Ai giữ rừng?

TP - Cuộc chiến bảo vệ rừng đang ngày càng khốc liệt hơn do các thủ đoạn tinh vi, tàn ác của lâm tặc. Rừng ở khá nhiều nơi đã được xác định cơ bản… xóa xong. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, lực lượng kiểm lâm và người dân đang giành lại từng mảnh xanh, vẫn còn quá nhiều người đi ngược đường...

15.5832

Không khó để tìm những thông tin lâm tặc tấn công kiểm lâm thương tích đầy mình. Đau lòng hơn, có cán bộ kiểm lâm đã bị lâm tặc cố sát cho đến chết.

Ngày 13-8-2010, Ngô Hồng Sơn đã bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên tử hình vì cố tình lái xe đâm chết anh Lê Văn Phượng, cán bộ kiểm lâm huyện Đại Từ. Nhưng, những vụ lâm tặc bị trừng phạt đích đáng như trên không nhiều.

Kiểm lâm không chỉ đối mặt với hiểm nguy hằng ngày để bảo vệ rừng mà còn phải chống chọi với khá nhiều cám dỗ. Lương thấp, điều kiện làm việc nguy hiểm, tương lai bấp bênh... là ranh giới quá mong manh để bước từ vai trò kiểm lâm sang lâm tặc.

Làm ngơ cho vài khối gỗ đi lọt, vắng mặt trong thời điểm lâm tặc cần, bắt nhiều nhưng lập biên bản, thu giữ ít để nhiều kẻ thoát tội và hưởng lợi... dễ hơn nhiều việc mạo hiểm mạng sống giữ rừng.

Những điều đó không thể biện hộ cho những hành vi kiểm lâm tiếp tay lâm tặc phá rừng ở nhiều địa phương nhưng từ nhiều năm nay không được xem xét thấu đáo. Việc gỗ vẫn tràn từ rừng về đồng bằng, rừng nguyên sinh đang biến mất dần và cả rừng quốc gia bị xâm phạm phần nào đã chứng minh cho thực tế không phải kiểm lâm nào cũng muốn giữ rừng.

Không riêng gì kiểm lâm mà lực lượng bảo vệ rừng của các lâm trường cũng đang đứng giữa hai lựa chọn: giữ mình để giữ rừng và bán mình để mất rừng. Trớ trêu thay, điều kiện sau lại hấp dẫn và dễ lựa chọn hơn trong thời điểm này.

Ngày 27-10-2009, tại Lâm trường Buôn Gia Vầm, xã Eakiết, huyện CưMnga Đăk Lăk, 3 cán bộ trong tổ tuần tra bảo vệ rừng đã bị lâm tặc tấn công rồi tháo chạy làm 1 cán bộ chết tại chỗ, 2 bị thương tật. Trước đó 4 tháng cũng tại lâm trường này, bảo vệ Nguyễn Kim Mưu bị bắn thủng bụng.

Những câu chuyện tương tự không khó để dư luận liên hệ đến việc nhiều khu rừng tại Đăk Lăk đang bị tàn phá kiệt quệ. Và đó có thể là một trong những lý giải cho ý kiến của lãnh đạo Vườn quốc gia Yook Đôn về dấu hiệu tiếp tay của kiểm lâm cho lâm tặc. Thậm chí số gỗ sau khi bắt được di lý về trạm cũng bị kiểm lâm tẩu tán một phần!

Tiền Phong cũng đã nhiều lần phản ánh việc kiểm lâm mở cửa rừng cho lâm tặc hay có mặt trong những thành phần phá rừng. Lời kêu gọi và cuộc chiến chống lâm tặc sẽ chẳng có kết quả và ý nghĩa nhiều khi số cán bộ kiểm lâm làm tròn chức trách, thậm chí quên mình vì rừng không nhiều. Cuộc chiến này càng khó khăn và nguy hiểm hơn nếu các biện pháp phòng và chống trong chính nội bộ kiểm lâm, chính quyền nhiều địa phương, lâm trường... luôn nói nhiều hơn làm.

Rừng lùi xa, cây, thú hiếm hoi, lũ lụt hạn hán hoành hành có lẽ là minh chứng sinh động nhất cho hậu quả của việc bảo vệ rừng như hiện nay.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]