>>

Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu

Phản ứng trước việc Mỹ bị Standard&Poor's hạ mức tín nhiệm tín dụng từ AAA xuống AA+, giá vàng quốc tế tiến sát ngưỡng 1.700 USD/ounce khiến giá vàng trong nước ngày 8/8/2011 như “cơn điên” vượt qua 44 triệu đồng/lượng, thời điểm cao nhất là 44,59 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng quốc tế tới gần 2 triệu đồng/lượng.

Phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu xung quanh cơn sốt vàng diễn ra ngày 8/8/2011.

Thưa ông, với sự tiếp sức của “cơn bão” tài chính quốc tế, giá vàng trong nước hôm nay (8/8) có lúc tăng lên 44,59 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên đến cuối giờ chiều nay giá vàng lại giảm xuống còn 44,1 triệu đồng/lượng. Ông có ý kiến gì về giá vàng hiện tại trên thị trường nước ta?

Theo tôi, giá vàng trong nước đã chinh phục gọn ghẽ ba ngưỡng giá 42 và 43 và 44 triệu đồng/lượng, lập những đỉnh cao lịch sử mới. Chưa có một ngày nào mà giá vàng trong nước tăng kinh hoàng như hôm nay. Tốc độ tăng vượt xa những tốc độ thiết lập trong các cơn bão vàng hồi năm 2009 và 2010. Cụ thể, trước đây, biến động của thị trường vàng chỉ 300 - 400.000 đồng/chỉ thì hôm nay tốc độ tăng giá đã  lên trên dưới 10 lần.

Đây là hậu quả tất yếu xảy ra sau một thời gian dài các doanh nghiệp (DN) kinh doanh “tích cực” thu gom vàng để xuất khẩu một cách thái quá. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn tài chính đã can thiệp vào thị trường vàng như thu gom và xuất khẩu ra nước ngoài bằng nhiều con đường. Đồng thời, nâng giá mua sát với giá bán làm chênh lệch giữa giá mua và giá bán bị thu hẹp chưa từng thấy.

 

Vậy theo ông, nguyên nhân nào đã dẫn đến giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới?

Nguyên nhân đầu tiên theo tôi là vì giá vàng thế giới tăng cao trước những lo ngại về nợ công châu Âu và nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đã kéo giá vàng trong nước tăng theo.

Ngoài ra, trong thời gian qua, các DN đã thu gom và xuất khẩu một lượng lớn vàng khiến lượng vàng tích trữ của các DN bị giảm đáng kể. Vì vậy, khi giá vàng thế giới biến động, người dân đổ sô đi mua vàng thì sự khan hiếm lại càng hiện rõ, trong khi đó, Nhà nước lại chưa có sự quản lý chặt chẽ về biên độ giữa mua và bán khiến giá mua sát với giá bán tạo ra sự cạnh tranh, giành giật nhau để mua lượng vàng còn lại trên thị trường giữa các DN đã đẩy giá vàng trong nước nhảy vọt và cao hơn giá vàng thế giới.

Theo tôi được biết, có tới 95% giao dịch trong thời gian gần đây là người dân mua vào, chứ ít người mang vàng đi bán. Chỉ có một số nhà đầu tư là bán vàng ra để chốt lời.

 

Theo ông ai là người phải chịu thiệt thòi khi giá vàng bị đẩy lên quá cao?

Như tôi đã nói ở trên, trong thời gian qua, các DN thu gom và xuất khẩu một lượng lớn vàng nguyên liệu khiến cho hàng trong nước cạn kiệt. Khi thị trường thiếu vàng, các DN không thể trong ngày 1, ngày 2 nhập về với số lượng vàng lớn để đáp ứng thị trường. Vì vậy, khi giá vàng được đẩy lên cao, DN nào nắm giữ nhiều vàng thì có lợi vì họ có thể điều tiết giá, thậm chí tạo ra một giá vàng rất cao trong một thời điểm để bán cho người tiêu dùng.

"Ở thời điểm này, người dân không nên vội vàng mua với giá quá đắt khi mà giá vàng ở Việt Nam đã vượt quá xa so với giá vàng thế giới. Đây là giá ảo, hậu quả của việc thiếu vàng nguyên liệu trong thời kỳ ngắn hạn". Ông Vũ Minh Châu

Chúng ta biết rằng, khi DN nào cũng muốn “săn lùng” vàng, cạnh tranh để mua cho bằng được, còn người dân cũng vậy, họ chấp nhận trả giá cao để sở hữu vàng. Một khi hiện tượng giá mua cao sát với giá bán sẽ gây mất cân bằng cung cầu trên thị trường và  điều này thiệt hại cho người tiêu dùng. Một phép tính đơn giản: khi giá vàng từ 500.000 đồng/chỉ - 1.000.000 đồng/chỉ thì chênh lệch giữa mua và bán là 5 - 10.000 đồng, tức là 1%. Theo tỷ lệ thuận, khi giá vàng lên 4 triệu, mức chênh lệch giữ mua và bán sẽ tương đương với 40.000 đồng, nhưng nhiều địa điểm chỉ chênh nhau 10.000 đồng/chỉ, 6.000 đồng/chỉ, thậm chí 5.000 đồng/chỉ.

Các DN trong nước luôn phải mua đuổi, bán đuổi. Khi họ vừa bán xong thì giá vàng tăng lên và họ lại phải mua vào giá cao hơn giá vừa bán. Tóm lại, lợi ích vẫn thuộc về một nhóm người chuyên thu gom và làm giá.

Nếu như giá vàng Việt Nam cang tăng nhanh hơn giá vàng thế giới bao nhiêu thì dấu hiệu sụt giảm giá càng nhanh bấy nhiêu vì khi giá cao thì các nhà nhập khẩu sẽ nhanh chóng nhập vàng về để làm dịu cơn sốt. Cho nên ở thời điểm này, người dân không nên vội vàng mua với giá quá đắt khi mà giá vàng ở Việt Nam đã vượt quá xa so với giá vàng thế giới. Vì đây là giá ảo, hậu quả của việc thiếu vàng nguyên liệu trong thời kỳ ngắn hạn.

 

Với sự thất thường của giá vàng trong nước cũng như giá vàng thế giới. Theo ông, Nhà nước cần có những biện pháp gì để ổn định thị trường vàng trong nước hiện nay?

Theo tôi, để tránh những tình trạng lộn xộn trên thị trường vàng như hiện nay, Nhà nước nên có chế tài quản lý biên độ giữa giá mua và giá bán. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức, hạn chế xuất khẩu vàng nguyên liệu và các loại vàng ở tuổi cao. Như thế sẽ tránh được tình trạng đẩy giá lên để thu gom và xuất khẩu một cách thái quá.

Vừa qua, các DN vàng cũng thống nhất biên độ dành cho 2 khu vực kinh doanh là khu vực bán lẻ và khu vực bán buôn. Khu vực bán lẻ thì nên để biên độ thật rộng là 0,5% - 2,5%, đây là biên độ phù hợp cho chi phí của DN cũng như làm cho thị trường vàng ổn định và người tiêu dùng cũng mua được giá hợp lý, mà không phải mua giá quá đắt như hôm nay. Còn với khu vực bán buôn nên để biên độ là 0,3% - 1%, đây là con số phù hợp cho việc quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Nếu không quản lý chặt thị trường vàng, để xảy ra tình trạng lộn xộn như hiện nay, ngoài những thiệt hại hiện hữu như người dân và DN sẽ chịu rủi ro thua lỗ trong quá trình kinh doanh khi mua đuổi, bán đuổi, thì một thiệt hại vô hình và to lớn hơn đó là làm cho người dân nghi ngờ giá trị của đồng tiền khi giá vàng tăng phí mã, chứ rất ít người nghĩ là do chúng ta đang cạn kiệt nguồn hàng này.

Theo Hồng Nụ thực hiện
Hồng Nụ thực hiện