'Unbroken' của Angelina Jolie truyền cảm hứng sống cho khán giả

Trong khi người Nhật tẩy chay 'Unbroken' của Angelina Jolie thì khán giả lại hết sức hài lòng khi được truyền cảm hứng về niềm tin, ý chí sống mạnh mẽ từ bộ phim.

15.5954

136 phút của bộ phim Unbroken (Không khuất phục) là 136 phút khán giả bị cuốn theo cuộc đời Louie Zamperini - một người hùng đích thực của nước Mỹ. Những thước phim chân thật dưới đôi tay Angelina Jolie thực sự thỏa mãn người xem. Sự thành công của Unbroken ở chỗ đã truyền được nguồn cảm hứng mãnh liệt về niềm tin, ý chí, nghị lực sống và lòng vị tha, bao dung của con người. 

Người Nhật tẩy chay, khán giả thế giới đón nhận

Trước đó, những người dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản đã thẳng tay 'ném đá', gọi Angelina Jolie là “kẻ độc ác” khi làm Unbroken. Họ kêu gọi tẩy chay, dù phim chưa có lịch phát hành ở Nhật Bản. 

Bộ phim dàn dựng theo sát nội dung cuốn sách của Laura Hillenbrand phát hành năm 2010, viết về cuộc đời thực của Louis Zamperini, vận động viên điền kinh Olympic trở thành tù binh trong Thế chiến thứ 2. 

Louie Zamperini trở thành một người hùng đích thực của nước Mỹ

Ông là con trai thứ hai trong một gia đình gốc Italia di cư sang Mỹ, sinh ra tại Olean, New York năm 1917, trước khi cả gia đình chuyển đến sống tại Torrance, California vào năm 1919. Cậu bé Louie ngỗ ngược khi đó thường đột nhập vào các ngôi nhà, ăn cắp đồ trong các cửa hiệu và luôn sẵn sàng gây gổ. Nhưng đươc sự động viên của anh trai Pete, Louie đã quyết định thay đổi và dốc hết sức lực cho bộ môn chạy. Liên tục phá kỷ lục của các giải đấu trong nước, Louie đã được cử đi thi đấu tại Olympic Berlin vào năm 1936, khi đó cậu mới chỉ 19 tuổi. 

Khi chiến tranh nổ ra, cũng như những người bạn đồng trang lứa khác, Zamperini từ bỏ trường Đại học để lên đường nhập ngũ và trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu cho không quân Mỹ. Vào tháng 04.1943, Green Hornet – chiếc máy bay ném bom hạng nặng – trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại Nam Thái Bình Dương đã gặp trục trặc về động cơ và lao xuống biển. Kết quả là 8 trong số 13 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng.

Louie cùng 2 người đồng đội còn sống sót của mình là Russell Allen “Phil” Phillips và Sgt. Francis “Mac” McNamara đã phải lênh đênh trên một tấm bè dài 6 feet (180cm) rộng 2 feet (60cm) trôi nổi trong suốt nhiều tuần trên Thái Bình Dương. Mac đã cố gắng bám trụ trong vòng 33 ngày trước khi qua đời vì đói khát và kiệt sức. Và sau 47 ngày – một con số cao kỷ lục về việc sinh tồn trên đại dương – Louie và Phil đã trôi dạt hơn 2 ngàn dặm để tới được quần đảo Marshall Island.

Nhưng ngay khi vừa đặt chân lên đất liền, họ đã bị rơi vào tay phát xít Nhật và bị giam giữ trong các trại tị nạn. Trong suốt 2 năm bị giam cầm ở đây, Louie cùng với các bạn tù của mình đã phải chịu đựng cảnh đói khát cũng như những cuộc tra tấn về cả thể xác lẫn tinh thần. 

Điều khiến người Nhật phẫn nộ là một đoạn trong sách của Laura Hillenbrand mô tả các tù nhân Mỹ bị thiêu, bị đâm hoặc đánh đến chết. Ngoài ra họ còn bị bắn, chặt đầu trong các cuộc thí nghiệm y học hoặc bị... ăn thịt. Những người phản đối cho rằng thông tin viết trong cuốn sách gốc là hoàn toàn bịa đặt. Theo Mutsuhiro Takeuchi, nhà giáo dục nghiêng về chủ nghĩa dân tộc, khẳng định các tội phạm chiến tranh ở Nhật Bản từng nhận án tử hình đều do phạm các tội danh liên quan tới chính trị, chứ không phải do họ có hành vi tra tấn. 

Được trả lại tự do sau khi chiến tranh kết thúc, người cựu binh này đã quay trở về quê nhà tại Nam California, nhưng cuộc đời của ông đã vĩnh viễn thay đổi. 

Louie bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng triền miên – một chứng bệnh mà mãi sau này khoa học mới tìm hiểu và gọi nó là PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder). Cũng giống như những người đã từng chịu cảnh tra tấn tù đày trong các trại tị nạn, Louie thấy cuộc sống thời hậu chiến của mình thực sự là một cuộc chiến gian khổ. Ông thường xuyên phải vật lộn với ma quỷ và những ảo ảnh đáng sợ mỗi lần nhắm mắt nghỉ ngơi.

Mãi tới khi cùng vợ mới cưới của mình là Cynthia nghe được một bài thuyết giảng của linh mục Rev. Billy Graham vào tháng 09.1949, Louie mới thực sự hiểu được ý nghĩa của Sự Tha Thứ. Là một người theo đạo Thiên Chúa Giáo, trong những năm sau đó, ông đã giành nhiều nỗ lực để truyền bá các tư tưởng tích cực về lòng dũng cảm, đề cao giá trị tinh thần và cả lòng khoan dung. Ông cũng đã quay trở lại Nhật Bản để giảng hòa với những người mà trước đây đã từng tra tấn và hành hạ mình trong quá khứ.

Kịch bản phim suýt bị bỏ xó

Dù được Universal đưa vào danh sách các dự án phim từ năm 1998, nhưng rốt cuộc kịch bản Unbroken đã gần như bị xếp kho sau khi không tìm ra đạo diễn nhận thực hiện. Tận năm 2012, khi Unbroken đến tay nữ đạp diễn Jolie, cô đã ngay lập tức bị cuốn vào câu chuyện của Zamperini.

Đạo diễn phim Unbroken, Angelina Jolie đã tới gặp cựu tù binh chiến tranh Louis Zamperini

Jolie đã đắm mình vào câu chuyện về cuộc đời của Louie và nghiên cứu tỉ mỉ tất cả các khía cạnh về nhân vật cũng như thời kỳ lịch sử đó để tìm ra phương án tối ưu nhất để kể lại câu chuyện này trên màn ảnh rộng. 

Nữ đạo diễn muốn giúp người xem hiểu được cảm giác đáng sợ khi lênh đênh trên biển trong suốt 47 ngày đêm cũng như những khổ cực mà một tù nhân chiến tranh phải chịu đựng trong suốt 2 năm ròng. 

Để truyền tải tới khán giả những cảm xúc trọn vẹn, đích thân Angelina Jolie phác thảo ý tưởng kịch bản, lựa chon địa điểm, diễn viên và trải qua 14 tuần làm phim ròng rã ngoài vùng biển ngoài khơi Queensland, Australia và cả Hawaii lẫn Bắc Carolina. Đoàn phim đã phải ghi hình ở rất nhiều địa điểm, gặp rất nhiều trở ngại với một lịch trình dường như bất khả thi.

Việc quay phim trên biển đòi hỏi sự tham gia của hơn 150 thành viên. Đó là một công việc hết sức khó khăn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là với các diễn viên. Trong suốt cả một ngày dài, họ phải xoay sở bên chiếc bè chòng chành và lắc lư theo sóng nước. Tại địa điểm này, Jolie đã tiến hành ghi hình hàng loạt các cảnh quay quan trọng: cảnh những người lính nhìn thấy lũ cá mập vây quanh chiếc bè, cảnh họ ăn thịt một con cá mập nhỏ sau một cuộc vật lộn đến kiệt sức hay cảnh họ vội vã sửa chiếc bè sau khi nó bị bom đạn của quân Nhật oanh tạc…

Zamperini mang tới niềm tin, ý chí sống mạnh mẽ và lòng vị tha cho người xem

Một trong nhiều khoảnh khắc chạm tới trái tim khán giả là đường đua Olympic. Zamperini đã không giành chiến thắng nhưng ông đã rất nỗ lực, không chịu bỏ cuộc và quyết tâm thể hiện tốt nhất khả năng của bản thân mình trong vòng đua cuối cùng. Khán giả được chứng kiến một con người chiến đấu như thế nào. Thi đấu không phải chỉ để giành chiến thắng. Thi đấu là để thể hiện mình đã thực sự cố gắng và không từ bỏ.

Nếu bạn muốn tìm cảm hứng từ sức mạnh tinh thần, niềm tin và ý chí sống còn phi thường của một người anh hùng có thật trong cuộc sống thì Unbroken - Không Khuất Phục là bộ phim không thể bỏ qua. 

Phim chính thức được khởi chiếu từ ngày 06/02/2015.

Theo Minh Hiếu - Nguoiduatin.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]