Tục lệ tiễn người đã khuất trong ngày Tết

Dân trí Trong thúng đồ tiễn người đã khuất có gạo, bánh chưng, lộc cúng lấy từ bàn thờ tổ tiên. Khi nén hương trên bàn thờ tàn cũng là lúc kết thúc việc chuẩn bị cỗ bàn, con cháu có thể đi chơi Tết.

0
Ông Cao Đình Lộc và mâm cỗ tiễn tổ tiên cùng người vợ quá cố sau khi về ăn Tết cùng con cháu.

Nếu như nhiều địa phương khác, hết mồng Ba mới hết Tết thì một số nơi của huyện Yên Thành (Nghệ An) kết thúc Tết từ ngày mồng Một hoặc mồng Hai. Tùy thuộc vào phong tục của từng địa phương, các gia đình sẽ tổ chức lễ đưa tổ tiên và những người đã khuất vào chiều mồng Một hoặc mồng Hai Tết. Mâm cỗ đầy hay vơi, thịnh soạn hay đơn giản là tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình.

Gọi là kết thúc nhưng không có nghĩa là hết Tết mà sau nghi lễ này, con cháu trong gia đình không phải tất bật chuẩn bị những mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên nữa mà có thể dành nhiều thời gian đi chơi Tết.

Đồ tiễn những người đã khuất nhất thiết phải có gạo và bánh chưng...

“Chiều 30 Tết, toàn thể gia đình đã tụ họp để rước ông bà, ông vải và những những người đã khuất về vui Tết cùng con cháu. Sau 3 ngày Tết, con cháu lại làm lễ tiễn các cụ trở về”, ông Cao Văn Lộc (85 tuổi, trú xã Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) cho biết.

Hôm nay, gia đình 3 người con của ông Lộc cùng các cháu tập trung tại nhà anh con trai cả. Hai mâm cỗ cúng được dâng lên bàn thờ. Trong khi ông Lộc đang khấn vái, mời các cụ cùng người vợ quá cố về hưởng lộc của cháu con thì cô con dâu cả chuẩn bị hai nửa thúng gạo lồng trong hai quang gánh đặt ở bên cạnh bàn thờ. Một chiếc đòn gánh đã lên nước bóng loáng được đặt ngay cạnh.

... cùng bánh kẹo và tiền để trả cho "người gánh cỗ".

Từ xưa, quang gánh được bà con nông dân sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, với việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch lúa, người dân không còn phải dùng đến gióng, gánh để đưa lúa về nhà. Mặc dù vậy, gióng và đòn gánh vẫn được người dân giữ lại. Ngày Tết, gióng gánh được đưa ra để gánh cỗ tiễn người đã khuất.

Sau khi ông Lộc hoàn thành việc cúng bái, anh con trai cả sẽ lãnh trách nhiệm ra sân hóa vàng rồi vào hạ lễ trên bàn thờ xuống đặt vào hai thúng gạo. “Nói chung thì mâm cỗ Tết có gì thì đồ đưa các cụ đều có cái đó. Ngoài gạo còn có bánh chưng, bánh kẹo, rượu và tiền mặt. Tiền này để các cụ trả cho người gánh cỗ”, ông Cao Đình Hướng – con trai cả cụ Lộc cho biết thêm.


Gánh cỗ thịnh soạn hay đơn giản tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình.

Gia đình bà Dương Thị Thủy (Thịnh Thành, Yên Thành) hoàn tất việc cúng tiễn người đã khuất từ chiều mồng Một Tết. “Chiều 30 Tết đón các cụ về vui Tết với con cháu, chứng kiến thành quả một năm lao động của các thành viên trong gia đình. Cả năm, các thành viên đi làm ăn xa, Tết trở về quây quần bên nhau. Dịp này, con cháu tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ người đã khuất nên làm mâm cỗ rước các cụ về.

Chiều mồng Một Tết, con cháu sẽ tiễn các cụ về nơi cực lạc của mình. Sau khi chuẩn bị xong gánh gạo, bánh… đưa đường, nén hương trên bàn thờ tổ tiên tàn thì cũng là khi chính thức hết Tết, tức là hết việc chuẩn bị mâm cỗ cũng tổ tiên. Sau ngày này, con cháu không phải tất bật chuẩn bị mâm cỗ nữa mà mọi người có thể đi chơi, thăm thú hay chúc Tết anh em, bạn bè, láng giềng”, bà Thủy tâm sự.

Gánh cỗ còn thể hiện tấm lòng tưởng nhớ, biết ơn của con cháu đối với những người đã khuất.

Hoàng Lam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]