Bất ngờ đặc sản “một người khỏe hai người vui”

Không chỉ bán tràn lan tại vùng Thất Sơn, nhiều loại “sung dược” như mối chúa, bò cạp cũng được giới con buôn chở về các đô thị lớn để “tiếp thị” cho các quí ông muốn tăng cường sinh lực để làm vừa lòng bà vợ.

15.6009

Tin liên quan






“Sung dược” chiên giòn hoặc nướng trên lửa than đang là món ăn khoái khẩu của dân nhậu. Hoặc độc đáo hơn là uống rượu ngâm bò cạp và dưa cay cũng bằng chính món này bảo đảm “một người khỏe hai người vui”… Chỉ cần ngồi ở quán cà phê, điện thoại một cú là “sung dược” sẽ được giao tận nơi mà không tính phí vận chuyển…

Săn bò cạp núi


Theo giới con buôn, bò cạp “xịn” nhất vẫn là ở vùng Bảy Núi (Tịnh Biên, An Giang). Nơi này là chốn sơn lâm kỳ bí nên bò cạp vùng này hơn hẳn các vùng khác về chất lượng, ngâm rượu thuốc bảo đảm có hiệu quả ngay từ ly đầu tiên. Trong vai những người tìm mua “sung dược” làm quà biếu sếp, chúng tôi được các thợ săn Bảy Núi hứa sẽ dẫn đi săn trong rừng sâu để bảo đảm bò cạp “made in Thất Sơn”.


Thợ săn bò cạp Huỳnh Trung hẹn chúng tôi có mặt tại thị trấn Tịnh Biên vào buổi chiều, ăn cơm ở một quán bình dân và uống vài ly đế ngâm bò cạp cho ấm bụng rồi xuất phát. Trời sụp tối, núi rừng Thất Sơn hùng vĩ vắng lặng, lạnh ngắt. Xa xa phía đông núi Phú Cường, lác đác vài ngọn đèn dầu, không gian yên vắng chỉ có tiếng ve sầu rỉ rả buồn não ruột. Trời càng tối, gió thổi càng mạnh, sương mù xuống lạnh cả người.


Thấy chúng tôi chỉ ăn mặc phong phanh áo sơ mi ngắn tay, Trung yêu cầu mặc thêm áo khoác, vừa chống cái lạnh vừa phòng côn trùng chích. Đồ nghề của thợ săn là 1 bình ắc-quy loại nhỏ đeo sau lưng, bóng đèn soi mang trên đầu, tay cầm chĩa 3 mũi… Để bảo đảm an toàn, Huỳnh Trung đề nghị anh em mang giày chứ không được mang dép, riêng Trung mang đôi giày vải khá dày, bảo là chống rắn rết.

Một con mối chúa vừa đào được.
 

Trời tối hẳn, cuộc đi săn bắt đầu. Chúng tôi được Huỳnh Trung phát cho mấy cái đèn sạc mini và cầm thùng đựng bò cạp để đi theo phía sau anh ta. Theo lời Trung, bò cạp thường sống ở chân núi theo kẹt đá hoặc bờ đê, bờ ruộng cao ráo. Thói quen của bò cạp là chỉ ra khỏi hang vào ban đêm để tìm thức ăn. Muốn bắt được bò cạp, phải chờ lúc này.

Hiện nay, bò cạp được nuôi khá nhiều nhưng loại này giá chỉ 5.000 đồng/con vì tác dụng giúp “sung” không bằng bò cạp tự nhiên. Đang nói, luồng sáng từ chiếc đèn gắn trên đầu Huỳnh Trung lia ngang một khe đất nhỏ bằng 3 ngón tay. Tay cầm chĩa ba chắn ngang miệng hang, tay còn lại Huỳnh Trung chộp lưng con bò cạp.


Con vật hung dữ cong đuôi tấn công bàn tay của thợ săn nhưng những cú mổ của nó chỉ trúng vào lớp vải dày cộp của cái găng tay bảo hộ. Trung thảy con bò cạp rơi đánh “bộp” vào đáy thùng. Con bò cạp chạy nháo nhào xung quanh thùng, 2 càng quơ quơ, còn cái đuôi đen sì liên tục vung lên rồi bổ xuống đáy thùng.


Huỳnh Trung giải thích: “Bò cạp lạ kỳ lắm, ban đêm nó rất nhanh và dữ, nhưng ban ngày thì nằm một chỗ ít cắn ai. Muốn bắt bò cạp, anh cứ đè đuôi xuống thì không bị cắn”. Đi một vòng quanh triền núi, hơn 30 con bò cạp mập ú bị tóm cổ thảy vào thùng.


Sau khi đi hết một vòng triền núi, Huỳnh Trung bắt đầu chuyển hướng ra phía các đám ruộng dưới chân núi. Ban đêm, những đám ruộng vừa thu hoạch xong chỉ con trơ gốc rạ và còn thơm mùi rơm. Theo dân săn bò cạp, các bờ thửa giữa cánh đồng chính là nơi mà bò cạp rất thích trú ngụ.


Đến khoảng 1h sáng, hơn 50 con bò cạp đen bóng đã nằm gọn trong thùng. Chợ biên giới Tịnh Biên có khoảng 20 hộ chuyên kinh doanh bò cạp, mối chúa, tắc kè bông, tắc kè cánh, bìm bịp… Mấy năm trước, giá bò cạp chỉ khoảng 4.000đồng/con. Từ ngày người ta nuôi được loài vật này, giá bò cạp săn bắt trong tự nhiên tăng giá gần gấp đôi.


Nghề săn bò cạp đang góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm cho người dân vùng núi An Giang. Theo lời của “thợ săn” Huỳnh Trung, anh chỉ mới là thợ chuyên nghiệp được hai năm trở lại đây nhưng cuộc sống gia đình có đồng ra đồng vào khấm khá hơn trước.

“Đúng là cái nghề mới nghe có vẻ kỳ dị nhưng hàng trăm người không đất đai như chúng tôi mấy năm nay nhờ nghề này mà nuôi vợ nuôi con đó. Có điều khi theo nghề cần phải cẩn thận với rắn độc. Nước giếng chớ đụng nước sông, thợ nào thì săn con nấy không được lấn sân coi chừng tổ nghiệp quở. Cứ hang nào dẹp và nhỏ thì là phần của dân săn bò cạp, còn hang to, tròn và trơ  láng thì chớ bén mảng, đó là hang rắn, để thợ săn rắn ra tay” – anh Huỳnh Trung nói.

Theo chính quyền địa phương, việc đào các ổ mối quanh triền núi và săn bò cạp không ảnh hưởng hay xáo trộn đất đai nên không cấm đoán bà con làm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, chuyện bò cạp, mối chúa… trị được một số bệnh hay tăng cường sinh lực… chưa có sách khoa học nào khẳng định. Mặc dù, thực tế đã có một số người sử dụng có kết quả, nhưng về liều lượng, cách ngâm, pha chế, sử dụng… chưa ai biết, tất cả chỉ làm qua truyền miệng.


“Sung dược” tràn về phố


Theo giới con buôn, nhiều khách du lịch tới vùng Thất Sơn dù rất mê món bò cạp nhưng vẫn khó lòng mua đem về bởi hành trình du lịch có khi kéo dài qua nhiều ngày, mua đem theo xe bò cạp sẽ “ngủm củ tỏi” trước khi về đến thành phố. Để tiếp thị hiệu quả hơn, nhiều người bắt đầu trang bị đồ nghề đưa bò cạp và đủ thứ “sung dược” khác về phố.


Những chiếc xe gắn máy phía sau yên sẽ gắn thùng gỗ, túi lưới, lồng sắt chứa đủ loại “sung dược” như bìm bịp, tắc kè, ong, rắn… dạo khắp phố phường. Tất cả các loại côn trùng ấy đều được người bán quảng cáo là bổ thận, tráng dương, ngâm rượu trị bệnh nhức mỏi, thư giãn gân cốt cho người già… Và ai cũng nói rằng hàng của mình là hàng… “xịn chính gốc Thất Sơn!”.


Tuy nhiên, dân “sành” chơi biết tỏng các loại “sung dược” này đa số là hàng nuôi. Giá cả do đó cũng dao động, trông mặt khách hàng mà ra giá. Bọ cạp và bổ củi đồng giá 5.000 đồng – có khi người bán hét lên 20.000 đồng/con nếu như người mua tỏ vẻ “đại gia” và có chút gì đó khù khờ; mối chúa từ 15.000 – 25.000 đồng/con; rết từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/con, tắc kè 150.000 đồng – 300.000 đồng/con, bìm bịp 300.000 đồng – 500.000 đồng/con…


Bìm bịp và rắn rừng là hai loại bán chạy nhưng lại có giá cao nhất. Giới mê tửu dược thường quan niệm bìm bịp là “số 1” vì tính năng bổ thận, tráng dương… do loài chim này thường sống chung với rắn độc nên xương thịt nó có thêm dược tính của rắn.

Rắn thường được ngâm theo bộ gồm tam xà (3 con), ngũ xà (5 con) đến cửu xà (9 con). Vì vậy, chúng ngày càng khan hiếm và có giá cao. Mối, bọ cạp, rết và bổ củi là những loại côn trùng có giá “mềm” nên được nhiều người bình dân chọn mua hơn. Theo quan niệm thì mối chúa ngâm rượu khi uống vào có tác dụng kéo dài thời gian “lâm trận”, bọ cạp sẽ làm quên cảm giác “mỏi gối chồn chân” của các quý ông chốn phòng the.


Cứ mỗi sáng thứ Bảy, một người đàn bà đi chiếc xe biển số An Giang luôn có mặt tại khuôn viên quán cà phê Mỹ Đình (thành phố Tân An, Long An) để bán “sung dược”. Theo lời chị này, “lịch” của chị cả năm nay cứ đều tăm tắp: thứ Hai có mặt tại Cần Thơ, thứ Ba Vĩnh Long, thứ Tư qua Đồng Tháp, thứ Năm về Bến Tre, thứ Sáu ở Tiền Giang và thứ Bảy là Long An. Ngoài đủ loại “sung dược” nhốt trong các lồng sắt to tướng, trên xe của chị còn có sẵn các loại thuốc dùng để ngâm rượu như lá rừng, Ngưu tất, Cam thảo…


Sau khi mua một vài con bổ củi, tôi lân la hỏi chuyện thì được người bán dạo kể cho nghe rất nhiều chuyện về nghề bán dạo côn trùng. Chị cho biết, chị tên Như Thảo nhưng bà con ở chợ Tịnh Biên kêu Thảo “bửa củi” nên danh thiếp của chị cũng để luôn cái tên này và mấy dòng ghi “ngành nghề kinh doanh” cùng số điện thoại liên lạc.


Ngày trước chồng chị Thảo “bửa củi” thường lên núi đào bắt côn trùng đem về bán ở chợ quê cho khách vãng lai. Sau này, việc mua bán côn trùng trở nên phát đạt, anh chồng chỉ chuyển hướng sang thu mua côn trùng của người địa phương để mang xuống phố bán. Mấy năm trở lại đây, nguồn côn trùng cũng bắt đầu cạn kiệt nên rất khó bắt.


Chồng chị thường phải săn hàng từ bên kia biên giới, thậm chí phải sang tận Campuchia để tìm hàng. Tuy nhiên, do hàng tự nhiên rất đắt nên chỉ những mối quen đặt mua mới có. Còn hàng của chị Thảo “bửa củi” chủ yếu là nuôi nhưng vẫn có chất lượng khá tốt do điều kiện nuôi dưỡng vẫn ở ngay vùng Thất Sơn, cách nuôi gần giống với môi trường hoang dã. Đang nhỏ to tâm sự, điện thoại của chị Thảo “bửa củi” reo vang.


Sau cuốc điện thoại, chị Thảo “bửa củi” hớn hở: “Ông T. Giám đốc ngân hàng ở Tân An uống món này mới có 2 tháng mà vợ đã dính bầu. Ổng than cưới vợ 6 năm nay nhưng mắc chứng hiếm muộn, lâu nay trị đủ món Đông y lẫn Tây y tốn cả trăm triệu mà không hiệu quả, nay mới uống chưa đầy 3 triệu đồng bổ củi mà đã cho kết quả mỹ mãn. Ổng dặn lần sau đem xuống 10 toa bổ củi tráng dương, ông mua hết làm quà tặng mấy sếp khác”…

Mối chúa ngâm rượu được bày bán tại chợ Tịnh Biên.
 

Chúng tôi dạo thử một vòng ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), có cả chục người kinh doanh côn trùng, bò sát bằng những chiếc gắn máy chạy lòng vòng khắp phố. Trong những lồng, chậu mà họ treo trên xe là đủ loại động vật “kinh dị” như sâu bọ, tắc kè, bọ cạp, rắn, rết… Nhiều người đi qua đường cũng… há hốc mồm vì những món hàng ớn lạnh này. Thế nhưng, dân trong nghề này ai cũng cho biết họ sống khá thoải mái nhờ ngày càng có nhiều quý ông quan tâm tới chuyện “súng ống”.

Thậm chí, nhiều người bán hàng còn có hẳn một danh sách các khách hàng thân thuộc, tới ngày cứ chở hàng tới giao mà không phải mời chào.


Thấy chúng tôi có thái độ sợ sệt khi nhìn vào cái lồng đựng rắn, chị Nguyễn Thị Bảy – còn có tên là Bảy “bìm bịp” cười trấn an: “Em mới dòm coi nó dữ dằn vậy chứ không có con nào dữ hết. Có dữ là con người mình mới dữ hơn rắn rết, bọ cạp nè” – miệng nói tay chị Bảy thò vào lồng sắt nắm đuôi một con rắn đen bóng đang ngóc cổ nhe răng thở phì phì bỏ vào cái túi lưới, chị bảo món này có một khách hàng đã đặt hàng từ trước: “Ảnh sưu tầm thêm con này bỏ vô hũ rượu thuốc đủ 9 con. Cửu xà tửu phải 9 con mới hiệu nghiệm”.


“Lúc mới vào nghề buôn cũng run lắm, nhưng phải quen thôi vì đếm rắn, đếm tắc kè, bọ cạp thì phải dùng tay chứ không dùng thứ khác được. Những ngày đầu, ngày nào cũng bị cắn, tay rướm máu, rách bươm.


Ngán nhất là mấy ông tắc kè bay, răng sắc nhọn như răng cưa, đã cắn vào là nhói tận xương tủy, cắn chừng nào ngán mới chịu nhả” - chị nói rồi chỉ cho tôi xem từng vết sẹo nhằng nhịt trên tay, chị phân biệt rạch ròi vết nào của rắn, vết nào của tắc kè. Buổi chiều, chúng tôi ghé một nhà hàng nổi tiếng trên đường Ấp Bắc (TP. Mỹ Tho) để lai rai với mấy người bạn.


Ông bạn thổ địa không cần dòm thực đơn mà phán luôn: “Đem cho anh dĩa bọ cạp chiên ròn trong vòng bảy nốt nhạc, anh đãi khách VIP”. Chừng 5 phút sau, đĩa mồi trông hết sức kinh dị được cô phục vụ bưng ra. Dù quyết tâm, nhưng nghĩ đến cái giống vừa độc vừa đen trùi trũi gớm ghiếc đó là tôi lại thấy ghê ghê trong người.


“Ăn thử thì có chết ai đâu nào. Với lại không ăn thì bị bạn nó trách!”, vừa suy nghĩ tôi vừa gắp đại một con bỏ miệng, cảm nhận đầu tiên khi răng cắn vào con côn trùng cực độc này là béo béo, bùi bùi pha vị ngòn ngọt. Cái “áo giáp” của nó nhai giòn rụm, tan ra trong miệng. Một vị rất lạ, rất khó tả. Ăn tới con thứ 2, rõ ràng nó khá ngon về mặt ẩm thực nhưng còn cái “khoản kia” thì không có gì là bảo đảm.


Thần dược hay độc dược?


Theo một số bác sỹ đông y, việc uống rượu ngâm ong, bọ cạp, bổ củi, mối chúa hay các loại rắn rết sẽ có tác dụng cường dương chỉ là chuyện truyền tụng trong dân gian. Hiện nay, có rất nhiều bài thuốc ngâm rượu gia truyền rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ổn định thần kinh, tăng cường sinh lực, giúp khí huyết lưu thông, mạch máu tốt mà không nhất thiết phải dùng rượu ngâm các loại côn trùng có giá đắt đỏ lại không biết nguồn gốc, có thể chứa mầm độc trong đó.


Trên thực tế, rất nhiều người do tin tưởng uống các loại rượu ngâm côn trùng đã bị dị ứng, toàn thân bị ngứa, sưng… phải tìm tới bác sỹ. Công bằng mà nói, chúng ta không nên phủ nhận khả năng trở thành một bài thuốc hữu ích từ các loại côn trùng như bọ cạp, rết, bửa củi, tắc kè... Tuy nhiên, để các thứ côn trùng này trở thành một vị thuốc có ích, chắc chắn phải qua sự bào chế của những người có chuyên môn sâu, không thể sử dụng một cách tùy tiện theo những lời truyền tụng trong dân gian.


Một số người săn lùng các loại côn trùng tiết lộ, họ thường dùng thuốc trừ sâu để làm “say” các loại côn trùng để cho vào lồng và đợi đến khi chúng “tỉnh” lại thì đem ngâm rượu bán. Vậy là hậu quả thì tất nhiên là người mua phải gánh.


Nhiều bệnh viện từng cấp cứu những bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm tính mạng do uống rượu ong đất mới ngâm hơn một năm, với triệu chứng: ngứa, sưng nề môi, đau bụng, nôn mửa… Nhiều người vẫn lầm tưởng rượu ong đất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe phòng the. Tuy nhiên, ong đất nọc độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa... thậm chí tử vong.

Để tìm hiểu rõ hơn về dược tính cũng như công dụng của con bổ củi có đúng như lời quảng cáo, chúng tôi đã nán lại Bảy Núi nhiều ngày. Theo những bậc cao niên ở Bảy Núi, nghề săn bắt côn trùng xuất phát từ những người dân tộc Khmer. Lúc đầu họ đi bắt về ngâm rượu hoặc làm thuốc trị bệnh theo cách riêng của họ. Lắm lúc có khách là người Kinh đến nhà chơi, là khách quý người Khmer mới đem rượu thuốc ngâm côn trùng ra đãi.


 “Không biết có phải vì được uống rượu lạ ngon hay sao rồi nhiều người Kinh bắt chước cách làm, bắt bổ củi ngâm rượu uống.

Chuyện công dụng làm tăng bản lĩnh đàn ông cũng hư hư, thật thật không có cơ sở nào kiếm chứng. Rồi người này truyền miệng đến người kia, mỗi người thêm thắt chút mắm, chút mối làm cho con bổ củi trở thành “thần dược” lúc nào không hay biết. Nhưng cái tao biết chắc chắn là cánh bạn hàng bán loại côn trùng này ở chợ Tịnh Biên có lợi từ tin đồn như vậy”, một lương y cao tuổi và uy tín ở Bảy Núi quả quyết.


Không chỉ bán bổ củi sống, bổ củi rang, bổ củi ngâm rượu đơn thuần, những người bán mặt hàng này tại chợ Tịnh Biên còn bán cả những gói thuốc có tên “Dâm dương hoắc”. Loại thảo mộc này được suy tôn là “Mị dược chi vương” (vua của các thuốc quyến rũ) vì tăng mạnh dục năng, kích thích tình dục cao. Những người chăn dê thời xưa nhận thấy rằng, những con dê đực, sau khi ăn lá của thứ cây này sẽ động dục mạnh, số lần và thời gian giao phối tăng lên rất nhiều.


Cũng vì thế mà danh y Đào Hoàng Cảnh (456-536) đã đặt tên cho cây thuốc này là Dâm dương hoắc (rau có mùi thơm làm cho dê tăng dâm dục).


Theo các lương y ở đây, thành phần chủ yếu trong Dâm dương hoắc là Incaritine có tác dụng tăng kích thích tố nam, làm tinh dịch tăng về số lượng và nồng độ, dùng sắc uống hoặc ngâm rượu có tác dụng chữa liệt dương.


Song, những thầy thuốc này cũng khuyến cáo: “Không nên mua hàng trôi nổi được rao bán như bán rau, bán cá ở chợ. Vì ngay cả cái tên của thuốc mà người bán còn không biết chính xác thì chắc gì đó là đúng là “thảo dược”. Hơn nữa bất kỳ loại thuốc nào cũng có 2 mặt của nó, dùng sai, không đúng liều lượng thì “thần dược” cũng thành “độc dược”. Nguy to đấy!”.


Theo thống kê, mỗi tháng bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 10 ca ngộ độc do ăn các món “thần dược” có nguồn gốc côn trùng. Ngay như món nhộng lụy – món khoái khẩu của rất nhiều dân nhậu cũng có khả năng gây ngộ độc. Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc do ăn côn trùng khi được chuyển vô đây thường trong tình trạng co giật tay chân, tăng tiết, cứng hàm và hôn mê.


Chị Đào Thị Mỹ Ph., huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh là vợ của một bệnh nhân cho biết anh Trần Văn M., 40 tuổi chồng chị đào được khoảng 1/2kg nhộng ve sầu nhưng thấy ở đầu nhộng có thêm mấy cọng như râu. Thấy các con nhộng đào có vẻ hơi khác thường với con nhộng ve mà mình đã từng ăn, nhưng vẫn nghĩ là ăn được nên anh đã đem chiên và mời bạn bè trong xóm cùng ăn.


Có 9 người ăn chung, tất cả đều bị ngộ độc sau ăn khoảng gần 1 tiếng đồng hồ, có 1 người chỉ ăn có nửa con nhộng ve cũng có triệu chứng nôn ói, chóng mặt phải nằm viện 3 ngày mới bình phục. Còn anh M. chị và một người nữa thì phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy do bị co giật tay chân và hôn mê.


Theo truyền thống ẩm thực dân gian, các loài côn trùng như dế, ve, nhộng sầu, đuông dừa, bò cạp... từ lâu vẫn được coi là những món ăn rất thơm ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, các loại côn trùng này, hay các dạng ấu trùng của chúng khi đào lên có thể bị nhiễm nấm độc. Do trong đất luôn có chứa rất nhiều bào tử nấm độc nên gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp thì chúng nhiễm vào các con côn trùng, ấu trùng để phát triển và phát tán mạnh.

Điều nguy hiểm là côn trùng, ấu trùng bị các bào tử nấm độc nhiễm vào vẫn giữ nguyên hình dạng. Nhưng phủ tạng bên trong của côn trùng đã bị các sợi tơ nấm độc mọc, phát tán và biến đổi toàn bộ thành một khối sợi nấm độc. Khi đó nếu sờ vào sẽ thấy thân cứng và mắt của con nhộng có màu trắng đục (trong khi những nhộng ve nếu còn sống thì mắt màu đen, hơn nữa thân mềm và có cử động).


Khi bẻ thân các con nhiễm nấm đã chết này ra sẽ nhìn thấy màu trắng đục giống như khúc củ khoai mì tươi sống, có mùi của thực vật. Côn trùng đã chết dạng nhiễm nấm thì sẽ biến đổi thành cây nấm độc. Nếu ai ăn phải con bị nhiễm nấm độc đã mọc thành cây nấm này ắt bị ngộ độc nấm độc.


Các triệu chứng ngộ độc chủ yếu là triệu chứng thần kinh, như chóng mặt, nôn ói, co giật tay chân, tăng tiết, cứng hàm, kích thích, lơ mơ, mê sảng, hôn mê... các triệu chứng nhiều hay ít tùy theo mức độ ngộ độc, lượng đã ăn, cơ địa người ăn. Bề ngoài chúng vẫn hấp dẫn vì vẫn giữ nguyên hình dạng của con côn trùng hay ấu trùng non nhưng người tiêu dùng hãy cảnh giác vì .vkhi đó chúng đã trở thành một cây nấm thật sự và có độc tính, không thể ăn.

Theo phunutoday
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]