Ăn hải sản sống, nguy cơ mắc bệnh giun anisakia

Bệnh giun anisakia (Anisakiasis) do ấu trùng giun tròn anisakia xâm nhập vào thành dạ dày hay thành ruột gây nên.

15.6154

Bệnh giun anisakia (Anisakiasis) do ấu trùng giun tròn anisakia xâm nhập vào thành dạ dày hay thành ruột gây nên. Thể cấp tính có thể biểu hiện như một cấp cứu bụng ngoại khoa; thể mạn tính kéo dài vài tuần tới vài năm.  Người nhiễm bệnh do ăn hải sản chưa nấu chín. Mùa du lịch nhiều người thích ăn hải sản nên nguy cơ nhiễm bệnh càng cao.

Người bị nhiễm giun tròn anisakia như thế nào ?

 Gỏi cá trích - món ăn dễ bị nhiễm bệnh giun.
Giun tròn anisakia sống ký sinh ở các loại động vật có vú ở biển như cá voi, hải cẩu và cá heo. Chu kỳ sống ký sinh của giun tròn anisakia khá phức tạp. Bắt đầu khi trứng giun thải ra môi trường theo phân được các động vật giáp xác ăn vào và phát triển thành ấu trùng. Các loài cá ăn giáp xác bị lây bệnh. Từ đây theo dây chuyền thức ăn (cá ăn cá), bệnh lây lan sang nhiều loài cá, trong đó có những loại cá mà con người hay ăn như: mực, cá thu, cá mòi, cá tuyết, cá bơn, cá đá, cá hồi, cá ngừ và các loại cá biển khác. Cá biển nhiễm bệnh với tỷ lệ có thể lên tới 80%, các ấu trùng giun đi vào các cơ và lây truyền từ cá sang cá cho đến khi gặp vật chủ cuối cùng là động vật có vú ở biển phát triển thành giun  trưởng thành.

Người bị nhiễm bệnh khi ăn phải các ấu trùng của giun trong cá biển hoặc mực khi ăn ở dạng tái, sống, nấu chưa chín, muối, hay làm gỏi. Đến dạ dày, ấu trùng được giải phóng ra sẽ bám hoặc rúc một phần vào niêm mạc dạ dày hay ruột, nhất là ở ruột non. Tại ống tiêu hóa, ấu trùng gây loét tại chỗ, phù nề và hình thành các u hạt từ bạch cầu ưa acid. Một số ấu trùng giun xuyên thủng thành ruột, đi vào khoang bụng và di trú tại đây. Phần lớn ấu trùng không phát triển được trong đường tiêu hoá của người để gây bệnh và bị thải ra theo phân. Tuy nhiên, ấu trùng có thể phát triển đến giai đoạn trưởng thành, nhưng không thấy giun cái có khả năng sinh sản ở người. 

Bệnh giun anisakia xuất hiện trên toàn thế giới, nhưng gặp nhiều ở các nước Nhật Bản, Hà Lan, Chilê, Hoa Kỳ, vùng Scandinavia và một số nước (trong đó có Việt Nam) có phong tục ăn cá biển chưa nấu chín kỹ như gỏi, lẩu, tái..

Biểu hiện lâm sàng 

Khi người ăn cá biển sống bị nhiễm ấu trùng giun, sau 48 giờ sẽ ho ra ấu trùng sống. Một số ấu trùng khác xâm nhập vào niêm mạc dạ dày. Hầu hết các trường hợp bệnh cấp tính là do nhiễm anisakia ở dạ dày. Trong vòng vài giờ kể từ khi nuốt phải ấu trùng giun, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn và đau vùng thượng vị mỗi lúc một nặng, có khi đau bụng dữ dội biểu hiện như một cấp cứu bụng ngoại khoa. Các phản ứng dị ứng gồm cả một số trường hợp sốc phản vệ có thể xuất hiện, ít gặp hơn là đau ngực và nôn ra máu.

Trường hợp nhiễm giun anisakia ở ruột thường xảy ra trong vòng 1 - 2 tuần, với các triệu chứng: đau bụng từng cơn, đau quặn xuất hiện ở vùng bụng dưới, thường gặp đau khu trú ở vùng hồi manh tràng, kèm theo tiêu chảy, buồn nôn, nôn, trướng bụng và sốt nhẹ.

Đối với thể bệnh mạn tính xuất hiện từ vài tuần tới vài năm sau khi ăn hải sản nhiễm giun, các triệu chứng có thể tiếp diễn giống như các trường hợp loét dạ dày, viêm dạ dày, u dạ dày, tắc ruột, hoặc viêm ruột.

Xét nghiệm phân có thể thấy máu vi thể nhưng không có trứng giun.  Tăng nhẹ bạch cầu và có thể xuất hiện bạch cầu ái toan. Trong bệnh cấp tính, nội soi dạ dày có thể nhìn thấy các ấu trùng và gắp được ấu trùng khỏi dạ dày. Chụp Xquang dạ dày có thể thấy ổ loét phù nề, thành dày nham nhở, giảm nhu động và cứng nhắc. Chụp cản quang có thể  thấy hình ảnh ấu trùng dạng sợi dây. Siêu âm có thể thấy các tổn thương dạ dày và ruột.

Phòng bệnh và điều trị

Ấu trùng giun anisakia trong cá biển bị chết khi nấu ở nhiệt độ 60oC hoặc làm lạnh đến - 20oC trong 3 ngày (một số tác giả khuyên 7 ngày), nhưng chúng không chết khi ngâm muối, tẩm nước sốt hay hun khói lạnh chưa tới 60oC.   

Để phòng bệnh cần thực hiện:  tránh ăn hải sản còn sống, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá hồi, cá mòi, cá thu...; nên loại bỏ nội tạng cá. Ấu trùng trong cá dưới dạng giun xoắn, hoặc cuộn chặt, không màu trong các ổ tròn 3mm, hay ấu trùng màu đỏ tía nằm tự do trong cơ hoặc nội tạng, rất khó nhìn nên cần phải nấu chín kỹ mới ăn. Cho đến nay, bệnh giun tròn anisakia chưa có thuốc điều trị. Có thể dùng phương pháp nội soi dạ dày hoặc đại tràng ống mềm để gắp loại bỏ ấu trùng. Điều trị triệu chứng đối với các tổn thương cấp tính và mạn tính. Có thể phải phẫu thuật lấy giun trong những trường hợp nặng.

ThS. Bùi Quỳnh Nga

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]