Bài tập và chế độ ăn cho người bị bệnh trĩ

Tết đến với vô vàn những món ngon lại có thể trở thành trở ngại và nỗi lo lắng cho những người bị bệnh trĩ.

15.6014
Bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến hiện nay, ai cũng có thể mắc bệnh. Bệnh tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là:

- Táo bón lâu ngày, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài.

- Béo phì.

- Mang vác nặng.

- Mang thai và sinh con.

- Chế độ ăn uống không hợp lý (ăn quá ít chất xơ, rau xanh, ăn nhiều gia vị cay nóng, ít uống nước, uống quá nhiều bia rượu…) và chế độ sinh hoạt không điều độ (căng thẳng quá mức, không tập luyện thể dục thể thao…).

Với những người mắc bệnh trĩ, dịp tết đến với vô vàn các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng... đi kèm với bia, rượu... có thể khiến bệnh trĩ tái phát và trầm trọng hơn. Chính vì vậy, hãy tham khảo chế độ ăn uống và tập luyện dưới đây để phần nào hạn chế sự khó chịu của căn bệnh này trong dịp tết nhé!


Những món ngon ngày tết có thể làm bệnh trĩ của bạn nặng hơn


Chế độ ăn uống cho ngày tết

Bạn nên:

- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả chứa chất xơ, có tính mát tránh bị táo bón. Các bạn nên ăn trực tiếp rau, củ, quả thay vì uống sinh tố hoặc nước ép vì những loại nước này làm mất chất xơ mà cơ thể bạn đang cần.

- Chỉ nên ăn thức ăn được luộc, nấu canh, hấp chín để dễ tiêu hóa, thay vì thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.

- Mỗi ngày nên ăn thêm sữa chua để kích thích tiêu hóa và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Thay vì uống rượu, bia, nước ngọt có ga... bạn chỉ nên trung thành với nước lọc hoặc sữa tươi, nước canh... để bù đủ 1,5 đến 2l nước mỗi ngày.

Bạn nên ăn nhiều rau, củ, quả và chỉ nên luộc, nấu canh hoặc hấp thôi nhé

Những loại thức ăn bạn nên tránh:

- Bỏ qua những món ăn có nhiều gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng, mù tạt... vì chúng có thể khiến bạn bị táo bóng.

- Hạn chế tối đa các loại rượu, bia, nước uống có ga... Thuốc lá cũng có thể làm bệnh của bạn nặng hơn.

Những bài tập bổ ích cho người bị bệnh trĩ

Kể cả khi bạn có lịch đi chơi vô cùng bận rộn cùng đừng quên rèn luyện sức khỏe trong dịp tết nhé. Những bài tập đơn giản nhưng vô cùng hữu ích dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn giảm bớt khó chịu của bệnh trĩ:

Đứng nhón gót co hậu môn

Hai tay chống eo, hai chân đan chéo, nhón gót, đồng thời thắt chặt hậu môn, duy trì trong 5 giây, trở về ban đầu, lặp lại 10-20 lần, thở bình thường.


Đừng quên tập thể dục kể cả trong ngày tết nhé


Co thắt hậu môn

Bạn có thể tập mọi lúc mọi nơi, khi nằm, ngồi đứng. Thả lỏng cơ bắp toàn thân, tập trung tinh thần về vùng bụng dưới. Hít vào từ từ, khép và ép chặt hai bên mông, đùi lại với nhau, lưỡi cong đưa lên áp vào hàm trên. Cùng lúc co thắt và thót vùng hậu môn lại như khi nhịn đại tiện. Nín thở và giữ nguyên tư thế này trong vài giây rồi từ từ thở ra, thả lỏng cơ vùng hậu môn về bình thường, lưỡi đưa xuống. Làm khoảng 20-30 lần, mỗi ngày tập 2-3 lần.

Nằm ngửa căng đùi nâng hậu môn

Co gối, hai gót chân cố gắng đặt sát vào mông, hai mông phẳng với thân, chống đỡ bởi lòng bàn chân và vùng mông, nâng xương chậu ưỡn lên, đồng thời thắt chặt hậu môn, duy trì 5 lần, trở lại tư thế ban đầu, lặp lại 10-20 lần.

Đi bộ

Thẳng người, hàm khép hờ, hai tay buông thõng tự nhiên, bàn tay nắm hờ, tập trung ý nghĩ vào vùng đan điền (vùng bụng dưới gần xương mu, là vùng tập trung khí của cơ thể). Các ngón chân cong gập bám chặt mặt đất. Vừa thắt chặt hậu môn vừa đi bộ từng bước nhẹ nhàng, thở đều. Đi bộ trong tư thế như vậy khoảng 3-5 phút. Sau đó giãn hậu môn về như cũ, thả lỏng các ngón chân, đi bộ đều khoảng 1-2 phút lại tiếp tục vừa đi bộ vừa thót hậu môn như trên. Mỗi lần tập khoảng 30 phút, ngày 1-2 lần.

Chú ý: Tùy vào thể trạng và bệnh tình, bạn hãy chọn cho mình bài tập hợp lý nhất để tự chữa bệnh. Bạn không nên tập khi trĩ đang bị chảy máu, nhiễm trùng búi trĩ, nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng hoặc đang trong giai đoạn đầu sau cắt, thắt trĩ.

AloBacsi.vn
Theo Minh Hà - Web Phụ nữ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]