Chị là Tòng Thị Thủy, dân tộc Thái ở tận Sơn La. Hơn một năm nay, một tháng hai lần chị đưa con gái vượt 300 km đường dài về Hà Nội điều trị ung thư.

Con gái chị - Tòng Thị Quỳnh Như bị ung thư não cách đây 1 năm. Như bé lắm, chân tay cứ gầy nhẳng, xanh xao, bởi phải truyền quá nhiều hóa chất. Cách đây 5 tháng, Như đã được phẫu thuật để lấy khối u, phía sau đầu em còn một vết sẹo dài, chỗ ấy, sau này có khỏi bệnh, tóc cũng không thể mọc được nữa.

Cũng trong lần phẫu thuật ấy, các bác sĩ đã cấy máy và dây nối từ đầu xuống bụng em, để làm giảm áp lực cho não. Chỗ cấy máy giờ nổi gồ trên đầu Như mà theo lời chị Thủy, phần máy và dây truyền ấy sẽ trở thành một phần của cơ thể Như.

 Máy và dây truyền được cấy vào cơ thể Như

“Cháu không thích về Hà Nội đâu, cháu chỉ muốn ở nhà thôi”, chị Thủy nói. Tuần trước Như được các bác sĩ cho về nhà, bé vui lắm. Như cứ líu lo đòi mẹ tổ chức sinh nhật.

Sinh nhật của cô bé người Thái nghèo ấy đơn giản lắm, mấy cái kẹo, một ít hoa quả, là đủ. Thương con, dù không còn tiền, chị Thủy cũng cố mua một món quà cho Như: 1 chiếc điện thoại bằng nhựa, màu hồng, có thể phát ra tiếng nhạc.

Như thích nó lắm, cô bé cứ ôm khư khư món đồ chơi ấy không rời. Trước đây, khi chưa có đồ chơi, Như hay nghịch dây truyền thuốc, em cứ quấn dây thành từng vòng, từng vòng quanh tay. Lắm khi chị Thủy phải gỡ vội ra, sợ con làm tuột hay đứt dây.

Như hay nhìn mọi người bằng ánh đăm chiêu, già dặn lắm so với cái tuổi lên 3 của em. Em cũng ít nói, ít cười. “Cháu nó nghĩ cô là bác sĩ” mẹ em giải thích “cháu sợ tiêm, nên nhìn ai cũng nghĩ là bác sĩ, y tá cả, cô thông cảm”.

Chị Thủy kể, Như là con đầu của anh chị, anh chị thương cháu lắm. Sinh con xong, muốn cho con có mái nhà tử tế, anh chị bàn nhau vay mượn, cất lên căn nhà cấp 4. Nhưng khi “cái cửa nhà còn chưa có tiền để lắp, gió cứ thông thốc từ đầu nọ sang đầu kia” Như đã đổ bệnh.

Nợ mới chồng lên nợ cũ, hai vợ chồng nặng gánh lo toan. Mỗi tháng chị Thủy đưa Như về Hà Nội hai lần. 300 km đường dài, 1 ngày đường, tiền di chuyển cho đến cửa của Bệnh viện Nhi Trung ương của hai mẹ con mất tiêu 500 nghìn đồng, chị lẩm nhẩm tính. Tiền ăn, tiền thuốc, những thứ tiền không tên khác… “độ chừng 6 triệu đồng một lần đi, vị chi là 12 triệu đồng một tháng, bao giờ chị mới kiếm đủ!”.

Chồng chị, từ 3 giờ sáng đã thức dậy, đi giao thịt cho các cửa hàng. Sau đấy anh về bên mấy sào ruộng cằn khô, cố cấy trồng. Không kịp ngơi tay, anh lại đi phụ hồ, bốc vác… “ai bảo gì làm nấy”, “làm khổ quá, lại nhịn ăn nên anh cứ gầy rộc đi” chị kể, “nhưng cố lắm cũng chỉ được 4 triệu đồng một tháng, không đủ cho con”.

Cầm đồng tiền mặn chát mồ hôi chồng về Hà Nội, chị dè sẻn lắm, “đói là chuyện thường xuyên”, chị bảo, hôm nào xin được cháo hoặc cơm từ thiện, con ăn trước, mẹ ăn thừa. Nỗi lo lớn của chị là Như bị đói, vì “bác sĩ bảo không đủ chất, cơ thể thiếu bạch cầu không truyền được”.

200 gốc cà phê anh chị bán cả đất lẫn cây chỉ được 30 triệu đã dùng hết cho Như, hàng xóm cũng “nhẵn mặt” vay mượn, mà Như còn 6 lần truyền nữa, giờ gia đình anh chị không biết bấu víu vào đâu.

“Ở Hà Nội không có ai quen, tiền hết, nhà xa, vất lắm, khổ lắm,…” chị lặp đi lặp lại, nước mắt cứ thế mà ứa ra.

Cuộc sống của gia đình chị Thủy đang gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm.

Bạn đọc có thể chung tay giúp chia sẻ khó khăn với với gia đình chị Thủy – mã số UT15- qua chương trình “Đồng hành cùng bệnh nhi ung thư” tại địa chỉ: Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động:  51 Hàng Bồ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04 39232748/0983.971.279; email: [email protected]. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, STK: 102010000013374 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 177010000023405; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội. 

Hoặc liên hệ với chị Tòng Thị Thủy, ĐT: 0169.335.9067, địa chỉ: Bản Cọ, phường Chiềng An, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.