Báu vật trong phế tích ngôi chùa ngàn năm

GiadinhNet - Nơi đây còn lưu giữ những câu chuyện thần bí về ngôi chùa cùng hai cây cổ quý ít người được biết.

15.5948
 Sau nhiều năm bị tàn phá, năm 2006, ngôi chùa được xây dựng lại
 khá khang trang, nhưng vẫn dựa trên nền của
ngôi chùa cũ.  Ảnh: Đ.H
 
Là ngôi chùa thứ 19 trong tổng số hơn 200 ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý, chùa Thiên Phúc, tọa lạc ở xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây còn lưu giữ những câu chuyện thần bí về ngôi chùa cùng hai cây cổ quý ít người được biết.

Tìm vào tới chùa, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi hai bên hông chùa là hai cây cổ thụ khoảng 800 năm tuổi. Từ ngôi chùa nhìn trực diện ra ngoài cổng là con sông Cầu Chày trong xanh chảy qua, tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ không phải ngôi chùa nào cũng có được.

Ngôi chùa có hai người được "thiên táng"

Tiếp chúng tôi, ông Trần Công Thuần (quản lý chùa), sau khi giới thiệu về hai cây cổ thụ, đã kể cho chúng tôi về những huyền tích của chùa mà ít người biết đến. Theo các cụ trong làng cũng như sổ sách ghi chép lại, chùa Thiên Phúc có từ khoảng đầu thế kỷ X. Theo nguyên bản ban đầu, chùa có ba gian, được thiết kế với những nét kiến trúc độc đáo có một không hai thời Lý.

Ông Thuần cho biết, tại ngôi chùa này có hai người trông chùa khi chết nhân dân trong làng chưa kịp mai táng thì đã được "thiên táng" (tức trời mai táng). Chuyện kể rằng, khoảng đầu thế kỷ XIV, có vợ chồng ông Ngô Rô và bà Trần Thị Hưu, tới đây ở và trông coi chùa. Vào khoảng năm 1336, ông Ngô Rô qua đời, để mai táng ông người dân trong làng đã đưa tới nghĩa địa có tên là Nổ Đó. Khi dân làng chuẩn bị chôn cất ông thì trời đổ mưa xối xả, mưa to nên không thể tiến hành chôn cất được, đành phải để sáng hôm sau. Nhưng điều lạ kỳ là sáng ngày hôm sau, khi dân làng ra chôn cất ông thì không thấy quan tài và thi thể đâu nữa, chỉ thấy một tổ mối to. Lúc này người dân trong làng mới tá hỏa là ông Ngô Rô đã được "thiên táng".

Ông Ngô Rô mất được mấy năm thì bà Trần Thị Hưu cũng mất. Người dân trong làng đã để bà nằm ở hiên chùa gần cây thị, lại một lần nữa điều kỳ lạ tiếp diễn. Sáng hôm sau, dân làng ra đưa bà đi chôn cất thì cũng thấy một cảnh tương tự, cả quan tài lẫn thi thể của bà đều bị mối đùn để lại một đống đất. Cho tới bây giờ, bên cạnh cây thị vẫn có đền thờ bà Trần Thị Hưu và ông Ngô Rô.

Về sau, con trai ông Ngô Rô là Ngô Tây, rồi đến cháu ông là Ngô Kinh đều nối tiếp trông coi ngôi chùa. Nhưng đến đời Ngô Kinh, ông đã trở thành người khai quốc thời nhà Lê. Khi ông Ngô Kinh không trông chùa nữa thì người dân trong làng đã cử người khác ra trông coi. Ngôi chùa được bảo tồn nguyên vẹn cho đến những năm 1952, khi cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt, chùa bị san phẳng hoàn toàn. Khu vực chùa thành một bãi đất hoang. Mãi tới tận năm 2006, nhờ lòng hảo tâm của con cháu họ Ngô, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã, ngôi chùa được xây dựng lại dựa trên nền móng của ngôi chùa cổ đã bị tàn phá.

Chùa mới được xây dựng khang trang với đền chính để thờ Phật, hai bên còn lại một bên là thờ Lý Thường Kiệt, bên thờ ông bà Ngô Rô, Trần Thị Hưu.

Sau chiến tranh giờ đây cây thị lại xanh và nhiều quả hơn.

nXung quanh gốc cây thị vẫn còn in vết đốt của trẻ con
 khi đi chăn bò.

Hai cây cổ thụ ling thiêng

Dẫn chúng tôi dạo quanh cây thị và cây me cổ gần 800 năm tuổi, ông Thuần cho biết, trước đây ở chùa này còn có thêm một cây thông, ba cây này có độ tuổi gần bằng nhau, nhưng không biết vì sao cây thông lại bị chết. Tương truyền cây thị già đã gần 800 năm tuổi, còn cây me khoảng hơn 750 năm tuổi.

Do chiến tranh tàn phá cũng như bị trẻ con trong làng đốt sưởi ấm khi đi chăn bò vào mùa đông nên hiện tại toàn bộ phần lõi bên trong của cây thị đã bị trống rỗng. Cây đang sống nhờ vào lớp vỏ bên ngoài, xung quanh gốc còn những vết cháy ngày nào để lại và cả những viết tích do bị bom đạn tàn phá. Với tuổi thọ gần 800 năm tuổi, cây thị có chiều cao gần 38m, vòng gốc 11m, đường kính giữa thân khoảng 7m; còn cây me cao khoảng 36m. Tuy sống tới khoảng 800 năm tuổi nhưng cây nào cũng xum xuê quả.

Theo các cụ già trong làng, hai cây cổ thụ rất linh thiêng, hễ ai có những hành động xâm phạm tới cây đều gặp chuyện không may. Đã gần một thiên niên kỷ trôi qua, ngần ấy thời gian đủ để chứng minh cho sự trường tồn của hai cây cổ thụ. Dù bên trong cây thị đã hoàn toàn mục ruỗng, còn cây me thì bị bom đánh chết mất một nửa, nhưng hai cây chưa hề có dấu hiệu của sự tàn lụi. Người dân nơi đây cho biết, từ năm 2006, sau khi chùa mới được xây dựng thì hai cây cổ thụ này càng tiếp tục xanh tốt, cành tỏa khắp một không gian lớn trùm lên ngôi chùa. Trước đó, năm 1995, một công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh đã trả với giá 5 tỷ đồng cho mỗi cây cổ thụ, nhưng dân làng cho rằng đây là báu vật của làng nên không bán.

Ông Võ Nghệ Thanh, thành viên trong Ban quản lý di tích của xã Định Hòa chia sẻ: "Cây thị, cây me không đơn thuần là một cây tự nhiên mà đã trở thành một phần máu thịt của người dân làng Nhất, xã Định Hòa. Cây vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn của con người nơi đây. Bởi thế, bà con làng này luôn tự giác bảo vệ, chăm sóc gìn giữ các cây cổ thụ và ngôi đền cổ này. Dù cơ quan, tổ chức nào có trả cả trăm tỷ dân làng chúng tôi cũng không bán".

 Đình Hoàng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]