiều thôn, xóm, bản, làng không có người sinh con thứ 3 tạo nên những kỳ tích trong công tác DS-KHHGĐ. Cùng với Chiến dịch truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, công tác truyền thông (trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo hình, báo viết, báo phát thanh...) đã tạo nên bước chuyển biến rất rõ rệt trong nhận thức của người dân, rất nhiều người dân đã hiểu sâu sắc hơn và tự nguyện tham gia vào công tác DS-KHHGĐ.
Đòi hỏi tăng cường cả nhân lực và vật lực
Trong bối cảnh mới, khi chương trình dân số mở ra cả vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ dân cư, nâng cao chất lượng dân số, với những khó khăn mới nảy sinh, thì vai trò của các CBCT và CTV cơ sở lại càng quan trọng hơn.
CBCT và CTV dân số sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động, phải trau dồi tri thức, kiến thức nghiệp vụ để bắt kịp với tình hình mới. Trong đó phải tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia vào các mô hình nâng cao chất lượng dân số; làm sao để mỗi thanh niên khi chuẩn bị kết hôn đều có nhận thức, hiểu được lợi ích khi tham gia vào chương trình tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh nhằm nâng cao chất lượng giống nòi; hiểu được hệ lụy của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là hiểm họa của dân tộc,...
Công tác DS-KHHGĐ là vấn đề lâu dài, mang tính chiến lược, sẽ trường tồn cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với những khó khăn thách thức đang đặt ra ở cả quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, theo TS Dương Quốc Trọng chúng ta sẽ làm từng bước để giải quyết những bất cập, vấn đề mới nảy sinh. “Vấn đề đặt ra là không thể nóng vội, nói ngày một ngày hai là có thể giải quyết được mà trong mỗi giai đoạn cụ thể chúng ta phải đưa ra những mục tiêu cụ thể để giải quyết”.
Tăng cường nguồn lực tốt nhất cho công tác dân số
Dân số là bài toán tổng thể của tất cả các bài toán cụ thể nên khi xây dựng một chính sách của một lĩnh vực nào đều phải tính đến tác động của quy mô, chất lượng và cơ cấu dân số.
Phải tăng mạnh nguồn lực vì đây là điều kiện để thực thi Chiến lược Dân số & Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình mục tiêu. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi thì trước mắt, Chương trình 5 năm 2011-2015, năm sau ngân sách phải gấp 1,3 đến 1,4 lần so với năm trước, vì các mục tiêu đều có quy mô lớn và độ phức tạp cao. Về nhân lực, phải giữ và phát triển cho được đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, cán bộ làm công tác dân số bằng và cao hơn so với thời gian còn mô hình tổ chức Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em; đồng thời phải củng cố bộ máy từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đủ mạnh với điều kiện hoạt động tốt hơn, thuận lợi hơn. Nói cách khác, như khuyến cáo của Hội nghị Cai rô: “Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số”.
TS. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Hà Thư