Bà nội “phố” còn bận làm tóc, trang điểm...

Những tưởng cả năm con cháu mới về với ông bà được một lần, ông bà sẽ vui và quấn cháu lắm. Nhưng rồi một tuần về Tết là một tuần chị buồn và tủi thân vô hạn.

15.5775

TIN BÀI KHÁC:












Từ ngày bước chân về làm dâu Ngần đã cố gắng tâm niệm rằng: “Yêu chồng là phải yêu cả gia đình chồng”, không được phân biệt mẹ chồng và mẹ đẻ. Chị luôn nghĩ rằng nếu mình coi bà như mẹ đẻ, bà cũng sẽ coi mình như con gái trong nhà thôi. Những tưởng khi chị sinh cho ông bà thằng cháu đích tôn, ông bà sẽ vui lắm, nhưng rồi chị thầm cảm nhận, đúng là: “Cháu bà nội tội bà ngoại”.

Vợ chồng chị sinh sống làm làm việc tại Hà Nội, còn hai gia đình mỗi người ở một quê. Sinh con ra, vì thu nhập hai vợ chồng đều hạn chế nên mẹ đẻ chị đề xuất hai bà thay nhau trông cháu để con yên tâm đi làm. Tháng đầu sau khi sinh bà nội ra một tuần, còn lại là bà ngoại. Những tháng sau bà nội không ra vì lí do con dâu vẫn còn đang nghỉ sinh, mẹ chăm con được không cần thiết bà phải ra. Bà ngoại thương con gái sinh con đầu lòng nếu không kiêng khem cẩn thận sau này sẽ khổ, nên chấp nhận ra chăm con chăm cháu. Khỏi cần phải nói những ngày bà ngoại ra con gái yên tâm đến thế nào. Chị được kiêng gió, kiêng nước đủ 3 tháng, con ngoan mẹ khỏe.

Hết 4 tháng nghỉ sinh, chị bắt đầu phải đi làm. Những tháng đầu bà ngoại cáng đáng hết từ việc chăm cháu đến việc nhà. Chị bảo mẹ việc nhà cứ để đó con làm, mẹ chăm cháu không đã đủ vất vả rồi nhưng bà bảo mẹ tranh thủ làm cũng được, không vất vả đâu. Bà lo chị phải làm nhiều việc quá không đủ sữa cho con ti.

Rồi đến ngày bà ngoại phải về quê lo chuyện thời vụ, chuyện cấy chuyện gặt. Một năm chỉ có hai mùa, mỗi mùa có một lần cấy, một lần gặt. Mỗi lần kéo dài nhiều lắm cũng chỉ là 3 tuần. Chị rụt rè gọi điện cho bà nội ra chăm cháu giúp chứ chẳng nhẽ lại thuê giúp việc trong có 3 tuần. Tìm giúp việc đâu phải là chuyện dễ thời buổi này, nhất là lại trông kiểu thời vụ như nhà chị.

Ảnh minh họa
Lần đầu tiên, bà nội nhận lời, nhưng bà mặc cả: “Con nói với bà ngoại nhanh lên nhé. Mẹ phải về cho kịp để lo tổ chức 8/3 cho các dì các cô trong tổ dân phố ở nhà. Nhỡ của mẹ là không được đâu nhé”. Chị ngậm ngùi nói vâng nhưng trong lòng sao mà buồn vô hạn. Chị cũng biết các bà không có nghĩa vụ phải chăm cháu, bà giúp cho ngày nào hay ngày đấy, nhưng hoàn cảnh của hai vợ chồng trẻ, bà không giúp, anh chị biết trông cậy vào ai. Chị bảo anh gửi tiền về cho bà ngoại thuê thời vụ xong cho thật nhanh, kẻo lại nhỡ việc của bà nội.

Mùa vụ thứ hai, chị nhờ chồng gọi cho bà nội. Bà bảo, vợ chồng con tính sao chứ hội phụ nữ của mẹ có kế hoạch đi du lịch rồi, chắc cũng phải một tuần. Con bảo bà ngoại lui lại một tuần được không. Hai vợ chồng im lặng. Thời vụ nó đâu có đợi mình chị đành nhờ bà tìm cho một người cô bác, trông giúp cho 3 tuần, thời gian bà ngoại bận mùa vụ.

Rồi cũng đến lúc con chị được hơn một tuổi. Chị phải đi công tác 1 tuần, 2 tuần. Thương con nhớ sữa mẹ, nhưng mỗi lần chị gọi điện về nhà đều được bà động viên: “Thằng cún ngoan lắm, con yên tâm”, “Cún ăn tốt, ngủ tốt, ngoan lắm”. Chị chỉ biết thầm cảm ơn mẹ giúp đỡ hai vợ chồng trong thời gian vất vả.

Tết đến, vì quê nội xa, cả năm ông bà nội mới gặp cháu được một lần, chị quyết định cho con về nội mà không về ngoại. Vì hai quê quá xa nhau, nghỉ được có một tuần mà lôi con đi cả nội cả ngoại, thằng bé ốm mất. Chị gọi điện xin lỗi ông bà ngoại. Ông bà cảm thông: “Không sao đâu con ạ. Thằng cún còn bé quá, đi lại nhiều khổ thân nó con ạ. Thôi cho cháu về sau cũng được”. Chị rơm rớm nước mắt.

Những tưởng cả năm con cháu mới về với ông bà được một lần, ông bà sẽ vui và quấn cháu lắm. Nhưng rồi một tuần về Tết là một tuần chị buồn và tủi thân vô hạn. Từ hôm 27 chị về đến mồng 6 chị đi, có lẽ ngày nào cũng đầu tắt mặt tối với cơm nước, khách khứa, dọn dẹp và chăm con. Khi con ngủ, bà nội nhắc: “Con tranh thủ xem cơm nước thế nào. Tranh thủ lúc thằng cún ngủ, không lúc nó dậy không ai trông được nó”. Con dâu bận chuyện lo ngày một mâm cơm chay để cúng (vì bà theo đạo Phật), lại lo 3 mâm cơm Tết cho cả nhà, còn cơm khách khứa chưa kể, nhưng bà nội rảnh lúc nào là bà lo đi uốn tóc, trang điểm, đi chúc Tết. Bà cũng chẳng hỏi xem cháu ngủ dậy đã rửa mặt, thay bỉm chưa, đã nấu cháo cho cháu chưa, đã đến giờ uống sữa hay chưa? Chị tặc lưỡi, mẹ chồng ở phố, lối sống chắc chắn là khác bà ngoại ở quê. Chồng thương chị cũng ít đi chơi bạn bè hơn, ở nhà trông con giúp chị. Nhưng đàn ông mà, làm sao cho con ăn gọn gàng, làm sao biết khéo léo dỗ con như bà, như mẹ.

Hễ chồng chị đề cập đến chuyện hai vợ chồng tranh thủ qua chúc Tết vài người bạn thân, bà đã rào trước: “Tranh thủ lúc nó ngủ mà đi cho nhanh nhanh, 5, 10 phút rồi về đấy nhé. Nó mà dậy thì không ai trông được nó đâu”. Chị im lặng không nói câu gì, rồi bảo chồng đi một mình vậy. Mấy ngày Tết chị không muốn làm mất không khí của cả nhà.

Hết Tết, chị gọi điện về cho bà ngoại nhờ bà lên chăm cháu để con đi làm. Nghĩ đến chuyện chị vẫn chưa về thăm nhà ngoại được một ngày…sao mà đắng lòng.

Thái An

Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]